Bộ sách này từng được xuất bản bằng tiếng Pháp từ năm 1901-1911.
Sáu cuốn xuất bản lần này là chuyên khảo về các tỉnh: Long Xuyên, Bến Tre, Sa Đéc, Châu Đốc, Vĩnh Long và Gia Định. Theo NXB Trẻ, 8 cuốn còn lại của bộ sách, gồm: Biên Hòa, Hà Tiên, Bà Rịa và TP Cap Saint-Jacques, đảo Phúc Quốc (tỉnh Hà Tiên), Sa Đéc, Sóc Trăng, Mỹ Tho, Cần Thơ sẽ lần lượt được in trong năm 2018.
Bộ sách cung cấp một nhát cắt về kinh tế, chính trị, tự nhiên của các vùng địa lý được đề cập; là tài liệu thực hiện theo phương pháp điều tra ghi chép, tổng hợp khá phong phú. “Qua đó, chúng ta có thể thấy những “bức ảnh chụp” về môi trường tự nhiên và xã hội Nam Kỳ trong 10 năm đầu thế kỷ XX. Đây là thời điểm người Pháp muốn khai thác, khẩn hoang nhiều nơi để mở rộng diện tích trồng lúa, sản xuất lúa gạo ra thế giới. Nếu đọc bộ sách, chúng ta sẽ thấy vùng đồng bằng bên kia sông Hậu là vùng khẩn hoang mạnh mẽ nhất. Bộ sách cung cấp dữ liệu của từng địa phương trong một thời điểm nhưng sẽ giúp cho chúng ta có cái nhìn tổng quan, tương quan trên toàn vùng Nam Kỳ” - dịch giả Nguyễn Nghị ghi nhận.
Cấu trúc bộ sách nhất quán, gồm 4 phần: Địa lý học tự nhiên là những mô tả địa danh, truy tìm nguyên nghĩa, vị trí địa lý, hình thể tính chất thổ nhưỡng, giao thông, khí hậu phân chia địa giới hành chính trong vùng; Địa lý học kinh tế gồm thành phần cây trồng, vật nuôi, vật liệu xây dựng, thương mại; Địa lý học lịch sử và chánh trị gồm lịch sử địa phương, sắc dân, các sự kiện lịch sử, di tích…; Thống kê hành chánh gồm tổ chức quân khu đồn trú, thành phần dân số, phong tục, tổ chức tôn giáo, ngôn ngữ…
Nhiều quan điểm trong bộ sách thiên về cách nhìn của người Pháp được bản dịch trung thành, kể cả giữ lại lối viết địa danh kiểu cũ (có gạch nối) để làm tham chiếu khách quan. Tuy được viết vắn tắt nhưng cũng có những phần dữ liệu nền phong phú dẫn dắt người đọc hiểu thêm về quá khứ.
Tương quan Việt - Hoa - Pháp cũng được đề cập kỹ trong phần mô tả giáo dục, kinh tế, sự phát triển quân sự và các trung tâm thương mại trong vùng như Chợ Lớn, Sài Gòn. Bảng kê về cấu trúc dân số, cơ cấu nghề nghiệp, tín ngưỡng, tâm thức văn hóa… khá rõ ràng giúp cho người đọc hình dung bối cảnh xã hội ở góc độ nhân học đô thị.
Bộ sách như những tài liệu nền quan trọng để hiểu một giai đoạn lịch sử Nam Kỳ, lịch sử châu thổ và đô thị học trong vùng. Ngoài ra, là một tài liệu để giúp người nay đối chiếu về môi trường, sinh thái để có sự chấn chỉnh cần thiết hướng đến sự phát triển bền vững cho toàn vùng.
Bản dịch tiếng Việt của dịch giả Nguyễn Nghị, Nguyễn Thanh Long.
Bình luận (0)