Nhận định: Giữa lúc vai trò phim nhựa ngày một rơi vào thế yếu, liệu có cần phải duy trì nhặt kỳ một LHP lớn tốn hàng tỉ bạc như vậy không, bên cạnh những LHP truyền hình được tổ chức hằng năm cũng tiêu tốn tiền bạc nhiều không kém!
Một trong những điều được chờ đợi nhất, đem lại sự hấp dẫn cho các cuộc liên hoan phim là kết quả các giải thưởng dành cho các bộ phim và các tác giả của nó. Điều này ở Liên hoan Phim VN lần thứ 13 xem chừng đã phần nào bị giảm sút, bởi sự có mặt của các bộ phim và cá nhân từng đoạt giải trong hai Liên hoan Phim châu Á - Thái Bình Dương (LHP CÁTBD) tại VN năm 2000 và Indonesia năm 2001 vừa qua.
Nhiều “thí sinh” đã có giải.- Ở thể loại phim truyện nhựa, ngoài một Đời cát (ĐD Nguyễn Thanh Vân) từng đoạt giải nhất, kéo theo một loạt những cái nhất: diễn viên nữ chính, diễn viên nữ phụ, diễn viên nam phụ,... còn có đủ bốn phim từng được chọn là “đại biểu” của VN trong LHP CÁTBD ở Hà Nội: Mùa ổi (ĐD Đặng Nhật Minh), Bến không chồng (ĐD: Lưu Trọng Ninh); Vào Nam ra Bắc (ĐD: Phi Tiến Sơn), Chiếc chìa khóa vàng (ĐD Lê Hoàng). Trong đó, Mùa ổi đã từng có diễn viên chính (Lan Hương) đoạt giải tại LHP Singapore 2000 và diễn viên nam chính Bùi Bài Bình lọt vào chung kết LHP CÁTBD. Bến không chồng đã từng giật được một giải quay phim và một giải âm nhạc. Với quy chế giải thưởng: 1 vàng, 2 bạc, 3 bằng khen, xem ra những phim còn lại như Hai Bình làm thủy điện, Thung lũng hoang vắng, Ba người đàn ông, Mặt trận không tiếng súng... chỉ còn tranh nhau ở các giải cuối. Không mấy ai dám tin rằng ban giám khảo (BGK) trong nước sẽ có sự nhìn nhận khác với BGK quốc tế.
Cũng vậy, ở thể loại phim tài liệu nhựa, ngoài hai phim Chị Năm khùng (ĐD Lại Văn Sinh) và Chốn quê (ĐD Sĩ Chung) từng đoạt giải nhất của hai LHP CÁTBD kế tiếp 2000 - 2001, còn có một Cao nguyên đá (ĐD Lê Mạnh Thích) không chỉ từng đứng sát giải thưởng Chị Năm khùng trong LHP CÁTBD mà theo giới chuyên môn, nó còn có phần nổi trội hơn về mặt tay nghề. Và vì vậy, “1 vàng, 2 bạc” sẽ khó lọt khỏi tầm tay của ba bộ phim thuộc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương này.
Ở thể loại phim hoạt hình, xác suất của việc định vị còn cao hơn nhiều, bởi tất cả các bộ phim đều có chung một “đầu vào”: Hãng phim Hoạt hình VN. Trong đó, bộ phim Xe đạp (ĐD Phương Hoa) từng giành hụt giải nhất trong LHP CÁTBD 2000 tại Hà Nội là ứng cử viên nặng ký hơn cả cho giải vàng. Bởi, nhìn vào giải của LHP CÁTBD tại Jakarta 2001 vừa qua, có người cho rằng, nếu Xe đạp được đưa đi dự thi ở liên hoan này, chắc chắn phim hoạt hình VN sẽ đăng quang.
Điện ảnh TPHCM mạnh ở mảng phim video.- Ở thể loại phim nhựa, TPHCM có 3 phim truyện và 1 phim tài liệu. Ngoài một phim truyện Mặt trận không tiếng súng của Công ty Điện ảnh, hai phim truyện còn lại là Chiếc chìa khóa vàng và Ba người đàn ông của Hãng phim Giải Phóng. Song ông Ngọc Quang, giám đốc hãng, đã tự nhìn nhận, chỉ đặt hy vọng nhiều nhất vào bộ phim tài liệu nhựa 30 phút Di chúc những oan hồn của đạo diễn Văn Lê. Ở mảng phim video, với 7 phim truyện, 12 phim tài liệu, Hãng phim Truyền hình TP (TFS) có quyền hy vọng bởi đây là một trong hai “đại gia” về phim truyền hình trong cả nước. Còn nhớ, ở LHPVN lần thứ 12 tại Huế năm 1999, TFS đã giành được 1 giải vàng, 1 bằng khen, 1 giải BGK cho thể loại phim tài liệu và 1 giải bạc (không có vàng) cùng giải diễn viên nữ cho phim truyện video. Năm nay, ngoài thế mạnh về phim chân dung như: Nữ dũng sĩ Củ Chi ngày ấy - bây giờ, Quá khứ vẫn còn ở phía trước, Xử sĩ Võ Trường Toản, Cuộc đời một nhà nho, Người con của đất Mũi, Đời người - thế kỷ, Trà Giang - Con người năm tháng,... TFS còn mở rộng đề tài với Lối xưa, Chùa Dâu đất Phật, Cuộc không chiến lịch sử, Hồi ức năm 40, Miền Nam trong trái tim Người. Ở mảng phim truyện, ngoài Giã từ cát bụi (ĐD Xuân Cường), Tội phạm (ĐD Trần Cảnh Đôn), 5W trong 1 (ĐD Trương Dũng) đã phát sóng và được dư luận bạn xem đài đánh giá cao, còn có những phim vừa hoàn thành với chất lượng khá như Gấu cổ trắng (ĐD Trương Dũng), Nữ võ sĩ (ĐD Hồng Ngân).
Nên chăng đổi tên là Liên hoan Phim Truyền hình... mở rộng?- Với số lượng áp đảo 22 phim truyện video/12 phim truyện nhựa, 42 phim tài liệu video/15 phim tài liệu nhựa,... nên chăng coi LHPVN lần thứ 13 này là một LHP Truyền hình toàn quốc mở rộng? Không phải chỉ bây giờ mà đã hơn 10 năm nay, số lượng phim video luôn là con số lấn lướt phim nhựa. Để giữ đúng tinh thần một liên hoan phim điện ảnh, từ năm 1990 đến nay, Ban Tổ chức LHPVN đã phải kéo thời hạn khoảng cách giữa hai cuộc liên hoan cách xa dài hơn một năm - ba năm thay vì hai năm như trước (1993 - 1996 - 1999 - 2001) để chờ cho số lượng phim nhựa tăng lên, song tình hình xem ra vẫn không khá hơn được mấy so với thời làm phim bao cấp (tất cả đều là phim nhựa). Trong gần ba năm mới chỉ gom được 12 bộ phim truyện nhựa quả là quá sức ít so với nhu cầu của công chúng. Đó là chưa nói đến việc ở mảng phim tài liệu nhựa chỉ là sự thi đua giữa hai đơn vị: Hãng Tài liệu và Khoa học Trung ương và Điện ảnh Quân đội. Còn hơn thế nữa, ở lĩnh vực hoạt hình, chỉ có nghĩa như làm tổng kết cho Hãng phim Hoạt hình VN, đơn vị duy nhất trong cả nước còn sản xuất loại phim này.
Ở cuộc hội thảo trong khuôn khổ các hoạt động LHPVN lần thứ 12 tại Huế năm 1999, hầu hết khán giả đều chỉ nhớ đến những bộ phim truyện được phát trên truyền hình và những diễn viên đóng phim truyền hình, bởi đã từ lâu không mấy ai có dịp được xem phim truyện nhựa, nếu có chăng là “xem phim” qua báo chí! Người ta ngờ rằng, điều ấy có thể sẽ “được” lặp lại ở LHPVN tại thành phố Vinh lần này.
Không giống với các LHP quốc tế - bên cạnh các giải thưởng còn là dịp để mua bán phim , LHPVN - xuất thân từ một nền điện ảnh bao cấp - được coi như là một cuộc gặp gỡ của những người làm nghề, cùng nhìn lại những sản phẩm được làm ra trong một thời kỳ để rút kinh nghiệm và qua giải thưởng, phần nào định hướng cho điện ảnh tương lai. Thế nhưng, sự tồn tại quá ít ỏi của những bộ phim nhựa - bộ mặt đích thực của một ngành điện ảnh - đã làm cho mục tiêu của các LHPVN ngày càng mất đi ý nghĩa.
Bình luận (0)