1. “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (GS Nguyễn Lân): “Kinh nghiệm nông dân cho rằng lúa cấy ở ven bờ tốt hơn lúa giữa ruộng”.
2. “Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương): “Cơm ở quanh rá (thường nguội hơn cả nên ăn được nhiều hơn); mạ quanh bờ (thường mập cây hơn nên chóng bén chân hơn).
3. “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (Vũ Dung): “Cơm mới dỡ ra rá, chỗ quanh vành rá chóng nguội, mạ quanh bờ ruộng tốt hơn, vì nhiều ánh sáng và dễ chăm bón” [cùng quan điểm với “Từ điển tiếng Việt” (New Era)].
4. Bách khoa tri thức (bach khoa tri thuc.vn): “Cơm quanh rá thường ngon, mạ quanh bờ thường tốt. Trong dược mạ, những cây quanh bờ thường to hơn, xanh hơn, cao hơn những cây mạ khác. Người ta thường chọn ra, cấy riêng để tiếp tục nhân giống cho vụ sau (kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp)”.
Với GS Nguyễn Lân, soạn giả đã lờ đi nghĩa vế đầu; vế hai đang nói “mạ quanh bờ” lại hiểu ra “lúa cấy ở ven bờ”. Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương giải thích gượng ép vì “cơm nguội” hoàn toàn không phải là lý do để người ta “ăn được nhiều hơn” (cơm gạo xưa kia chỉ cần nguội chút đã cứng nên có thành ngữ “khô như cơm nguội”; nếu nói “ăn được nhiều” phải là cơm nóng sốt: “Cơm chín tới, cải vồng (ngồng) non, gái một con, gà nhảy ổ”; “Không ngon cũng thể sốt, không tốt cũng thể mới”; “Ăn bát cơm dẻo, nhớ nẻo đường đi”...). Từ điển Vũ Dung giải thích cơm quanh rá “chóng nguội” nhưng cái “nguội” ấy có ý nghĩa thế nào để đăng đối với vế sau “mạ quanh bờ tốt hơn”? Bách khoa tri thức khẳng định “cơm quanh rá thường ngon” cũng thiếu cơ sở, càng phi thực tế khi cho rằng người ta chọn mạ bờ cấy riêng để nhân giống.
Vậy, tục ngữ này muốn nói điều gì?
“Mạ quanh bờ” là những cây mạ khi gieo bị vương vãi ngoài mép luống, thường thưa hơn so với cả đám gieo dày đặc phía trong. Do có nhiều ánh sáng, dinh dưỡng nên mạ quanh bờ xanh tốt hơn. Nhưng bộ rễ mạ quanh bờ ăn sâu nên khi nhổ hay bị đứt rễ, phải lựa rất lâu, trong khi mạ luống chỉ vơ một cái đã được hàng trăm cây. Thế nên, nông dân ít khi nhổ mạ quanh bờ. Trường hợp xúc cấy (tức xúc cả phần rễ và đất thành cả tảng mạ), người ta cũng không xúc mạ quanh bờ vì đất nhiều hơn mạ, chẳng bõ công gánh. Do vậy, dù mạ quanh bờ cứng cây, mập mạp nhưng nông dân thường bỏ lại chứ không nhổ. Nếu quan sát luống mạ đã nhổ, người ta vẫn còn thấy hình thù của luống mạ nhờ những cây mạ quanh bờ nông dân bỏ lại. Hãn hữu có năm thiếu mạ hoặc cần trám dặm chỗ lúa chết, người ta mới quay lại “bòn” thêm được cây nào hay cây ấy.
Tương tự, cơm quanh rá tất có hạt dính quanh rá. Xưa kia đói kém, người ta quý từng hạt cơm, hạt gạo. Cơm trong nồi, trong bát thường “đánh nhẵn”, không để sót một hạt. Để sót khó coi, mang tiếng phí phạm của “ngọc thực”. Nhưng “cơm quanh rá” [thường ở đình đám, ăn uống tập thể] dù là những hạt thơm dẻo (nên dễ dính) thì dẫu có dùng thìa, dùng muôi mà gạt, mà cạo cũng chẳng lấy ra hết; ngược lại càng bết vào. Vì vậy, cũng giống như “mạ quanh bờ”, người ta chấp nhận “cơm quanh rá” phải có hạt rơi hạt vãi, vẫn “hào phóng” “vập” xuống đất cho gà, chó nhặt nhạnh chứ không ai ngồi đó mà gỡ từng hạt.
Nghĩa bóng của “Cơm quanh rá, mạ quanh bờ” không nói cơm nguội cơm sốt, ngon hay không ngon, mạ tốt hay mạ xấu mà ám chỉ những thứ thất thoát không đáng kể, có tận dụng cũng chẳng đáng là bao, được phép bỏ qua, không nên tiếc hoặc chớ đầu tư công sức để lấy cho bằng được.
Bình luận (0)