Hai trong 4 bộ phim nằm trong dự án Youfarm Việt Nam - Cánh đồng quê tôi do 4 nông dân ở xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An thực hiện sẽ tham dự cuộc thi Youfarm thế giới, diễn ra vào tháng 8 tới tại Úc. Thử thách của những tay máy vốn chỉ quen với công việc đồng áng cũng chính là trải nghiệm thú vị của nhóm đạo diễn làm phim bằng cả niềm đam mê.
“Đâu nghĩ có ngày mình cũng làm phim”
Họ là những nông dân chính hiệu, lần đầu tiên tiếp xúc với máy quay phim. Họ không biết gì là kịch bản, không biết sẽ kể câu chuyện gì bằng hình ảnh và không biết cả việc cầm máy thế nào. Thế nhưng, có một sự thật là họ rất thích thú khi được giao hẳn cái máy quay phim mà như lời ông Tư Phắn, một nông dân ở đây: “Máy này siêu quá bây!”. “Xưa giờ, mỗi lần giỗ chạp cũng mời thợ đến quay phim nhưng đâu nghĩ có ngày mình tự làm được việc này” - ông Hai Phúc, một nông dân khác, nói.
Thế nên, những thước phim họ quay là những gì họ thấy, không có điểm nhấn, không kết cấu và cũng không lột tả được câu chuyện mà họ muốn kể. Nhưng đó là khi họ chưa nhận được sự hỗ trợ từ những đạo diễn trẻ: Tạ Nguyên Hiệp, Trịnh Đình Lê Minh và Nguyễn Hữu Tuấn - những người đảm nhiệm thực hiện dự án Youfarm Việt Nam để tham gia cuộc thi Youfarm thế giới. Ba đạo diễn trẻ chia nhau ở cùng 3 gia đình nông dân và chỉ cho họ cách thực hiện những câu chuyện kể theo cách của họ. Minh cho biết gia đình anh ở, ông Mười Nên, rất đông trẻ con và ông muốn làm bộ phim về những đứa cháu của mình. Để mặc cho đạo diễn nghiệp dư quay bất kể thứ gì họ thích nhưng thi thoảng, thấy những đứa trẻ tắm mưa, nô đùa vui vẻ, Minh nhắc ông Mười Nên: “Chú muốn quay những đứa trẻ sao bỏ qua khoảnh khắc này?”. Được nhắc, ông Mười Nên vớ ngay máy quay và hào hứng làm công việc sáng tác của mình.
Với ông Mười Thành, người có bản tính hào sảng đặc trưng Nam Bộ, các bạn trong nhóm hỗ trợ lại gợi ý rằng: “Chú cứ ghi chép lại bằng máy quay những cuộc hội họp, trò chuyện của chú với bạn. Hoặc nếu thấy bạn chú đang làm gì đấy mà chú thích thì cứ quay hình lại thôi”. Với gia đình ông Năm Sữa, đề tài chính của họ là sự đối lập về quan điểm làm nông của hai vợ chồng. Nếu vợ là người mạnh mẽ, lanh lợi và cấp tiến, luôn tiếp thu kỹ thuật làm nông kiểu mới thì ông Năm Sữa luôn tôn thờ kiểu làm nông truyền thống. Và sau nhiều ngày được nhóm hỗ trợ góp ý, ông Năm Sữa muốn làm bộ phim về sự thay đổi của mảnh đất mà ông đã gắn bó hơn 40 năm qua. Biết bao thay đổi từ những con đường đất được trải nhựa, những đường dây điện được kéo vào tận nhà, từ chỗ cả xóm chỉ có một cái tivi trắng đen đến lúc nhà ai cũng theo dõi thể thao, nghe cải lương, xem phim bằng tivi màu… “Tôi muốn nói đến sự thay đổi từng ngày trong cuộc sống, giống như cái cách mà tôi nhìn những đứa con, đứa cháu của mình trưởng thành vậy” - ông Năm Sữa tâm sự.
Những bộ phim tư liệu chỉ dài khoảng 3 phút và đơn giản là những điều gần gũi với cuộc sống của nông dân nơi đây. Thế nhưng, chắc chắn nó sẽ lạ đối với người nơi thành thị, đó là điều thực sự hấp dẫn với chính người làm và người xem.
Kết nối đam mê
Thực tế, Youfarm không chỉ là câu chuyện làm phim của nông dân, mà đằng sau còn là câu chuyện của chính những đạo diễn trẻ đam mê và tâm huyết với con đường điện ảnh mà họ đang theo đuổi. Tạ Nguyên Hiệp (SN 1982, tốt nghiệp thủ khoa quay phim của Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM), trưởng nhóm trong dự án này, nói: “Nông thôn là chất liệu điện ảnh đẹp và mới mẻ”. Khi tham gia dự án, anh ấp ủ cho riêng mình câu chuyện về “Sự tách rời giữa các thế hệ ở nông thôn, lớp trẻ ngày càng tách rời ruộng đồng”. Hiệp chưa biết khi nào câu chuyện của mình sẽ thành phim nhưng để làm được điều đó, anh cần có trải nghiệm thực tế. Tạ Nguyên Hiệp là đạo diễn trẻ có tên, được giới làm phim ngắn biết đến với những tác phẩm đậm chất kinh dị , như: “Phía sau cánh cửa”, “Phía sau cái chết”; phim tài liệu ngắn: “Câu chuyện của tôi”… Anh từng được trao giải Trống đồng cho phim ngắn xuất sắc nhất tại Đại hội Điện ảnh Việt Nam quốc tế lần 5 diễn ra ở Los Angeles - Mỹ (2011) với bộ phim “Phía sau cái chết”. Anh cũng không thiếu những cơ hội làm phim thương mại nhưng đã từ chối vì sự khác biệt về quan điểm với nhà sản xuất.
“Nhà sản xuất thường hướng tôi theo những lựa chọn dễ dàng. Đó là những câu chuyện quen thuộc, những kịch bản dễ bán vé mà không dám làm cái mới, can đảm chọn hướng đi để vẫn làm phim cho khán giả nhưng định hướng và nâng thẩm mỹ của họ nhích dần lên”.
Với Trịnh Đình Lê Minh, anh đang có những ngày trải nghiệm thực tế bổ ích để hình thành đề cương cho câu chuyện phim về nông thôn của mình. Minh được nhiều người biết đến với thế mạnh làm phim tài liệu. Nhiều bộ phim của anh đã được trình chiếu ở các liên hoan phim quốc tế, như: “Ngọn gió về đâu” và “Chung cư của tôi”. Năm 2011, Minh lấy được học bổng Fulbright và đã hoàn thành chương trình thạc sĩ nghệ thuật (MFA) chuyên ngành sản xuất phim trường Đại học Austin - Texas (Mỹ). Ngoài làm phim, Minh còn viết sách, anh là tác giả của 2 đầu sách điện ảnh: “Mười bí quyết hình ảnh” và “Khi đạo diễn trẻ già dặn”. Hiện ngoài công việc làm phim, Minh còn tham gia giảng dạy bộ môn sản xuất phim và sản xuất TVC quảng cáo ở Trường Đại học Hoa Sen. “Tôi chưa từng sống ở nông thôn, lại ấp ủ dự án phim truyện về câu chuyện cô giáo phố thị quyết từ bỏ tất cả để về nông thôn sinh sống. Tôi đang có những trải nghiệm đầu tiên về cuộc sống nông thôn cho dự án của mình” - Minh bộc bạch.
Trong nhóm, Tuấn là kẻ ngoại đạo. Anh tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội nhưng theo nghiệp làm phim. Khi còn học ở trường đại học, Tuấn làm phim “Mùi vị của buổi sáng”, “Sáng chế của ngài Bell” gây chú ý trong cộng đồng làm phim ngắn. Năm 2011, Tuấn đường hoàng ra mắt bộ phim chiếu rạp “Dành cho tháng sáu” trước sự ngạc nhiên của khán giả bởi bộ phim khá chỉn chu và có sức lôi cuốn này lại được thực hiện bởi một chàng kiến trúc sư. Bộ phim này Tuấn bỏ tiền sản xuất, viết kịch bản, đạo diễn và kiêm luôn khâu sản xuất. Tham gia thực hiện dự án Youfarm là cách để Tuấn tiếp cận với thị trường điện ảnh, phương thức phát triển sự nghiệp, nhất là khi Youfarm Việt sẽ tranh tài ở Youfarm thế giới mà Tuấn là thành viên tham gia hướng dẫn, hỗ trợ nông dân thực hiện.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!