xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Cuộc chiến bản quyền” khốc liệt

Tiểu Quyên

Trong khi các đơn vị làm sách chân chính nỗ lực mua bản quyền của các nước, giới làm sách lậu lại ngang nhiên hưởng siêu lợi nhuận bằng cách làm sách giả

Vài năm trở lại đây, độc giả Việt Nam đã có nhiều cơ hội tiếp cận nhanh chóng các đầu sách thuộc hàng best-seller trên thế giới khi ngày càng có nhiều đơn vị làm sách tư nhân cùng “vào cuộc” tìm kiếm những đầu sách có giá trị của nước ngoài, chuyển ngữ để phát hành phục vụ người đọc Việt Nam. Thế nhưng những nỗ lực của họ đang bị giới làm sách lậu giết chết. 

img
Để sách bản quyền nước ngoài đến được với người đọc là nỗ lực rất lớn của
các đơn vị làm sách chân chính. Ảnh: TẤN THẠNH


Gian nan thương thuyết bản quyền


Đưa được những đầu sách best-seller của thế giới đến với độc giả Việt là một nỗ lực rất lớn của các nhà làm sách. Giành được quyền chuyển ngữ một tác phẩm ăn khách của một tác giả nổi tiếng nước ngoài vốn không dễ dàng.


Thị trường sách Việt Nam quá nhỏ, lượng độc giả ít, buộc các nhà làm sách ở Việt Nam phải đưa ra số tiền thương lượng bản quyền thấp hơn rất nhiều so với các nước trên thế giới. Bà Lê Vũ Phương Thủy (Phó Phòng khai thác bản quyền thuộc Công ty Sách Nhã Nam) nói rằng sau nhiều lần thương thảo, công ty cũng thuyết phục được các tác giả, đối tác hiểu và đồng ý mức tiền tác quyền phía công ty đưa ra. Bản thân các đơn vị làm sách cũng phải thực hiện một số cam kết với chủ sở hữu về số lượng bản in, thậm chí cả cách thức trình bày bìa và loại giấy (đối với sách yêu cầu in màu) và đôi khi yêu cầu cả việc duyệt lại nội dung cuốn sách chuyển ngữ.


Ngày càng có nhiều công ty sách tư nhân được thành lập. Mỗi đơn vị chọn một dòng sách riêng để khai thác nên đã tạo được sự đa dạng về thể loại sách, phong phú về đề tài trong việc phục vụ mọi đối tượng độc giả. Và “cuộc chiến bản quyền” giữa các đơn vị làm sách cũng ngày càng khốc liệt hơn. Dấu ấn đậm nhất có thể kể đến NXB Trẻ - đơn vị “đầu tàu” thực thi bản quyền trong các thương vụ sách best-seller. “Lính mới” Chibooks cũng hết sức nỗ lực mua bản quyền toàn bộ tác phẩm của nhiều tác giả Trung Quốc, với giá mỗi đầu sách không dưới 1.000 USD.


Tuy nhiên, không phải các đầu sách best-seller nào trên thế giới cũng thu hút độc giả Việt Nam, chính vì vậy mà đơn vị làm sách nào cũng phải bấm bụng chịu rủi ro, chưa kể luôn bị sách giả xén phần.

img
Nhiều người tham dự Ngày hội Đọc sách TPHCM diễn ra từ ngày 22 đến 24-4. Ảnh: TẤN THẠNH

Khổ với sách lậu


Trong khi các đơn vị làm sách chân chính phải gian nan, chật vật đi tìm kiếm, thương thảo mua bản quyền từ các tác giả, NXB nước ngoài thì các đầu nậu làm sách giả cứ rung đùi chờ đợi, nghe ngóng tin những cuốn sách best-seller có mặt tại Việt Nam là bắt tay làm lậu. Các đơn vị làm sách phải mất hàng tháng, có khi hàng năm mới hoàn thành một đầu sách. Nhưng các nhà làm sách nhái chỉ cần 1-2 ngày đã có thể tung ra hàng trăm bản sách.


Công ty Sách Bách Việt trước đây đã từng “tuyên chiến” với các đầu nậu làm sách giả cuốn Xin lỗi em chỉ là con đĩ (tác giả Tào Đình, dịch giả Trang Hạ) bằng cách hạ giá thành xuống đúng bằng với giá sách lậu. Tuy nhiên, đây cũng là một phương thức đối phó mang tính cảnh cáo và tạm thời. Một số NXB, đơn vị làm sách cũng đã bàn đến phương thức hạ giá thành sách nhưng khó có thể thực hiện trong một chiến lược lâu dài trong tình trạng giá giấy, giá mực và nhân công đều tăng như hiện nay.


Một thời gian, các đơn vị làm sách cũng hỗ trợ nhau truy tìm, phát hiện và tố cáo việc in sách lậu nhưng các sự vụ không đi đến đâu. Hàng loạt vụ vi phạm bản quyền, in lậu sách trong thời gian qua đã cho thấy thực trạng sách lậu càng lúc càng phát triển có hệ thống và quy mô lớn. Thống kê sơ bộ, tính đến thời điểm này, có khoảng 20 vụ phát hiện các ổ sách lậu (chưa kể những đầu sách bị in lậu rải rác), với hàng trăm ngàn bản sách vi phạm bản quyền được tung ra thị trường trong thời gian qua. Việc sống chung, đương đầu với sách lậu gần như chuyện tất yếu của giới làm sách hợp pháp hiện nay.

Quản lý buông xuôi?


Một hiện trạng mà ai cũng có thể thấy là sách in lậu có mặt khắp nơi, trên các chiếu sách vỉa hè, trong các trung tâm ngoại ngữ, thậm chí là trong nhà sách. Thế nhưng việc kiểm tra, phát hiện các nguồn sách này xem ra còn bỏ ngỏ. Mới đây, Đội Quản lý đô thị 14 (thủ đô Hà Nội) đã có cuộc “ra quân càn quét” sách giả tại phố sách Đinh Lễ (Hà Nội). Thế nhưng kết quả chỉ thu được... 5 quyển Biểu tượng thất truyền – tác phẩm của tác giả Mật mã de Vinci Dan Brown.


Tại TPHCM, những nhà làm sách chân chính từng chủ động phối hợp với cơ quan chức năng truy tìm, phát hiện và thu giữ tại kho hàng trăm ngàn cuốn sách in lậu nhưng những kẻ làm lậu vẫn không hề hấn gì. Đến nay, vẫn chưa có vụ vi phạm bản quyền nào được xử lý đến nơi đến chốn.

In sách giả có tổ chức, quy mô lớn và hoạt động trong nhiều năm liền, gây thiệt hại hàng tỉ đồng cho các đơn vị làm sách chân chính, thế nhưng các đầu nậu sách chỉ chịu mức phạt từ 15 đến 30 triệu đồng, đặc biệt mức phạt 500 triệu đồng dành riêng cho trường hợp ông Lương Vĩnh Kim, chủ nhân nhà sách Quỳnh Mai, cũng không thấm vào đâu so với “siêu lợi nhuận” từ việc làm sách giả của đơn vị này.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo