Với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, Festival Huế 2010 là một lễ hội lớn, một hoạt động được đưa vào chương trình quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, 50 năm kết nghĩa Hà Nội-Huế-Sài Gòn.
Năm nay, Festival Huế 2010 có nhiều chương trình mới lạ, quy mô hoành tráng và mở rộng ra tất cả các huyện, thị xã trong toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế. Đặc biệt, lần đầu tiên Festival Huế có đại diện của các nước ở 5 châu lục tham dự.
Nhiều chương trình mới lạ, hoành tráng
Theo ban tổ chức, điểm mới của Festival Huế 2010 là sự chắt lọc tinh hoa nghệ thuật mang đậm sắc thái văn hóa của các đoàn đến từ 5 châu lục. Có tất cả gần 50 nhóm nghệ sĩ, đoàn nghệ thuật của 28 quốc gia tham dự, như Pháp (đối tác chính), Argentina (châu Mỹ), Hàn Quốc (châu Á), Úc (châu Đại Dương), Senegal (châu Phi)...
Theo đó, Festival Huế 2010 như một đại tiệc nghệ thuật của các nền văn hóa trên thế giới; là nơi gặp gỡ đầy ấn tượng của các TP vốn là cố đô, các TP có di sản thế giới.
Chương trình các nước với nhiều thể loại nghệ thuật đa dạng: truyền thống và đương đại, nghệ thuật sân khấu, múa, ca nhạc, nghệ thuật đường phố, nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn.
Điểm nhấn chính và cũng là những điểm mới của Festival Huế 2010 có thể nhìn thấy rõ trong kết cấu nội dung và hình thức tổ chức sẽ diễn ra trong 9 ngày (từ ngày 5 đến 13-6).
Nhiều chương trình lần đầu tiên được đưa vào khai thác phục vụ Festival Huế và nhiều lễ hội mới phục vụ du khách, như: Đêm hội hành trình mở cõi, Ðêm phương Ðông, Vẻ đẹp Việt II hơi thở của nước, Cuộc thao diễn thủy binh thời chúa Nguyễn...
Cũng theo ban tổ chức, tại festival lần này, Huế đã hoàn thiện và nâng tầm nghệ thuật một số lễ hội cung đình, lễ hội truyền thống đã trở thành thương hiệu của Festival Huế, như: Lễ tế đàn Nam Giao, Đêm hoàng cung, Huyền thoại sông Hương... Đặc biệt, các chương trình lễ hội khai mạc, bế mạc đều có bắn pháo hoa nghệ thuật.
Đoàn nghệ thuật Nga đang gấp rút luyện tập tại sân khấu Ngọ Môn chuẩn bị cho đêm biểu diễn lễ khai mạc. Ảnh: HOÀNG DŨNG
Bên cạnh đó, còn có các chương trình hưởng ứng festival, các chương trình xã hội hóa: Chương trình Festival khoa học “y học với cộng đồng” do Trường ĐH Y dược Huế tổ chức lần đầu tiên như một festival khoa học trong lòng Festival Huế; chương trình festival dành cho thiếu nhi “Những khối vuông mùa hạ”, Festival Thơ Huế.
Ngoài ra, còn có các cuộc triển lãm ảnh Hà Nội - Huế - Sài Gòn; vẽ tranh đường phố “Ký ức từ cố đô Thăng Long đến cố đô Huế” và chương trình nghệ thuật sắp đặt “Vì một hành tinh xanh” như một thông điệp gửi đến cộng đồng.
Tại buổi họp báo ngày 4-6, ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế, Trưởng ban tổ chức Festival Huế 2010, cho biết hiện nay công tác chuẩn bị cho đêm khai mạc đã hoàn tất, chỉ đợi đến giờ diễn.
Không khí vắng lặng, buồn tẻ
Theo ghi nhận của chúng tôi, mặc dù năm nay ban tổ chức Festival Huế 2010 đã cố gắng đưa vào nhiều chương trình mới lạ, hấp dẫn để phục vụ du khách nhưng những ngày qua không khí chào đón sự kiện festival ở Huế rất buồn tẻ, vắng lặng.
Trong suốt chiều dài gần 100 km, từ Lăng Cô đến Bến xe phía Nam (trung tâm TP Huế) không có lấy một tấm băng rôn quảng bá cho sự kiện Festival Huế 2010 mà chỉ thấy những băng rôn treo đầy ắp trên các đường phố để quảng bá cho chương trình Hội chợ Thương mại kinh tế trọng điểm miền Trung-Tây Nguyên hay băng rôn kỷ niệm 2 năm thành lập Công ty Cổ phần Bia Huda Huế.
“Không khí festival năm nay buồn quá, đường phố cũng thiếu hẳn những hình ảnh quảng bá về chương trình lễ hội festival nên không khí thiếu hẳn sự sôi động” - anh Công Hạnh, một du khách, tâm sự.
Trả lời về vấn đề này, tại cuộc họp báo ngày 4-6S, ông Nguyễn Duy Hiền, Giám đốc Trung tâm Festival Huế, Phó trưởng Ban Thường trực ban tổ chức Festival Huế 2010, cho rằng do không gian rộng, hơn nữa kinh phí hạn chế nên không thể treo băng rôn dàn trải mà chỉ tập trung trên đường phố chính ở trung tâm TP Huế.
Được biết, số tiền chi cho Festival Huế 2010 không dưới 20 tỉ đồng. Có đến 15 sân khấu được xây dựng phục vụ các chương trình biểu diễn, mỗi sân khấu tiêu tốn không dưới 400 triệu đồng.
Tại cuộc họp báo, một số phóng viên cũng than phiền với ban tổ chức về giá cả dịch vụ ăn uống, khách sạn leo thang, nhiều du khách bị “chặt chém”, chính vì vậy mà du khách e ngại đến Huế trong những ngày diễn ra festival.
Ông Ngô Hòa nhấn mạnh: Ban tổ chức đã phân công lực lượng công an, thanh tra các sở thường xuyên kiểm tra vấn đề giá cả các dịch vụ nhằm hạn chế tình trạng “chặt chém” du khách. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp lén lút nâng giá tạo hình ảnh không đẹp trong lòng du khách.
“Nếu phát hiện cơ sở, đơn vị nào tự ý nâng giá cao để “chặt chém” du khách sẽ tiến hành phạt nặng” - ông Hòa nói.
Mở rộng không gian
Khác với những kỳ festival trước, không gian Festival Huế 2010 không chỉ gói gọn trong TP Huế mà còn được mở rộng ra các vùng lân cận, các khu thị trấn, thị tứ, về đến các vùng sâu, vùng xa, như: A Lưới, Phú Vang, Phong Điền... và sẽ có một số chương trình nghệ thuật của các đoàn trong và ngoài nước biểu diễn.
Cụ thể, tại thị trấn Tứ Hạ, vào ngày 8-6, người dân huyện Hương Trà có cơ hội thưởng lãm các nghệ thuật đặc sắc của đoàn nghệ thuật Yangpyeong (Hàn Quốc). Tại thị trấn Sịa (huyện Quảng Điền) và thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) nằm cách TP Huế khoảng 15 km, người dân cũng được xem các nghệ sĩ vũ đoàn Raduga – Divertisment – Flamingo đến từ nước Nga biểu diễn.
Còn người dân thị xã Hương Thủy cũng có cơ hội lần đầu được chiêm ngưỡng các nghệ sĩ quốc tế đến từ Pháp và Ba Lan công diễn. Ý nghĩa hơn, lần đầu tiên Festival Huế vươn tới hai huyện miền núi nằm cách xa TP Huế hàng chục cây số.
Tại huyện Nam Đông, người dân sẽ được thưởng lãm những bức ảnh của các nghệ sĩ Pháp; tại huyện A Lưới, người dân miền núi sẽ được thưởng thức các chương trình nghệ thuật của các đoàn nghệ thuật trong nước và của Hội Liên hiệp Thanh niên VN tại Pháp. |
Bình luận (0)