Tác giả Tiểu Quyên, hiện là phóng viên Ban VHVN Báo Người Lao Động
Gần phân nửa trong số 11 truyện ngắn là những câu chuyện có yếu tố kinh dị, khai thác theo dạng ám ảnh tâm lý, tội lỗi và sợ hãi của con người. Mở đầu tập truyện là Buông, mang nỗi ám ảnh của một chàng diễn viên trẻ về những sợi tóc xuất hiện bất thường trong nhà sau cái chết của người yêu. Để rồi sau đó những bí ẩn lẩn khuất trong tâm can được mở ra, nhẹ nhàng nhưng ám ảnh giữa yêu thương và tội lỗi. Tiếp tục sau đó là Lạc, Bờ bên kia, Nhà Búp Bê và đặc biệt nhất là Oan hồn.
Tác giả không cố tình hù dọa, nhát ma người đọc. Mọi diễn biến đều đi theo tâm lý của nhân vật để lý giải những điều rất thật của cuộc sống, sự vô tâm và tội ác của con người. Với Oan hồn, Tiểu Quyên đã kể một câu chuyện rất gần với điện ảnh, đây cũng là truyện với cách viết khác lạ nhất từ trước đến nay của tác giả.
Một biên kịch trẻ vì bị từ chối mà quyết định một mình đến Miran – vùng đất bị nguyền rủa đã gây nên những cái chết kỳ lạ cho nhiều người. Nhân vật vì muốn tìm chất liệu cho kịch bản phim kinh dị đã liều lĩnh tìm vào ngôi nhà ma, chứng kiến những điều hãi hùng của “oan hồn” để rồi từ đó khám phá ra một sự thật không ngờ khác…
Cỏ đồi phương Đông là tác phẩm thứ 3 của Tiểu Quyên
Bên cạnh đó, tác giả cũng đã kể những điều gần gũi, khốc liệt của cuộc sống người trẻ. Có lẽ, Tiểu Quyên là nhà báo nên những chất liệu từ thông tin trên báo chí, những hiện tượng có thật trong đời sống showbiz, tình trạng khai thác thông tin kiểu…lá cải cũng được tác giả chắt lọc phản ánh trong Mùa sim, Ngược dốc…Và cũng như những câu chuyện cách đây hai năm trong tập Con tàu đi tìm sân ga, với Cỏ đồi phương Đông lần này, Tiểu Quyên cũng đã có những câu chuyện nhiều cảm xúc với Rơi, Không phải em để anh một mình, Khóc đi con gái, Juliet không trẻ mãi...
Tác giả tâm sự: “Ở độ tuổi đã nhiều va vấp, trải nghiệm nhưng vẫn còn bị xoay chiều trong những đau đáu của một thế hệ người trẻ trưởng thành từ giai đoạn “chuyển giao” giữa những giá trị xưa cũ và bước đi quá vội của thời đại, tôi biết mình vẫn chưa đủ sức để viết về những vấn đề mang tầm vĩ mô của nhân loại. Chọn văn chương mà đi, song hành cùng với nghề báo, tôi vẫn muốn viết cho thế hệ mình – thế hệ của những người trẻ sống trong lòng thành phố đầy những đam mê, mơ ước, khát khao cống hiến và mạnh mẽ nhưng cũng đầy tổn thương, mất mát. Gánh gồng trong thẳm sâu tiềm thức của mỗi người còn là nỗi hoang mang, cô độc!”.
Có lẽ, Tiểu Quyên đã phần nào làm được điều mong muốn “viết cho thế hệ mình”, bởi những câu chuyện trong tập sách luôn có điều gì đó rất gần gũi, quen thuộc với cuộc sống, suy nghĩ và cả mất mát của giới trẻ hiện đại. Nhà văn Bích Ngân, “người đỡ đầu” cho Tủ sách 8X có nhận định, tập truyện ngắn Cỏ đồi phương Đông lần này cho thấy “một bước tiến đáng kể” so với những tác phẩm trước đây của Tiểu Quyên. Đó chính là cách chọn đề tài, cách thể hiện và cũng như ít nhiều để lại ám ảnh trong lòng người đọc.
Giao lưu tác giả 8X
Trong khuôn khổ Hội sách TPHCM lần VIII (diễn ra từ ngày 24 đến ngày 31-3 tại công viên Lê Văn Tám, Q.1), Tiểu Quyên và các tác giả của Tủ sách 8X: Trần Minh Hợp, Nguyễn Thị Kim Hòa, Ngô Thúy Nga, Văn Vũ Song Toàn, Trương Thanh Thùy… sẽ có buổi giao lưu với độc giả vào lúc 9 giờ sáng, ngày 23-3. Chương trình cũng sẽ có sự tham gia giao lưu của những nhà văn có tên tuổi. Bà Huỳnh Thị Xuân Hạnh, Giám đốc NXB Văn hóa văn nghệ nói rằng Tủ sách 8X chính là điểm nhấn của đơn vị tại Hội sách lần này.
Dịp này, tác giả Tiểu Quyên cũng dành 10 quyển Cỏ đồi phương Đông tặng những độc giả sẽ gởi email sớm nhất về địa chỉ: tieuquyennld@gmail.com.
Bình luận (0)