Là nghệ sĩ và là một doanh nhân hoạt động hiệu quả 20 năm với mặt hàng kinh doanh thuốc trừ sâu, con gái của tác giả có những ca khúc mang âm hưởng dân ca được công chúng yêu mến như: “Còn thương rau đắng mọc sau hè”; “Em đi trên cỏ non”; “Bông bí vàng”…đã thực hiện theo di nguyện của cha, trích lợi nhuận từ việc kinh doanh của Tập đoàn An Nông, nhằm vào công tác xã hội, chăm lo cho người nghèo.
“Tôi và ông xã tôi – Hoàng Hải, chủ tịch Tập đoàn An Nông năm nay đã dành hẳn số tiền 10 tỷ đồng nhằm chăm lo cho công nhân lao động và những mãnh đời bất hạnh đang gặp hoàn cảnh khó khăn. Hương hồn của cha tôi sẽ an vui khi nhìn thấy con cháu trong gia đình đã làm theo di nguyện của ông, hưởng được lộc đời phải biết san sẻ. Gia đình tôi cũng rất hạnh phúc khi Bảo tàng Tượng sáp Việt đã hoàn thành bức tượng sáp của ba tôi,một kỷ vật để đời đối với gia đình chúng tôi” – bà Bích Thủy tâm sự.
Trước đây đã từng theo nghề diễn viên rồi một thời gian làm MC, bà Bích Thủy đã có nhiều kinh nghiệm gầy dựng phong trào văn nghệ rất sôi nổi ở Tập đoàn An Nông. “Thủy yêu nghệ thuật và biết làm việc thiện nguyện, nên chỉ cần kêu gọi là chúng tôi phối hợp ngay với Thủy để thực hiện các chương trình đưa văn nghệ đến với vùng sâu, vùng xa, phục vụ bà con nông dân nghèo” – NS hài Mỹ Chi tâm sự.
Từ niềm đam mê nghệ thuật, nghệ sĩ Bích Thủy đã từng thể hiện thành công các vai diễn trong các trích đoạn: Trưng Trắc (Tiếng trống Mê Linh), Võ Tắc Thiên (Góc nhìn số phận)…Nghệ sĩ Bích Thủy còn thể hiện các ca khúc nổi tiếng của cha mình như: “Còn thương rau đắng mọc sau hè”, “Em đi trên cỏ non”…và trong chương trình kỷ niệm 20 năm thành lập Tập đoàn An Nông, đồng thời công bố số tiền 10 tỷ đồng làm công tác chăm lo cho công nhân nghèo có hoàn cảnh khó khăn, NS Bích Thủy đã thể hiện ca cảnh “Trách ai vô tình” rất ấn tượng.
“Tôi rất khâm phục tinh thần lao động và tấm lòng vì người nghèo của nghệ sĩ Bích Thủy. Gia đình cố nhạc sĩ Bắc Sơn đã xây dựng ba ngôi trường dành cho con em công nhân ở các khu chế xuất, khu công nghiệp tọa lạc ở Bình Chánh và Long An. Bên cạnh đó còn xây dựng nhiều khu nhà ở dành cho công nhân có thu nhập thấp. Tôi kính trọng nhạc sĩ Bắc Sơn thì nay lại càng yêu quý các con cháu của ông đã làm theo tâm nguyện mà ông để lại” – NSƯT Minh Vương chia sẻ.
Được biết, sắp tới HTV sẽ tổ chức đêm nhạc tôn vinh cố nhạc sĩ - NSƯT Bắc Sơn – người đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc và sân khấu Việt Nam. Chương trình có sự tham gia của các ca sĩ, nghệ sĩ: Phương Dung, Giao Linh, Đông Đào, Bích Phượng, Thùy Trang, Hạnh Nguyên, Thạch Thảo, NSƯT Út Bạch Lan, Minh Vương…Trong chương trình này nghệ sĩ Bích Thủy sẽ trao tặng 30 học bổng cho con em nghệ sĩ nghèo và công nhân hậu đài đang gặp hoàn cảnh khó khăn. “Tôi muốn tiếp tục chia sẻ những món quà, những phần học bổng cho con em nghệ sĩ nghèo trong mùa Giỗ Tổ sân khấu năm nay, như một cách tri ân tình cảm mà công chúng đã yêu quý những ca khúc của ba tôi” – Nghệ sĩ Bích Thủy đã tâm sự.
Nhạc sĩ Bắc Sơn tên thật Trương Văn Khuê (sinh ngày 25-12-1932 tại Phước Lộc, Long Thành, Đồng Nai), sau một thời gian điều trị căn bệng ung thư phổi ông đã từ trần lúc 21 giờ 55 ngày 23-2-2005 thọ 74 tuổi. Ông được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú ngày 3-2-1997. Trong sự nghiệp sáng tác ông đã viết 500 ca khúc với các thể loại nhạc nhẹ, nhạc âm hưởng dân ca và 100 vở kịch nói trong chương trình Quê mẹ.
NSƯT ca sĩ Hồng Vân tâm sự: “Nhạc sĩ Bắc Sơn là một người làm việc tận tụy. Vốn là nhà giáo dạy học từ năm 1952 đến 1977, ông không chỉ nghiêm khắc với bản thân mình. Tôi còn nhớ một lần gặp ông tại Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu, ông than: “Buồn quá, đám nhỏ bay giờ ở các hãng băng không hiểu cứ bắt tôi phải “đẻ” thật nhiều bài. Chúng nói một cách vô trách nhiệm: “Bố viết na ná như “Em đi trên cỏ non”, “Còn thương rau đắng mọc sau hè”…là được rồi, cần gì đầu tư, suy nghĩ. Nhạc có tên bố giờ bán chạy như tôm tươi. Cần gì phải tư duy lâu lắc”…. Tôi không chịu cách làm ăn như vậy nên chấm dứt hợp đồng. Thời may về than với vợ, bả đưa liền một tập bản thảo: “Thơ của tôi viết những ngày mình xa nhà. Mình đọc coi có ý gì để viết. Thế là buồn ngủ gặp chiếu manh tôi tìm thấy trong những vần thơ thơ “hai lúa” của vợ sự đồng cảm sâu sắc. Và từ những vần thơ mộc mạc của bà, những kỷ niệm trên suốt quãng đời gắn bó hạnh phúc bên nhau, cộng với tình yêu quê hương, yêu sân khấu dân tộc, nghệ sĩ Bắc Sơn đã viết nhiều bài hát phổ từ âm điệu ngũ cung. Bài hát “Sa mưa giông” là một trong những tác phẩm nói lên nỗi lòng của người nghệ sĩ đối với cuộc đời”.
Bình luận (0)