Chúng tôi hẹn Công Ninh trong một không gian cũ: quán cũ, nhạc cũ, giọt cà phê cũ, người cũ và cả những câu chuyện cũ. Thật lạ, người ta sau cơn bạo bệnh thường hốc hác, xanh xao nhưng anh vẫn hồng hào, trắng trẻo. Nét tươi tắn, phấn khởi dồn lên trên gương mặt, xua đi sự già nua thuở trước. Anh buông giọng nói cười trong trập trùng cảm xúc. Công Ninh bảo mình phải quay lại với nghề chứ “không thể khác” - như tên vở kịch đang chào đón bước chân anh về - bởi theo anh, “nhốt mình trong nhà, nhớ nghề đến quay quắt”.
“Của hiếm” của điện ảnh
Những ai biết về Công Ninh đều lầm tưởng anh là “người đàn ông xấu nhất Việt Nam”. Da anh nhăn, râu tóc xoăn, quần áo chẳng thèm thẳng thớm. Người anh gầy nhom, dáng đi lom khom, má tóp hóp. Nhưng Công Ninh từng là một thanh niên phong độ, một sinh viên đẹp trai, ít ra thì cũng nhất nhì trong đám bạn cùng thời.
NSƯT Công Ninh. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Họa sĩ Kim B khẳng định chắc nịch: “Thời 18-20, Công Ninh cũng hừng hực sức sống của sự tươi mới và năng động lắm”. Nếu ai mặc định thi đậu vào Khoa Diễn viên Trường Nghệ thuật Sân khấu II (nay là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM) là phải đẹp thì Công Ninh là một điển hình. Chẳng những thế, anh còn đậu cao - á khoa. Công Ninh thật thà, cười bẽn lẽn: “Ngày xưa tôi cũng… ngon trai lắm chứ, đâu có teo tóp như vầy. Giờ cuối mùa… nhan sắc rồi!”.
Được vào trường, với Công Ninh có 3 cái lợi: được học nghề mình thích, đỡ tốn cơm gạo của cha mẹ, đem tiền ngược về lại cho gia đình. Học xong 4 năm được loại xuất sắc, anh nhận học bổng, “vỗ cánh” bay qua tận Nga để học tiếp. Lúc đó, anh là thanh niên có tài, có sắc, có cả tâm hồn. Vậy mà khi về nước, thứ gì cũng tăng tiến, chỉ có nhan sắc lại “rớt hạng”. Công Ninh cũng không hiểu tại sao và anh... “xấu trai” từ đó. Điều thú vị ở Công Ninh là khi xấu, anh lại nổi tiếng, còn lúc anh đẹp thì chẳng ai hay biết. Nhưng nếu không có anh, phim Việt Nam lấy đâu ra nhân vật nghèo khổ, đau đớn, xác xơ, rũ rượi, thiếu đói...?
Công Ninh xuất hiện đầu tiên trên màn ảnh là vai phụ trong phim Đời hát rong của đạo diễn Châu Huế nhưng đến Ai xuôi vạn lý của Lê Hoàng, anh mới có vai chính. Nghe đâu dạo ấy Công Ninh luôn chán đời, ngồi một mình ở Sân khấu Kịch Thể nghiệm (5B Võ Văn Tần) sầu não buông khói thuốc suốt. Sau bao ngày tìm kiếm vẫn không ra nam diễn viên cho vai Tấn (bộ đội) trong phim Ai xuôi vạn lý của mình, cuối cùng Lê Hoàng gặp Công Ninh và mừng như bắt được vàng.
Thời đó, Lê Hoàng đã là đạo diễn có tên tuổi, còn Công Ninh thì... có tuổi nhưng chưa có tên, cộng thêm cái tính chả mấy khi tự tin vào nhan sắc trời cho của mình nên anh có phần hoảng loạn. “Tôi xấu như vậy mà ông mời tôi xơi vai chính, tôi không tin, nhất quyết không tin. Đừng cho tôi ăn dưa bở nhé!” - Công Ninh nhìn Lê Hoàng một cách đầy nghi ngờ. Nhưng rồi anh cũng phải tin, ký hợp đồng và ẵm 10 triệu đồng ngon ơ mà mơ mơ tỉnh tỉnh, vừa sướng vừa lo.
Ngay cảnh đầu tiên - hỗn loạn, chen lấn ở nhà ga - Công Ninh xuất hiện với bộ đồ bộ đội sờn vai, tay ôm chặt cứng ba lô đựng hài cốt đồng đội xiêu vẹo chen chân lên chuyến tàu từ Nam về Bắc. Đúng là “của hiếm” mà Lê Hoàng phát hiện có khác! Tấn là anh bộ đội không đẹp trai nhưng đầy nét ám ảnh. Ám ảnh trong sự gầy gò, khô khốc của dáng người, gương mặt; ám ảnh trong ánh mắt lúc cụp xuống buồn bã, lúc ánh lên hy vọng. Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 12, Công Ninh rinh giải Bông sen vàng Nam diễn viên xuất sắc nhất.
Xem Đời cát, thấy cái dáng loáng thoáng chạy trên cát của Thoa và cái dáng thất thểu khó nhọc với cây nạng gỗ của Huy Cụt trên triền cát nóng y chang những người quê cát, khán giả tưởng Mai Hoa và Công Ninh hẳn phải là người miền Trung nhưng nào phải. Vào phim này, Công Ninh lăn xả bất cần thân thể. Anh cười hỉ hả: “Vai này thành công, có chết cũng sướng”. Huy Cụt của Công Ninh hiếm khi cười, lúc buồn cơ mặt chùng xuống, cứ thế mà nặng trĩu lòng người xem. Song, Liên hoan Phim châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 15 năm đó chỉ có Mai Hoa được giải. Vài tháng sau, Công Ninh được tôn vinh ở Giải Mai Vàng Nam diễn viên được yêu thích nhất. Anh bảo vậy là vui gấp đôi, “coi như bù trừ và phục thù vậy”!
Chân phương nhất, mộc mạc nhất phải kể đến là vai người cha trong phim Mẹ con đậu đũa năm 1998. Xem cảnh 2 cha con cười khúc khích, đuổi nhau chạy quay chiếc bàn gỗ trong gian nhà trống huơ trống hoác, cảnh người cha gò lưng trên xe đạp chở con qua con đường đất đỏ dài thăm thẳm... thương sao mà thương lạ thương lùng. Tình cảm cha con họ khứa vào tim gan khán giả, càng xem càng se sắt lòng.
Công Ninh không đẹp trai và anh cho rằng vẻ đẹp bên ngoài không quan trọng. Anh tự hào: “Tôi không nghĩ sẽ dùng kỹ thuật này để tải tâm lý kia mà tôi cảm tới đâu, diễn tới đó. Dù hay, dù dở cũng tự hào nói với khán giả rằng: Tôi, Công Ninh, đã làm hết sức”.
“Kép già” hết cô đơn
Công Ninh tuổi Sửu, cầm tinh con trâu, tính cần cù, kiên trì. Anh cũng yêu thật thà, chất phác quá nên tình duyên lận đận.
Đàn ông thường thích 2 thứ là rượu và đàn bà. Với Công Ninh, anh có vẻ sành về rượu (cộng thêm thuốc lá) nhưng lại chẳng biết gì về phụ nữ. Anh có thể thuộc làu làu, nhớ tên bao nhiêu là loại rượu, thuốc lá nhưng lại… sợ gái. Trước đây, thấy Công Ninh qua tuổi tứ tuần, bạn bè giục: “Mày kiếm vợ con để đêm về bớt lạnh lẽo”. Anh nghe xong gãi đầu, nhăn nhó: “Biết rồi!”.
“Biết rồi” nhưng Công Ninh sợ đủ thứ trên đời. Có lúc anh muốn ôm trọn, mới hay đôi tay mình quá bé nhỏ. Anh cười mà mắt rưng rưng, bảo sợ không lo được, không mang lại hạnh phúc cho người ta. Có lúc anh lại tần ngần, nghĩ làm chồng, làm cha “cực thấy mồ”, đâu đơn giản. Thành ra, người ta thương anh cũng nhiều nhưng hễ họ tiến tới một bước thì anh lại lùi một bước, vì tự ti và nhút nhát quá nên nào có đến gần được với ai.
Tưởng đâu định mệnh đã an bài Công Ninh mãi là “kép già đơn độc”, bất ngờ anh lại cưới vợ trẻ. Bao người chúc mừng lẫn ghen tị. Khi Công Ninh có vợ, mọi thứ đổi thay đến chóng mặt: Xưa hay la cà, nay xong việc là về nhà; xưa hút thuốc nồng nặc, nay hơi thở thơm tho. Người ta đúc kết rằng đàn ông chỉ có thể bỏ thuốc lá khi mới yêu và đón chờ đứa con đầu lòng, Công Ninh bảo đúng quá! Chả cần ai nhắc, chả nghe lời ai, tự nhiên anh bỏ. Song, có một thứ chẳng thể nào thay đổi được là cái vẻ bề ngoài thô kệch, xuề xòa của anh. Lúc nào cũng chỉ mỗi cái quần jeans bạc phếch, cái áo bụi bặm, cặp mắt kính xa xưa.
Chuyện Công Ninh bị viêm phổi khiến nhiều người quan tâm. Anh hút thuốc nhiều quá nên đâm ra hư phổi, chuyện đó nhiều người đã biết. Nhưng khi bệnh, anh ít tiết lộ với ai, cứ âm thầm rút lui khỏi sàn diễn. Mãi cho đến khi đồng nghiệp biết tin, ngỏ lời giúp đỡ, anh từ chối bai bải. Đối với những người xung quanh, Công Ninh lúc nào cũng đầy tự trọng. Một người bạn đùa rằng nếu mang một vali tiền đến tặng, năn nỉ gãy lưỡi anh vẫn không chịu nhận. Công Ninh không khinh tiền bạc cũng không sợ nghèo đói. Anh chỉ sợ đời khinh mình và sự giàu có làm mình hư thân.
Trước đây, thuốc lá như bạn tri âm, giờ anh nhìn nó như kẻ thù. Nhờ vậy mà anh đã tăng được 5 kg, mập hẳn lên, da trắng ra, mặt đầy đặn lại và dĩ nhiên là đẹp trai hơn nhiều. Ám ảnh đơn độc ngày cũ của “kép già” không còn, anh đang “chìm” trong hạnh phúc lấp lánh. Nơi tổ ấm bé nhỏ có người vợ trẻ hiền lành và đứa con gái Oscar lên 2 mũm mĩm. Anh đã cười, tiếng cười đã hết rưng rưng...
Yêu nghệ thuật quên cả tuổi tác
Công Ninh cho rằng nghệ sĩ có máu nghệ thuật là trời cho nhưng cũng là... trời hành. Kẻ lạc loài như anh từng phải chống cự nhiều nỗi cô đơn vồ vập. Anh sợ cô đơn nhưng ngại đám đông. Thành ra, nghệ sĩ quen tên biết tiếng, mến nhau vì tài, trọng nhau vì đức, hễ Công Ninh buồn là họ lại bỏ ra vài giờ uống với anh vài chén rượu hàn huyên. Nhưng dù có khi cô độc trên vạn nẻo đường, dù có lúc bạn tình rời bỏ biền biệt thì anh vẫn ước mơ, hăm hở và day dứt với nghề.
Công Ninh làm nghề, như đồng nghiệp nhận xét, là “yêu nghệ thuật bền bỉ, mê mẩn bền bỉ, say mê bền bỉ”, đến độ quên cả tuổi tác. Anh hay nghĩ đến những vấn đề rất lớn nhưng cũng hay buồn về những vấn đề rất nhỏ. Phải chăng mấy chục năm dài đằng đẵng rút cạn ruột gan cho nghệ thuật, anh day dứt mãi mà mau già? Phía sau sự bụi bặm, thô kệch ở ngoại hình là một trái tim làm nghệ thuật rất thuần khiết, trong veo. Nó chi phối các nẻo đường anh đi. Công Ninh thích nghệ thuật nhưng không thích sự phù phiếm của nó. Anh có thể, nói đúng hơn là luôn luôn, ngồi ở mấy quán vỉa hè, lê la bất cứ chỗ nào nghèo hèn nhưng nói chuyện sang trọng về cái đẹp, về nét thi vị của nghệ thuật.
Bình luận (0)