Bà Lưu Thị Hồng, Tổng Giám đốc CNC, cho biết YouTube là 1 trong gần 20 trang mạng phát tán Táo quân 2014 và Gala Cười 2014.
Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc
“Hành động của YouTube đã khiến CNC thiệt hại một khoản tiền không nhỏ (3.000 đồng/lượt xem - PV). Vì vậy, chúng tôi quyết định sẽ đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc và yêu cầu các đơn vị, cá nhân vi phạm phải bồi thường” - bà Hồng cho hay khi trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 11-2.
Theo bà Hồng, CNC đã hoàn tất hồ sơ về các đơn vị, cá nhân vi phạm để gửi sang Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50), Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
Tuy nhiên, bà Hồng cho biết CNC chưa tính đến chuyện khởi kiện mà chỉ yêu cầu YouTube bồi thường thiệt hại đã gây ra cho CNC. CNC cũng yêu cầu trang mạng này phải bị xử phạt theo đúng quy định tại Nghị định 131 - quy định xử phạt hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan.
Bà Hồng cho hay CNC đã làm việc trực tiếp với YouTube tại Mỹ và nhận sự hợp tác của trang mạng này. Theo đó, các video về Táo quân đưa lên YouTube đã được gỡ xuống. Với những người dùng cố tình vi phạm, trang này cũng đã khóa tài khoản.
Điều khiến bà Hồng bức xúc là khi làm việc với Công ty POPs, đối tác của YouTube về bản quyền ở Việt Nam, thì lại nhận được sự bất hợp tác. “POPs yêu cầu chúng tôi phải trả 20 triệu đồng để ngăn chặn hành vi phát tán trên YouTube mà không đưa ra lý do cho việc tính phí này. Đây là điều bất hợp lý, tại sao chúng tôi có bản quyền mà lại phải trả tiền cho họ? Nếu chúng tôi không có bản quyền thì Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) không cho chúng tôi khai thác” - bà Hồng khẳng định.
Rắc rối vấn đề bản quyền
Trong khi đó, bà Hạnh Nguyễn, đại diện POPs, cho biết CNC đã liên hệ với công ty để yêu cầu tôn trọng bản quyền chương trình Gặp nhau cuối năm 2014 mà đơn vị này cho rằng được VTV ủy quyền. POPs đã đề nghị CNC gửi chứng từ chứng minh sở hữu bản quyền và đề nghị hợp tác để khai thác đặt quảng cáo trên hệ thống YouTube đối với nội dung CNC có bản quyền.
Tuy nhiên, theo bà Hạnh Nguyễn, sau đó, CNC chỉ gửi thông báo nhưng không gửi chứng từ chứng minh bản quyền hoặc bất kỳ giấy ủy thác nào từ VTV cho POPs. CNC cũng từ chối hợp tác và chỉ muốn ngăn chặn người dùng đưa nội dung trái phép lên YouTube.
“Đến giờ này, chúng tôi vẫn chưa thấy VTV lên tiếng. Nếu CNC có bản quyền thì họ nên cung cấp cho chúng tôi chứ chỉ nói là có mà không đưa ra giấy tờ gì chứng minh thì không hay” - bà Hạnh nhận xét.
Cũng theo đại diện POPs, công ty này chỉ là đối tác cung cấp những nội dung có bản quyền cho YouTube và chia sẻ doanh thu quảng cáo cho đối tác tại Việt Nam, chứ chưa bao giờ là đại diện của YouTube. “Nhiều người hiểu sai vai trò của POPs. Chúng tôi không phải là người rà soát nội dung cho YouTube tại Việt Nam. Thực tế là YouTube chưa có đại diện ở Việt Nam”.
Trước vụ việc phức tạp này, ông Nguyễn Ngọc Long, một chuyên gia truyền thông xã hội, cho rằng cái gì thuộc về bản quyền của mình mà bị người khác xâm phạm thì phải đòi quyền lợi. “Nhiều khi đòi không phải để được bồi thường vì vấn đề bản quyền rất rắc rối. Có khi “chờ được vạ, thì má đã sưng”. Tuy nhiên, đòi là để khẳng định quyền và lợi ích hợp pháp của mình” - ông Long nói.
Bà Lưu Thị Hồng khẳng định trong trường hợp không đòi được quyền lợi của mình, CNC sẽ tính đến việc khởi kiện.
Bình luận (0)