Tính đến nay, chương trình truyền hình thực tế So you think you can dance - Thử thách cùng bước nhảy vẫn là một trong những chương trình truyền hình hiếm hoi giới thiệu đến công chúng những tài năng nhảy múa thực sự. Tuy nhiên, chương trình này cũng chỉ là sân chơi, nơi các thí sinh có cơ hội thể hiện tài năng của mình trước công chúng. Còn sau đó, trở về với cuộc sống, họ khó nhọc để phát triển nghề.
Dù được công chúng nể phục...
Trong buổi giới thiệu mùa giải thứ ba của Thử thách cùng bước nhảy, những vũ công được phát hiện của 2 mùa giải trước như Lâm Vinh Hải (quán quân mùa giải đầu tiên), Tố Như, Huỳnh Mến, Quang Đăng (tốp 10 mùa giải đầu tiên), Đình Lộc (tốp 3 mùa giải thứ hai)… đã mang đến cho khán giả những tiết mục biểu diễn cực kỳ thú vị. Từ những động tác mạnh mẽ của hip hop đến uyển chuyển, dẻo dai của broadway; từ phóng khoáng tự do của jazz đến nguyên tắc, chuẩn mực của đương đại… tất cả đều được các vũ công thể hiện bằng sự đam mê đầy mê hoặc. Thú vị hơn khi biết được những bài biểu diễn ấy do chính các vũ công này biên đạo và dàn dựng.
Nghệ thuật nhảy múa cho đến nay vẫn chưa phải là lựa chọn giải trí hàng đầu của đại đa số khán giả. Tuy nhiên, với Thử thách cùng bước nhảy, sức hút của chương trình này vẫn đủ giữ khán giả tại sân khấu và trước màn ảnh nhỏ bởi chính tài năng của các thí sinh. Họ xứng đáng được tôn vinh bởi tài năng thiên bẩm, quá trình khổ luyện, ý chí sắt đá và lòng đam mê vô hạn với nhảy múa.
Sự hờ hững của công chúng đối với nghệ thuật nhảy múa đôi khi là động lực mạnh mẽ cho các vũ công nỗ lực sáng tạo. Và vinh quang của vũ công được đổi bằng máu và nước mắt đúng nghĩa.
... nhưng khó có điều kiện tỏa sáng
Dù có là tài năng thực thụ thì các vũ công luôn khó có điều kiện tỏa sáng, nhất là ở thị trường giải trí Việt Nam, đa phần công chúng chuộng ca hát. Vũ công có giỏi đến mấy cũng chỉ làm nhiệm vụ minh họa cho các tiết mục biểu diễn của ca sĩ là chính.
Nỗi lo cơm áo khiến vũ công tạm hài lòng với công việc biên đạo hay múa minh họa cho các tiết mục biểu diễn ca nhạc của ca sĩ. Điều này cũng lý giải vì sao con đường của vũ công đến với công chúng ngày càng xa vời vợi bởi bản thân họ khó có thể tạo được những sản phẩm múa hoành tráng bằng phương tiện video để giới thiệu với công chúng.
Cũng có những vũ công chọn con đường tiếp tục học thay vì tham gia thị trường giải trí ngay khi tạo được dấu ấn.
Nhưng có lẽ với bất kỳ mục đích nào, muốn hay không muốn dấn thân vào thế giới giải trí, việc vũ công có thể tỏa sáng là điều gần như không tưởng bởi họ hoàn toàn không có “đất sống” riêng. Bản thân họ không có một ngôi nhà chung để phát triển sự nghiệp của mình. Tài năng vì thế bị uổng phí.
Kỳ tới: Bơ vơ đường nghề
Lu mờ dần
Lập một nhóm nhảy riêng, không đủ sức nhưng chỉ đi biên đạo thuê cho ca sĩ thì phí hẳn tài năng. Trường hợp của Quang Đăng là một ví dụ. Kiếm được vài sô quảng cáo sau khi cuộc thi Thử thách cùng bước nhảy mùa thứ hai kết thúc, hình ảnh của Quang Đăng cũng dần lu mờ khi không phát huy được chuyên môn. Đến nay, công việc chính của Quang Đăng và khá nhiều vũ công khác là biên đạo tiết mục biểu diễn cho ca sĩ nhưng chỉ là công việc cầm chừng, thu nhập cũng bấp bênh.
Trường hợp Đình Lộc, một vận động viên aerobic đầy tài năng nhưng ít ai biết đến anh trừ những người có quan tâm đến nhảy múa. Trong khi đó, Ngọc Thịnh chỉ quanh quẩn ở môi trường hoạt động underground, cũng tham gia biểu diễn, cũng thi đấu nhưng chỉ ai ở cộng đồng nhảy múa mới biết còn công chúng thì hoàn toàn xa lạ. Đó là điều đáng tiếc dù Thịnh thực sự có tài.
Không thể phủ nhận rằng sau khi được tôn vinh ở chương trình Thử thách cùng bước nhảy, nhiều vũ công có cơ hội trở thành gương mặt đại diện cho một số sản phẩm, thương hiệu. Tuy nhiên, đó là hoạt động bề nổi và không lâu dài.
Bình luận (0)