Tuy nhiên, từ trước tới nay, dường như chưa có một sự giải thích về mặt từ nguyên nào có thể coi là thỏa đáng và có sức thuyết phục về gốc gác ngữ nghĩa của thành ngữ này. Chỉ vì một lẽ là khó có thể xác định được ý nghĩa đích thực của cụm từ “chuột lột”.
“Chuột lột” nghĩa là thế nào? Trong ngôn ngữ tiếng Việt, người ta có thể nói “rắn lột” (như tục ngữ ta có câu “Rắn già rắn lột”) chứ ở loài chuột không có hiện tượng lột xác như loài rắn. Vậy tại sao có thể ví một người bị ướt sũng cả quần áo từ đầu đến chân với hình ảnh “chuột lột” được?
Đã có lần, trên báo Y. ở mục “Nói chuyện chữ nghĩa” có tác giả đã bác bỏ câu “Ướt như chuột lột” vô ý nghĩa này để “đính chính” lại bằng câu “Ướt như chuột lụt” được giả định là đúng hơn. Tác giả lý giải: Ở các vùng đồng chiêm trũng thuộc một số tỉnh đồng bằng miền Bắc, đến vụ úng lụt thì họ hàng nhà chuột ở các vùng này nhất loạt phải “di tản” lên các vùng đất hoặc đồi cao để tránh lụt. Vì thế mới có câu “Ướt như chuột lụt”, sau này bị biến dạng thành “Ướt như chuột lột” - là một câu vô ý nghĩa nhưng vẫn được nhiều người dùng, lâu ngày thành thói quen.
Ngẫm suy, cách lý giải đó cũng không thỏa đáng về nhiều mặt. Trước hết, câu “Ướt như chuột lụt” xem ra lại còn khó nghe và có nhiều phần khiên cưỡng hơn câu “Ướt như chuột lột” vốn có từ trước do cấu trúc ngôn từ của nó khá xa lạ với ngôn ngữ tiếng Việt, đặc biệt là với lối nói nhuần nhị tự nhiên của thành ngữ dân gian Việt Nam (nếu “lụt” là danh từ thì thật vô nghĩa; nếu “lụt” là động từ hoặc tính từ... thì lại nghịch nhĩ quá!). Do đó, về ngữ nghĩa, nó thiếu tính logic chặt chẽ và về hình thức cũng thiếu tính hình tượng sinh động tự nhiên mà ta thường thấy ở bất cứ câu “nói ví” nào trong dân gian. Mặt khác, nếu họ hàng nhà chuột ở những vùng ấy cứ đến vụ lụt lại “di tản” hết lên vùng đồi cao để tránh thì làm gì có cái hình ảnh “ướt át” phổ biến kiểu ấy, huống hồ đây đâu phải là một thành ngữ của riêng một số vùng đồng bằng chiêm trũng.
Theo chúng tôi, hình dạng gốc gác ban đầu của thành ngữ “Ướt như chuột lột” này chính là “Ướt như chuột lội”. Trong từ vựng tiếng Việt cổ, “lội” cũng có nghĩa là “bơi” (đồng nghĩa). Thế nên có từ ghép “bơi lội”. Ở một số địa phương, từ “lội” thường được dùng thay cho từ “bơi”. Do đó, ta có thể xác định thành ngữ “Ướt như chuột lội” được dùng để ví hình ảnh một người (đi mưa hoặc ngã xuống nước chẳng hạn) bị ướt lướt thướt, quần áo sũng nước dính chặt vào người… với hình ảnh một con chuột bị sa xuống nước và lội (tức bơi) từ dưới nước lên, bộ lông ướt mèm dính bết vào mình mẩy, trông rúm ró…
Chỉ có cách lý giải như vậy về gốc gác của câu thành ngữ bị biến dạng nói trên thì mới là thỏa đáng. Nếu tra cứu thêm ở bộ “Từ điển Việt Nam” của Hội Khai Trí Tiến Đức xuất bản từ trước Cách mạng Tháng Tám (1945), chúng ta cũng sẽ bắt gặp dạng đích thực của thành ngữ đó là “Ướt như chuột lội” chứ không phải “Ướt như chuột lột” trong mục từ “ướt” của bộ từ điển này do các nhà nghiên cứu uyên thâm đi trước chúng ta một nửa thế kỷ đã biên soạn.
Cùng bạn đọc,
Thời gian qua, mục “Tiếng Việt tinh túy” của Báo Người Lao Động nhận được nhiều bài cộng tác mới hoặc góp ý, tranh luận... của các độc giả, nhà nghiên cứu, nhà ngôn ngữ. Một số bài đã được tòa soạn chọn đăng.
Tuy nhiên, còn có nhiều bài chưa đạt yêu cầu vì một số lý do như đã được in (toàn phần hoặc phần lớn) ở báo, tạp chí khác; luận giải chưa thuyết phục hoặc đề tài không mới, ít hấp dẫn…
Báo Người Lao Động chân thành cảm ơn và mong tiếp tục nhận được nhiều bài cộng tác hơn nữa. Bài gửi qua emai: toasoan@nld.com.vn, vui lòng đính kèm thông tin cá nhân của tác giả để tòa soạn tiện liên lạc.
Bình luận (0)