xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chốn ấy đợi ta về

Khánh Vân

Lại thêm cái Tết nữa rồi! Ta nhớ màu quê, khát gió quê/ Mây ơi ngưng cánh đợi ta về/ Cho ta trông lại tầng xanh thẳm/ Ngâm lại bài thơ "Phương thảo thê…" (Nhớ quê - thơ Hồ Dzếnh).

Ngày Tết ở quê bây giờ không còn nhà nào lạnh bếp. Người xưa nói "vắng đàn ông lạnh nhà, vắng đàn bà lạnh bếp". Nhà phải có bếp; có bếp mới ra gia đình. Và bếp lửa nhà nào đỏ ngày ba bữa thì nhà đó no đủ. Nửa buổi, nửa chiều đến bếp nhà ai thấy còn ấm thì coi như nhà đó có cái ăn; còn thấy tro tàn bếp lạnh thì biết nhà đó đói. Nói chung, ngày chưa có bếp gas, chưa có bếp điện, bà con quê tôi cứ giả vờ bước vào bếp xin chút lửa đốt điếu thuốc lá là biết nhà ấy no hay đói.

Tùy hoàn cảnh từng gia đình mà có nhà bếp hay không. Nếu nhà nghèo thì lợp thêm mấy tấm tranh ở đầu hồi để làm chỗ nấu nướng gọi là chái bếp. Thường những chái bếp ít ai làm bếp giàn mà đặt bếp ngay dưới đất với ba viên đá gọi là "ông đầu rau" hoặc cái "ông kiềng" để nấu cơm, nấu nước… Khi "ông đầu rau", "ông kiềng" bị hỏng hoặc cần thay hay thay vào dịp đưa ông Táo về trời thì những cái cũ được bà con quê tôi đem để ở góc sân đình hoặc miếu xóm, dưới gốc cây đa, cây duối um tùm nào đó nơi đầu thôn, cuối bãi, chứ không ném bậy ném bạ. Ở những nơi này, bà con cũng thường hương khói vào những ngày sóc, vọng, nhất là ngày xá tội vong nhân. Những gia đình khá hơn thì làm nhà bếp; khá hơn nữa thì có nhà ngang và làm bếp giàn chứ không ai đặt bếp dưới đất.
 
img
Ảnh: Dương Quốc Định
 
Tùy vào hoàn cảnh từng gia đình mà làm bếp giàn bằng gỗ hoặc bằng gốc tre. Về cơ bản, dù làm bằng gỗ hay bằng gốc tre cũng xẻ mộng lắp ráp. Cái bếp giàn giống như cái bàn hình chữ nhật, bề mặt phải đắp lên một lớp đất sét bùn khá bằng phẳng và được chà láng để khô mặt ít ngày mới đặt "ông kiềng" lên nấu; phía dưới, cách mặt đất chừng nửa thước cũng được xẻ mộng, ráp mộng làm một cái sạp rồi để lên đó cái sóng chén, phần còn lại dùng úp nồi, niêu, xoong, chảo…; bên dưới cái sạp này được chất một ít củi để tiện nấu nướng. Phần trên bếp giàn, ở phía sau thường có tấm bửng cao chừng bốn tấc để ngăn gió. Bên trên hai trụ trước của bếp giàn thường đặt 2 ống tre: một ống đựng đũa con, một ống đựng đũa bếp (đũa cả).

Ngày xưa, người ta đi tìm dâu thì cứ tìm cách xộc vào bếp là biết được cô gái nhà ấy có ngăn nắp, đảm đang hay không. Do vậy, sau khi nấu ăn xong, người ta thường dọn bếp gọn gàng. Than hồng được ủ kỹ dưới tro, xung quanh "ông kiềng" được quét, tém sạch sẽ; giàn dưới thì nồi niêu phải được rửa sạch, úp gọn gàng; dưới cùng, củi loại gì sắp ra loại đó ngay ngắn. Nền nhà bếp cũng được quét dọn sạch sẽ… Cứ nhìn vào cái bếp mà suy ra tính tình của cô gái để quyết định có nên nhờ mai mối tới dạm hỏi về làm dâu nhà mình hay không.

Ngoại trừ những khi nấu ăn bằng rơm, chứ nấu bằng củi mà không ủ than lại để tới bữa phải đi xin lửa thì cô gái nhà đó bị đánh giá thấp về mặt đảm đang. Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn ba ngày đường. Do vậy, ở quê (bây giờ cũng thế), cái bếp luôn gắn với sự đảm đang của người phụ nữ. Ngày xưa nấu nồi đất thì trong ống đũa bếp hoặc tấm bửng bên hông bếp có đèo thêm cái cặp nhắc. Cặp nhắc là một đoạn tre tròn cỡ ngón tay, dùng để "cặp" vào cổ nồi, "nhắc" xuống cho tiện. Sử dụng cặp nhắc cũng phải khéo tay chứ không thì úp nồi như chơi. Trong góc bếp thường có cái chổi bằng rạ lúa nếp (bền hơn rạ lúa tẻ) để người phụ nữ quét dọn bề mặt bếp sau khi làm xong bữa cơm…

Bây giờ ngồi nhớ lại, hình ảnh làn khói bếp vương trên mái rạ làm cho tôi cứ nôn nao nghĩ đến Tết ở quê nhà với bếp lửa hồng reo vui.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo