“Chiến trường” của “đại gia”
Người trong giới khẳng định mỗi năm, doanh thu của một số công ty truyền thông và giải trí thuộc hàng “đại gia” luôn đạt mức ngàn tỉ đồng. Đó chính là lý do sự cạnh tranh ở sân chơi này càng quyết liệt
Hai MC Thanh Vân và Nguyên Vũ trong Bước nhảy hoàn vũ - một trong những chương trình có lượng quảng cáo “khủng” nhất hiện nay. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng
Khi những chương trình truyền hình thực tế càng trở nên ăn khách, nhiều tập đoàn, công ty truyền thông và giải trí ở Việt Nam đổ xô săn lùng bản quyền các chương trình giải trí ăn khách đắt giá ở nước ngoài. Thế nhưng, ngay chính các “đại gia” cũng không ít lần ngỡ ngàng vì bị đối thủ “hớt tay trên” mà không hiểu vì sao.
Ai nhanh tay sẽ thắng
Hào hứng đến mức lấp lửng, một công ty thông báo chuẩn bị ra mắt một chương trình truyền hình thực tế rất ăn khách hiện nay của Mỹ, đó là Master’s Chef (Vua bếp) của đầu bếp danh tiếng Gordon Ramsay, dù đây là một điều cấm kỵ, thậm chí trở thành nguyên tắc làm việc của các công ty khi chương trình chưa có lịch phát sóng. Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian ngắn, Master’s Chef đã ra mắt khán giả nhưng không do công ty này sản xuất mà là một công ty đối thủ. Thực tế, đây là một chuyện rất hiển nhiên và điều này xảy ra gần như thường xuyên trong cuộc đua xây dựng thương hiệu của các công ty giải trí.
Trước đó, cũng công ty này đã để mất chương trình Cặp đôi hoàn hảo về tay đối thủ là Công ty Cát Tiên Sa. Đau hơn là khi chương trình này đang nằm trong tốp thu được lợi nhuận vào hàng “khủng” từ quảng cáo khi phát sóng. “Mọi thỏa thuận với nhà tài trợ đều bị hủy bỏ, kế hoạch sản xuất chương trình, lịch lên sóng đều bị vỡ, nhà tài trợ rút lui trong bực bội” - công ty bị “hớt tay trên” than thở. Chưa hết, công ty này cho biết khi họ đang thỏa thuận để mua chương trình Clash of the Choirs, một công ty khác cũng vào cuộc chơi và nhanh tay đưa chương trình lên sóng trước…
Những ví dụ này phần nào cho thấy thực tế khốc liệt của cuộc chạy đua mua bản quyền chương trình truyền hình ăn khách của nước ngoài. Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi chương trình truyền hình giải trí đang là thời vàng son không chỉ riêng Việt Nam mà của cả thế giới. Đó chính là lý do những chương trình truyền hình thực tế nước ngoài tràn vào màn ảnh truyền hình Việt với phiên bản Việt ngày càng nhiều.
Người trong giới khẳng định mỗi năm, doanh thu của một số công ty truyền thông và giải trí luôn đạt mức ngàn tỉ đồng. Đó chính là lý do các công ty không ngại bỏ tiền mua bản quyền một chương trình đang ăn khách của nước ngoài với mức giá trung bình từ 100.000 USD để mang về sản xuất tại Việt Nam. Thực tế, các công ty sẽ chẳng bao giờ thua lỗ nếu đó là chương trình thực sự cuốn hút khán giả.
Giành giờ vàng, đất vàng
Hiện có một số “đại gia” kinh doanh ngành truyền thông giải trí nổi bật, có nhiều chương trình phát sóng trên 2 đài truyền hình lớn nhất hiện nay là Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Truyền hình TPHCM. Công ty BHD với hàng loạt chương trình giành được quyền sản xuất: Vietnam Idol, The Amazing Race, Clash of the Choirs, Master’s Chef… Công ty Cát Tiên Sa với Cặp đôi hoàn hảo, Bước nhảy hoàn vũ, The Voice… Công ty Đông Tây có game show: Ai thông minh hơn học sinh lớp 5 và sắp tới sẽ là So You Think You Can Dance… Công ty Multimedia có Đồ Rê Mí và Vietnam’s Next Top Model. Đây cũng là những công ty có lịch phát sóng định kỳ vào những khung giờ nhất định trên kênh VTV3 và HTV7. Những kênh truyền hình này đang được xem là đất vàng. Các “đại gia”nêu trên thay nhau nắm giữ giờ phát sóng cố định, hết chương trình này, ngay lập tức sẽ có chương trình khác thế vào.
Bên cạnh khung giờ được mua “sỉ”, các công ty cũng thường mua sóng theo hình thức “gói”. Tức chương trình bao nhiêu kỳ sẽ mua bấy nhiêu ngày phát sóng. Để có những khung giờ này (tất nhiên là thường vào những ngày cuối tuần, có lượng người xem cao nhất), các công ty cũng phải “đặt hàng” cả năm.
Dễ dàng mua bản quyền nước ngoài Việc săn lùng bản quyền các chương trình nổi tiếng ăn khách ở nước ngoài của các công ty truyền thông, giải trí trong nước không còn quá khó như cách đây vài năm, khi phải đến tận trời Tây để tìm mua, vừa khó khăn vì thủ tục nhiêu khê vừa tốn kém vì phải bay qua bay về. Một công ty nắm giữ bản quyền của tất cả các chương trình truyền hình thực tế, game show các nước đã có mặt ở Việt Nam với tên gọi GroupM. Vì vậy, việc mua bán đã trở nên đơn giản hơn. Ngược lại, việc bị “hớt tay trên” cũng xảy ra dễ dàng. Dẫu vậy, mọi người phải chấp nhận vì đó là quy luật cạnh tranh. |
Kỳ tới: Quyền lực thuộc khán giả
Bình luận (0)