Tác phẩm là công trình tập thể của nhóm dịch giả Việt - Nga, gồm những nhà Việt Nam học, Nga học. TS Nguyễn Huy Hoàng, nhà thơ, tác giả của nhiều cuốn sách, là người phụ trách dự án, ông cũng là người tổ chức việc dịch thuật và tham gia hiệu đính sách. Dịch nghĩa văn xuôi là dịch giả Vũ Thế Khôi, một trong những chuyên gia văn học và ngôn ngữ tiếng Nga hàng đầu ở Việt Nam. Người dịch thành văn bản thơ tiếng Nga là Vasili Popov, một nhà thơ trẻ nhưng đã thành danh, chuyển tải chính xác và rõ ràng sự phong phú của kiệt tác văn học Việt Nam sang tiếng Nga.
Phần hiệu đính và dịch thuật của dự án này do dịch giả người Việt Đoàn Tử Huyến và nhà Việt Nam học người Nga Anatoli Socolov - PGS ngôn ngữ học - phụ trách.
Trong buổi ra mắt, TS Nguyễn Huy Hoàng tâm sự bản dịch này dựa theo văn bản tập khảo đính “Truyện Kiều” của GS Nguyễn Thạch Giang tái bản tại Việt Nam lần thứ 7, dịch sang tiếng Nga vẫn mang tên “Kiều” (КИЕУ) với tên thứ hai là “Đoạn trường tân thanh” (Стенаниястерзанной души). “Trong quá trình dịch, chúng tôi có tham khảo những bản dịch “Truyện Kiều” khác đã được công bố bằng tiếng Pháp, tiếng Trung và tiếng Anh” - ông Hoàng nói.
Để giúp độc giả Nga đủ các lứa tuổi, các tầng lớp xã hội và học vấn khác nhau bước đầu tiếp xúc với tác phẩm “Truyện Kiều”, “Lời nói đầu” của bản dịch đã viết một cách khái quát về thân thế, sự nghiệp của nhà thơ Nguyễn Du trong bối cảnh xã hội Việt Nam thế kỷ XVII - XVIII.
Phần tóm tắt “Truyện Kiều” cũng được viết một cách chọn lọc, tương đối chi tiết theo tiến trình diễn biến của cốt truyện. Sau đó là sự phân tích ngắn gọn, làm nổi bật “Truyện Kiều” là tác phẩm mang tính hiện thực và nhân đạo cao cả; là bộ tiểu thuyết bằng thơ được coi là một bộ bách khoa toàn thư về xã hội Việt Nam trong quá khứ.
Ông Hoàng cũng nói thêm với các tác phẩm văn học thông thường, việc dịch thuật chỉ phải vượt qua rào cản ngôn ngữ là chủ yếu nhưng đối với việc dịch “Truyện Kiều”, một tác phẩm đặc biệt, phải vượt qua trùng trùng điệp điệp những kiến thức tổng hợp về ngôn ngữ, thành ngữ, tục ngữ, tiếng địa phương, điển cố và các danh xưng hơn 200 năm về trước. “Điều quan trọng nhất chúng tôi xác định đây không phải là giải mã, chuyển nghĩa thông thường mà mục đích cuối cùng phải đạt tới là làm sao để có một bản dịch nghĩa sát với nguyên bản, một bản dịch thơ hoàn chỉnh, chuyển tải được trọn vẹn nội dung “Truyện Kiều” và không làm mất đi vẻ đẹp nghệ thuật của tác phẩm nổi tiếng bậc nhất trong văn học Việt Nam. Chúng tôi tuân thủ theo tiến trình mang tính nguyên tắc là sau khi dịch “Truyện Kiều” ra văn xuôi, sẽ được hiệu đính lần thứ nhất, sau khi hiệu đính xong lần thứ hai, lúc đó mới dịch ra thơ.
Bản dịch thơ sẽ được đối chiếu với bản dịch văn xuôi một cách kỹ lưỡng và thận trọng trên cơ sở trao đổi, góp ý và cuối cùng thống nhất ý kiến” - dịch giả của cuốn sách chia sẻ.
“Truyện Kiều” có tới 3.236 điển cố, điển tích, thành ngữ, tục ngữ, các cụm từ Hán Việt, đó thực sự là một thách thức lớn với các dịch giả trong việc đưa cuốn sách đến với độc giả bằng ngôn ngữ khác. Tuy nhiên, TS Hoàng cho hay vì bản dịch “Truyện Kiều” không phải là quyển sách tra cứu nên nhóm biên dịch không có kỳ vọng chú thích toàn bộ mà cố gắng diễn giải ngay trong từng câu thơ, giúp các độc giả nắm bắt được ý nghĩa nội dung. Vì điều này nên số câu thơ trong bản dịch tiếng Nga không tương đương với văn bản gốc Việt; việc đánh số các câu thơ trong bản tiếng Nga chỉ là nhằm giúp người đọc theo dõi nội dung của truyện thơ.
Phát biểu tại lễ ra mắt, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nói rằng trong bối cảnh này, sự kiện “Truyện Kiều” có mặt ở đất nước Nga bằng ngôn ngữ bản địa xứng đáng là sự kiện văn hóa đầy xúc động. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam tin tưởng “Truyện Kiều” nhất định sẽ được công chúng yêu văn học Nga đón nhận, bởi đó là món quà đẹp biểu trưng cho sự sống của con người, nó là sự đón nhận cái đẹp, lẽ phải, đạo lý và sự khao khát sống.
Đến nay “Truyện Kiều” đã được dịch ra 20 ngôn ngữ với 35 bản dịch khác nhau.
Bình luận (0)