Chương trình "Hát mãi ước mơ" (phát sóng định kỳ vào lúc 20 giờ 30 phút thứ tư hằng tuần trên kênh HTV7).
Người tham gia chương trình không là những giọng hát xuất sắc. Họ cũng là những con người bình thường với những ước mơ bình dị nhưng họ chiếm được tình cảm của khán giả bởi điều họ làm không phải cho bản thân mình. Chính tình yêu thương có tính lan tỏa ấy đã chinh phục người xem.
Một thí sinh trình diễn trong chương trình " Hát mãi ước mơ"
Là chương trình thuần Việt, "Hát mãi ước mơ" chở đầy ý nghĩa nhân đạo như nhiều chương trình đã từng ra mắt khán giả: "Ngôi nhà mơ ước", "Vượt lên chính mình", "Điều ước thứ 7", "Nhịp cầu ước mơ",… Dù hình thức có khác nhau nhưng tựu trung, các chương trình đều muốn nhân rộng tinh thần tương thân tương ái ở cuộc đời này. Giải thưởng của chương trình không cao, chỉ từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng (được quy đổi từ số điểm do ban giám khảo chấm thông qua phần hát nhân với đơn vị 100.000 đồng) nhưng nó lại mang ý nghĩa lớn khi với nhiều trường hợp, đó là cả một giấc mơ dài.
Nhiều ý kiến trái chiều cho rằng làm thiện nguyện sao phải khổ thế? Nhưng phải hát mới thành chương trình, vì đó là sức sống của một chương trình cho dù mang ý nghĩa thiện nguyện. Nhiều chương trình từ thiện, nhân đạo trên truyền hình đã bị bỏ vì rating (lượng người xem) thấp. Mà ít người xem thì khó kéo tài trợ, cũng không kêu gọi được nhiều nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ ở đời. Hát để người khác vơi đi nỗi đau, khó khăn trong cuộc sống thì có ngại gì? Điều đọng lại trong lòng người xem không phải là âm nhạc mà là những câu chuyện và ý nghĩa của chương trình. "Hát mãi ước mơ" đang đi đúng, chắc chắn được công chúng khích lệ.
Bình luận (0)