Phần thưởng cho quán quân ngoài tiền mặt là hợp đồng thu âm một single do hãng BoomBox Entertainment thực hiện. Với tầm ảnh hưởng của Apl.de.Ap (chủ hãng ghi âm BoomBox Entertainment, trưởng ban nhạc Black Eyed Peas huyền thoại), hành trình tìm chỗ đứng của một ban nhạc Đông Nam Á, cụ thể là ban nhạc Master of Dreamers của Thái Lan, ở thị trường âm nhạc Âu - Mỹ là điều có thể nhìn thấy được ở tương lai gần. Thành công của Charice, một giọng ca đến từ Philippines, tại thị trường âm nhạc Âu - Mỹ trước đây, là minh chứng.
Apl.de.Ap là ca sĩ Philippines gặt hái thành công lớn tại Mỹ. Những thành công vang dội ở thị trường âm nhạc thế giới mấy chục năm qua đủ để anh quyết định rút về hậu trường với quan điểm “nâng đỡ những tài năng thực sự ở khu vực Đông Nam Á” bởi “mọi tài năng luôn xứng đáng có một cơ hội tốt”. Đó là lý do BoomBox Entertainment ra đời với mong muốn tìm kiếm được những tài năng ở những thị trường âm nhạc chưa từng có tên trong bản đồ âm nhạc thế giới. Những năm qua, Philippines (quê hương của Apl.de.Ap) đã dần có được tiếng nói ở thị trường âm nhạc thế giới nên Apl.de.Ap quyết định đi đến những vùng đất mới, trong đó có Việt Nam. Cuộc thi ASEAN be our rock and pop soul được thành hình từ ý tưởng đó.
Dù vậy, qua mùa giải đầu tiên, Việt Nam không để lại được dấu ấn, thậm chí mờ nhạt so với những đại diện khác đến từ các nước trong khu vực: Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore, Brunei. Những điểm yếu rõ nhất của thí sinh Việt Nam là ngoại ngữ, kỹ thuật thanh nhạc lẫn trình diễn.
Ca sĩ - nhạc sĩ Thanh Bùi (giám khảo phía Việt Nam của cuộc thi) nói: “Thí sinh Việt Nam cần thêm thời gian để hoàn thiện mình, đặc biệt so với các ứng viên quốc tế. Thí sinh Việt Nam luôn thiếu cơ hội, sân chơi để cọ xát và đây chính là cơ hội cho các bạn trẻ Việt giao lưu, học hỏi và thể hiện niềm đam mê âm nhạc khi đến với bạn bè quốc tế. Đồng thời qua đó, mỗi cá nhân có thể nhìn lại và nhận thức rõ khả năng của mình”.
Tham vọng lấn sân thị trường âm nhạc trong khu vực của ca sĩ Việt có từ nhiều năm nay. Không ít ngôi sao đã thực hiện những dự án âm nhạc mà định hướng ban đầu được vạch ra là dành cho khán giả quốc tế, như Minh Thư (thu âm tại Thái Lan), Mỹ Tâm (thu âm tại Hàn Quốc), Mỹ Linh (thu âm tại Nhật Bản), Hồ Quỳnh Hương (thu âm và phát hành tại Trung Quốc, Hàn Quốc), Đức Tuấn (thu âm tại Canada), Tùng Dương (thu âm tại Đức),… nhưng hiệu ứng của các sản phẩm âm nhạc này chỉ dừng lại ở thị trường Việt Nam. Những buổi diễn được tổ chức hay giao lưu âm nhạc tại nước ngoài không mang lại hiệu quả. Dù nhiều ca sĩ Việt tự tin mình có khả năng chinh phục khán giả các nước trong khu vực nhưng hầu hết không nhìn thấy điểm yếu của bản thân: phong cách trình diễn và ngoại ngữ.
Đây là bước cản rất lớn đối với ca sĩ Việt. Vậy nên, sau nhiều năm thử sức, tham vọng vươn tầm của ca sĩ Việt dường như không còn được nhắc đến thời gian gần đây.
Bình luận (0)