Những chương trình Hội ngộ tài năng như: Kim Vân Kiều, Chiếc áo thiên nga, Kiều Nguyệt Nga… đã từng thu hút hàng ngàn khán giả đến với cải lương nhưng nó bị chìm khuất ngay sau đó khi không được xem trọng để có chiến lược nhân rộng hiệu ứng. Trong một buổi tọa đàm về sân khấu cải lương, đạo diễn Lê Hoàng từng nói: “Chúng ta quá phung phí những tác phẩm đỉnh cao của sân khấu cải lương. Những tác phẩm hay như Bên cầu dệt lụa, Tiếng trống Mê Linh… đã đi vào lòng biết bao thế hệ khán giả, việc phục dựng với nhiều thế hệ nghệ sĩ biểu diễn là rất cần thiết. Tiếc thay, chúng ta chỉ tổ chức mang tính hội hè, làm vài ba suất diễn rồi cất kho, bỏ đi cơ hội duy trì hoạt động sàn diễn của bộ môn nghệ thuật rất được công chúng yêu thích này”.
Hay nhờ chuẩn mực
Trong 2 đêm diễn kỷ niệm của Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga, với tư cách là phó đoàn, giúp việc cho bầu Thơ từ năm 1950 khi bảng hiệu này được khai sinh, soạn giả Kiên Giang cho rằng cú hích cho cải lương không nằm ở tính chất hội hè. Việc ổn định về mặt diễn viên, kịch bản là nguyên tắc sống còn mà bầu Thơ rất kỹ để định hướng hoạt động sàn diễn. Bốn suất hát này thành công về doanh thu là vì cái tên gia đình bầu Thơ đứng ra tổ chức. Uy tín của thương hiệu đã quy tụ lực lượng nghệ sĩ hùng hậu trong và ngoài nước. Kế đến, nghệ sĩ yên tâm vì phục dựng theo 2 bản dựng của đạo diễn Ngô Y Linh và đạo diễn - NSND Huỳnh Nga. “Nếu mang tính chất hội hè, quy tụ lại cho đông ngôi sao mà thiếu nền tảng và cốt lõi thì thất bại. Phải thừa nhận các “cú hích” trước của cải lương có đến 2/3 lượng vé là vé mời, còn 4 suất diễn này, vé chợ đen lên đến vài triệu đồng/cặp” - soạn giả Kiên Giang nói.
Theo soạn giả Kiên Giang, nguyên tắc tối cao là sự đồng bộ trong ca diễn. Sáng tạo gì đi nữa thì nghệ sĩ trong gánh hát của bầu Thơ phải tuân thủ niêm luật, trình thức của nghệ thuật cải lương. Xem lại Út Bạch Lan, Thanh Sang, Hùng Minh, Phượng Liên, Lệ Thủy, Hồng Nga, Ngọc Giàu, Kiều Mai Lý, Bảo Quốc, Xuân Lan, Kim Hương, Thanh Hằng, Phương Hồng Thủy... diễn để thấy chuẩn mực của cải lương là như thế. Đúng khuôn mẫu mà ca, đúng tình huống, hoàn cảnh mà diễn. “Chính vì thế, dàn diễn viên thuộc hàng 60-70 tuổi, giọng ca có thể yếu hơn xưa nhưng khi cất lên đã làm say đắm biết bao tâm hồn người mộ điệu” - soạn giả Kiên Giang nhận xét.
Vài dự án cho cải lương
NSND Lệ Thủy cho biết bà và NSƯT Minh Vương sẽ tái hoạt động Sân khấu Vàng trong năm nay. “Có thể sau sự kiện này, khi sức khỏe anh Minh Vương đã khá hơn, Sân khấu Vàng của chúng tôi sẽ tái hoạt động. Chúng tôi sẽ hát chia vai với Vũ Linh, Thoại Mỹ và một vài bạn trẻ khác. Lớn tuổi rồi, đảm đương trọn vở sẽ khó. Vì vậy, các vở như: Tô Ánh Nguyệt, Đêm lạnh chùa hoang, Máu nhuộm sân chùa…, chúng tôi sẽ diễn hai màn sau” - NSND Lệ Thủy nói.
Đạo diễn Vũ Minh đang triển khai dự án tổ chức biểu diễn cải lương tại Sân khấu số 7 Trần Cao Vân. Tuy nhiên, để ký hợp đồng với 10 nghệ sĩ ngôi sao, chịu gắn bó với sân khấu từ 3-5 năm, mỗi tuần diễn vở dài 2 suất là rất khó. “Lâu nay, cải lương đã bị phân tán lực lượng. Vì vậy, khi quy tụ về, phải cần sự đồng tâm, biết hy sinh, chứ đòi quyền lợi, cát-sê quá cao sẽ không làm nên chuyện. Tôi tin nếu chọn vở hay, dàn diễn viên tên tuổi, ca diễn tử tế, dứt khoát không hát nhép, lịch diễn cố định… thì khán giả sẽ đến với sàn diễn cải lương” - đạo diễn Vũ Minh nhận định.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 3-3
Cần sự hỗ trợ của nhà nước
Sau sự kiện kỷ niệm 64 năm của một đoàn hát, trả lời câu hỏi của báo chí về cơ hội tái hoạt động Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga, NSƯT Bảo Quốc cho biết: “Tiếc là chúng ta đã bỏ lỡ quá nhiều dịp may cho sàn diễn cải lương. Nếu không làm chương trình này thì khó mà thực hiện trong thời gian tới vì nghệ sĩ thế hệ vàng đều đã lớn tuổi, sức khỏe không cho phép họ tiếp tục bền bỉ với nghề. Việc kèm theo nhân tố trẻ để phụ trợ là điều kiện bắt buộc. Gia đình tôi có nghĩ đến việc sẽ tái dựng hai vở Thái hậu Dương Vân Nga và Nửa đời hương phấn nhưng kế hoạch này cần sự hỗ trợ của nhà nước, chứ tự lập thì dù bán hết vé vẫn lỗ vì chi phí tổ chức quá cao”.
Bình luận (0)