Vào cuối tháng 12-2006, tại buổi giỗ nhạc sĩ Hoàng Việt do huyện Cái Bè tổ chức, một số bạn bè của ông bàn luận với nhau về chuyện ông còn vài tác phẩm chưa công bố nay vừa mới đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng. Lúc ấy bà Lâm Thị Ngọc Hạnh, vợ của Hoàng Việt, mới sực nhớ bà còn giữ một số bài nhạc của ông, trong đó có bài Tình ca 2... Nghe đạo diễn trẻ Lâm Lê Dũng, con trai út của Hoàng Việt, thuật lại chuyện này, chúng tôi chạy ngay đến nhà gặp bác Bảy (theo cách gọi bình thường lâu nay với vợ nhạc sĩ Hoàng Việt). Vừa nghe hỏi bà nói ngay: “Có chớ! Ổng gởi về lâu rồi nhưng để đâu thì tui không nhớ nữa. Để tìm lại đã”.
Phải đến nửa tháng sau bác Bảy mới tìm ra bài ca Hoàng Việt sáng tác cách nay gần nửa thế kỷ. Ca khúc Tình ca 2 (còn có tên là Vẳng từ quê mẹ) mang thủ bút của Hoàng Việt được chụp ảnh gửi từ Bulgaria về cho vợ. Bác Bảy cho biết: “Gia đình tôi từ hồi nào tới giờ vẫn ở gần chùa Tam Tông Miếu đường Cao Thắng. Ông nhà tôi tập kết (1954-NV) rồi đi học ở Bulgaria vẫn liên lạc thường xuyên qua bác sĩ Danh và vợ là Phượng.
Bác sĩ Danh gia đình ở Tân Định, quen biết chúng tôi từ trước khi sang Pháp định cư. Vì vậy, ông nhà tôi vẫn thườnggửi thư từ, hình ảnh qua Pháp để nhờ bác sĩ Danh chuyển về nhà. Ổng cũng có thói quen chụp ảnh tất cả các tác phẩm đã viết và gửi về nhà”.
Khoảng năm 1958-1959, Hoàng Việt gửi một loạt ảnh về nhà thông qua bác sĩ Danh. Trong số này có ca khúc mới viết của ông là Tình ca 2. Cũng như bài Tình ca mà chúng ta đã biết, Tình ca 2 mang đậm trái tim tha thiết gửi vợ và quê hương. “Đây còn đây sông núi xưa vẫn đẹp như tình em chung thủy đợi tháng năm chưa hề nhạt phai. Quê hương dù bóng đêm còn che mờ nửa trời. Nhưng trái tim yêu đời. Sáng như ánh dương ngời ngời. Cho dù sao dời vật đổi. Cho dù núi lấp sông ngăn. Nguyên niềm tin tưởng lòng mang. Khói lửa đấu tranh cháy bùng. Mơ ngày cùng chung nhau chắp cánh chim đại bằng. Nối liền tình ta trên Tổ quốc mênh mang”. Bài ca có hai lời viết ở nhịp 4/4 chậm rãi, tha thiết.
Kể từ khi tập kết, đi học nước ngoài, mãi đến năm 1967 khi vào chiến trường miền Nam Hoàng Việt mới gặp lại vợ. Và ngay sau lần gặp gỡ đầy hạnh phúc ấy, ông vĩnh viễn ra đi để lại trong bà một bào thai hiện là đạo diễn Lâm Lê Dũng. Từ đó đến nay bà vẫn lưu giữ tất cả những gì ông gửi về một cách cẩn thận theo kiểu của người xưa: cất giữ và không cho ai đụng đến. Chính vì vậy mà bốn đứa con, ba trai một gái, đều không hề biết trong tủ của mẹ còn có nhiều tác phẩm của ba chưa hề công bố.
Gần 50 năm nằm trong album, bài ca vẫn tươi mới như tấm lòng của Hoàng Việt, nồng nàn yêu nước và yêu gia đình. Hi vọng bài Tình ca 2 từ nay sẽ bước ra khỏi album để bước vào đời sống thật của một ca khúc.
Hoàng Việt tên thật là Lê Chí Trực. Ông là một trong những nhạc sĩ đi đầu trong việc phát triển nhạc giao hưởng của Việt Nam với bản giao hưởng số 1: Quê hương. Bản giao hưởng được sáng tác trong thập niên 1960 sau khi nhạc sĩ đi học ở Bulgaria. Ông còn bút danh khác là Lê Trực, nổi tiếng với bài Tiếng còi trong sương đêm. Khi tập kết ra Bắc, ông học ở Trường Âm nhạc Việt Nam khóa đầu tiên. Ông viết Tình ca từ những dòng tâm huyết gửi lại cho vợ ngày chia tay ở Cà Mau. Tuy nhiên bài hát còn có số phận khá long đong. Khi ca sĩ Quốc Hương trình diễn Tình ca lần đầu tiên ở Hà Nội năm 1957, một số nhạc sĩ và lãnh đạo cho rằng bài hát bi lụy, yếu đuối. Tình ca vì vậy bị xếp lại, đến sau 1967 mới dần dần được hát. Từ đó ông ngừng sáng tác một thời gian dài. Sau đó nhạc sĩ Hoàng Việt đi học Bulgaria và sáng tác giao hưởng Quê hương. Trở về chiến trường miền Nam, ông hi sinh cuối năm 1967. (Theo từ điển bách khoa mở Wikipedia) |
Bình luận (0)