Không cần đến những món quà vật chất đắt tiền hay những lời hứa hẹn đầu môi chót lưỡi, từ chỗ ái mộ thần tượng, họ gặp nhau và trao nhau tình yêu chân thành để từ đó gắn kết với nhau lâu bền bằng nghĩa phu thê. Trải qua mấy chục năm sống đời chồng vợ nhưng mỗi lần hồi tưởng lại, chính những người trong cuộc cũng không tin mình lại đi yêu và lấy thần tượng- người mà một thời mình hâm mộ.
Yêu chân tình
Cũng đã hơn 40 năm trôi qua nhưng trong ký ức của NSND Lệ Thủy vẫn khắc ghi sâu đậm mối tình mà chị gọi là “duyên nợ” với chàng trai nghèo miền Trung Dương Đình Trúc. Ngày ấy, cô đào Lệ Thủy không chỉ làm ngẩn ngơ bao chàng trai bởi sắc đẹp của một thiếu nữ đang tuổi “cập kê” mà tiếng hát ngọt ngào của chị cũng khiến nhiều người mê đắm. Năm 16 tuổi, cô đào xinh đẹp này giành được Huy chương vàng giải Thanh Tâm, vang danh trên sân khấu cải lương.
Cùng sống trong chung cư Nguyễn Thiện Thuật (quận 3, TP HCM) có chàng sinh viên Dương Đình Trúc ở nhà đối diện mê tiếng hát của chị từ lâu nhưng hễ gặp nhau là “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Mất ăn mất ngủ vì quá si mê giọng ca và sắc đẹp của chị nhưng anh Trúc vốn thật thà nên chẳng dám làm quen. Mãi cho đến khi Lệ Thủy bị tai nạn gãy tay, anh liền viết thư thăm hỏi để làm quen. Tình yêu nhen nhóm cũng từ đó, sau hơn 1 năm tìm hiểu, cảm động trước tấm chân tình và sự ái mộ của anh, năm 1972, chị đã đồng ý cùng anh nên duyên vợ chồng.
Với NSND Lệ Thủy, thời ấy hẳn có rất nhiều người ái mộ và muốn nên duyên với chị nhưng có lẽ tính hiền lành, chất phát, dễ mến của chàng trai miền Trung này đã làm chị xiêu lòng.
Những năm 1990, 1991, nghệ sĩ Tấn Beo theo đoàn hát cải lương diễn quanh thành phố và cũng từ những đêm hát ấy anh đã gặp “một nửa” của mình. Tấn Beo nhớ lại: “Đêm nào cũng thấy một cô gái ngồi ngay hàng ghế đầu chăm chú và say mê xem tôi diễn. Bảy ngày trong tuần chúng tôi diễn cùng 1 vở ở những địa điểm khác nhau mà đêm nào cô ấy cũng đến xem”. Chị Phùng Thị Dung lúc đó theo gia đình từ Quảng Ngãi vào
TP HCM mưu sinh bằng nghề buôn bán. Chị mê tít cải lương nên có đoàn tới là tranh thủ dọn hàng sớm, rủ bạn bè đi xem hát. “Lúc đó vừa ghiền cải lương lại vừa muốn được gặp nghệ sĩ Tấn Beo nên đi sớm để ngồi hàng ghế đầu nhìn cho rõ mặt. Rồi không biết tự lúc nào mình bị cuốn hút bởi cái duyên diễn hài trên sân khấu của anh!” - chị Dung kể.
Từ đó, hễ Tấn Beo diễn ở đâu là chị đều lặn lội đi xem và cổ vũ. Lúc anh diễn, chị ngồi chăm chú xem, vỗ tay nồng nhiệt. Khi màn nhung khép lại, chị nấn ná chờ để được gặp thần tượng của mình. Riêng Tấn Beo, biết có khán giả trung thành ái mộ mình, lại đúng là người mình thầm thương trộm nhớ, trong lòng càng hứng khởi để chủ động làm quen. Sau vài lần gặp mặt, 2 người đã bén duyên nhau.
Trong giới nghệ sĩ vẫn truyền tai nhau câu chuyện tình yêu đẹp như mơ và cảm động đến rơi nước mắt của nghệ sĩ Vũ Minh Vương và cô gái nghèo Nguyễn Thị Hồng Thủy - sau này còn có nghệ danh Ngọc Oanh khi đi hát cải lương ở quán. Vốn là người miền Tây (Bến Tre), từ nhỏ chị Thủy đã mê những làn điệu cải lương, đến khi nghe được những bài ca bằng chất giọng trầm ấm của Vũ Minh Vương, chị đã “thần tượng” anh lúc nào không biết. Ái mộ và si mê giọng hát của một nghệ sĩ, chị vẫn ước ao một ngày nào đó gặp “người trong mộng”. Ngờ đâu điều ước ấy đã thành sự thật. Khi lên TP HCM học nghề uốn tóc, chị gặp được anh trong một lần chủ tiệm giao việc nhuộm tóc cho một nghệ sĩ, người đó chính là thần tượng bấy lâu nay của chị. Tình cảm đến bất ngờ, chính chị hay Vũ Minh Vương cũng không bao giờ có thể tin được đó là sự thật. Chị Oanh bảo: “Lúc đó ái mộ, mơ một lần gặp mặt là đủ rồi chứ không mơ đến việc sẽ nên đôi với người mình yêu thích. Tôi yêu anh ấy, theo anh ấy học nghề ca vọng cổ và vào nghề cũng từ đó”.
Vượt qua rào cản
Người đời xưa nay vẫn dành cho nghệ sĩ bốn chữ “xướng ca vô loài”, rằng đời nghệ sĩ rày đây mai đó, phận bạc nổi trôi. Bởi vậy khi mối tình giữa nghệ sĩ và người hâm mộ chớm nở đã sớm gặp nhiều chông gai. Chị Dung không thể nào quên những trận đòn roi của ba khi biết chị đem lòng yêu nghệ sĩ Tấn Beo. Tấn Beo cho biết: “Ba mẹ cô ấy sợ con gái khổ sở khi phải chìm nổi theo những gian truân của cuộc đời nghệ sĩ. Hơn nữa, họ còn sợ nghệ sĩ thiếu chung thủy nên nhất quyết ngăn cản. Ngay cả lúc gia đình tôi đến dạm hỏi, ba mẹ cô ấy cũng từ chối”.
Nghệ sĩ Bảo Quốc vẫn hài hước nói rằng mình phải “dụ” mãi mới cưới được chị Thu Thủy bởi thời ấy chị Thủy còn là một nữ sinh Gia Long xinh đẹp và duyên dáng. Gia đình chị biết 2 người thương nhau đã đôi ba lần cấm cản vì sợ “nghệ sĩ đa tình, trăng hoa, cưới về nó bỏ mình đi yêu người khác không sớm thì muộn”.
Lúc còn yêu nhau, kẻ Trung người Nam và quan niệm về 2 chữ “nghệ sĩ” cũng khiến Lệ Thủy khó khăn lắm mới thuyết phục được gia đình.
Nếu không vì tình yêu chân thành, chỉ vì một phút si mê hay những toan tính vật chất thì có lẽ những người trong cuộc đã không đủ sức vượt qua. Bởi nói như Tấn Beo, nghệ sĩ thời ấy nghèo lắm, thương khán giả của mình bằng tấm lòng chân thật, lời tỏ tình cũng quê mùa kiểu như “Anh sẽ bảo bọc cuộc đời em, anh ăn gì thì em sẽ ăn đó” chứ không bao giờ thốt ra những lời hứa trên trời, dưới biển. Chiếc cầu nối làm quen của anh và chị Dung cũng như Lệ Thủy và anh Trúc chỉ bằng vài buổi hẹn cà phê hay uống nước mía mà thôi. Những người hâm mộ như anh Trúc, chị Dung, chị Thủy, chị Oanh là yêu qua tấm lòng người nghệ sĩ chứ không phải yêu một cô đào hát phấn son hay một anh kép lẫy lừng trong ánh đèn sân khấu rực rỡ.
Sau 3 năm yêu nhau mà không được chấp nhận, chị Dung đã tự quyết định kết tóc xe tơ với nghệ sĩ Tấn Beo, còn anh cũng quyết liều “xé rào”. Sau khi có con, họ dắt nhau về thăm ba mẹ. Cha mẹ vợ cũng đã bằng lòng vì thấy con mình có một gia đình êm ấm.
Tình yêu có thật Nhìn các cặp vợ chồng của NSND Lệ Thủy, Bảo Quốc, Tấn Beo, Vũ Minh Vương sống hạnh phúc, dù tuổi già, sức yếu, bệnh tật... nhiều người cảm thấy ấm lòng và tin tưởng vào tình yêu tưởng chừng không có thật. Gắn bó và giữ lâu bền hạnh phúc gia đình bởi họ quan niệm trong gia đình, chẳng bao giờ có khái niệm nghệ sĩ hay người hâm mộ mà chỉ có những người vợ, người chồng hết lòng vì mái ấm. |
Bình luận (0)