Lê Nguyễn Trường Giang giành giải nhất tuần trong tập phát sóng đêm 9-6
Với nội lực sẵn có cộng với nhiệt huyết, niềm đam mê cải lương, Lê Nguyễn Trường Giang hiện đang nhận được khá nhiều tình cảm của khán giả tại Sao nối ngôi.
Sự thật về hai người mẹ
Phía sau hậu trường hay khán đài sân khấu Sao nối ngôi, khán giả dễ dàng nhìn thấy nghệ sĩ Lê Cẩm Hương, người mẹ luôn tất bật, chăm sóc Lê Nguyễn Trường Giang trong các tiết mục dự thi. Cô là đào hát ngày xưa của đoàn Minh Tơ, chuyên đóng đào chánh và những vai võ nhưng ít ai biết được rằng người phụ nữ đã nuôi nấng anh từ lúc anh chào đời lại chính là dì ruột của anh. Vì gia đình khó nuôi con nên ngay từ nhỏ, anh được gửi cho chị gái của mẹ nuôi dạy. Nghệ sĩ Cẩm Hương cùng chồng là nhạc sĩ Lê Phụng Hoàng, tay đàn nổi tiếng của đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ đã nhận nuôi Lê Nguyễn Trường Giang từ lúc lọt lòng.
Nghệ sĩ Lê Cẩm Hương hóa trang cho con trai Trường Giang
Khi lên 5, Lê Nguyễn Trường Giang dần nhận biết hai chữ "mẹ ruột, mẹ nuôi", biết ai là cha mẹ thực sự. Anh cho biết, cha mẹ nuôi thương yêu anh như con ruột. Năm 6 tuổi, nhạc sĩ Lê Phụng Hoàng qua đời và từ đó Trường Giang sống chung nhà cùng với cha mẹ ruột và cả mẹ nuôi.
Nghệ sĩ Lê Cẩm Hương chính là người phát hiện năng khiếu của con trai. Khi Trường Giang 3 tuổi, anh được đi theo và xem các chị họ là NSƯT Tú Sương, nghệ sĩ Lê Thanh Thảo, Trinh Trinh hát ở đoàn Bạch Long. Về nhà, cha anh đàn đến đâu thì anh múa theo đến đó. Tuy nhiên, thời điểm cha anh qua đời, anh còn khá nhỏ. Ông chưa kịp chỉ dạy cho anh về nhạc cụ và sáng tác. Lê Nguyễn Trường Giang tự mày mò học tập từ các tài liệu của cha để lại. Năm 15 tuổi, anh đóng clip cùng nghệ sĩ Ngọc Huyền cho những vai thiếu nhi. Một năm sau đó, anh thi đậu và theo học trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM khóa diễn viên cải lương và tốt nghiệp 3 năm sau đó.
Năm 19 tuổi, Trường Giang ra trường, cải lương không còn ở thời kì hoàng kim, các đoàn hát không còn sân khấu để trụ. Những rạp Hồng Liên, Trần Hưng Đạo, Công nhân hay Thủ đô khán giả vơi dần không như thời mẹ và cậu anh đứng trên sân khấu. Sân khấu thiếu những kịch bản mới trong khi đó thì gameshow truyền hình, sân khấu ca nhạc, hài nở rộ. Lê Nguyễn Trường Giang khấn Tổ nghiệp xin được chuyển hướng qua điện ảnh, truyền hình để mưu sinh.
Năm 22 tuổi, Trường Giang bắt đầu đi làm trợ lý, đóng vai phụ cho các phim như: "Người trong mơ", "Tiếng tơ đồng", "Hoa hồng cho tướng cướp". Lê Nguyễn Trường Giang cho biết có những ngày anh "lang bạt" theo các đoàn phim cả tháng trời ở Hóc Môn, Củ Chi hay các tỉnh miền Tây. Lúc đầu anh xin làm trợ lý cho đoàn, rồi dần dần xin đạo diễn cho đóng những vai phụ. Thể loại vai nào anh cũng xin thử qua như vai hiền lành, thư sinh, cá tính, bụi đời, phản diện, giang hồ…
Thời gian đó, các anh chị trong dòng họ ai cũng đang nổi tiếng, thành công mang lại sự hãnh diện cho gia tộc Minh Tơ. Lê Nguyễn Trường Giang nhìn lại bản thân chưa có gì trong tay, theo cải lương hay nhạc, bên nào anh cũng mông lung. "Tôi tủi thân với gia đình và cũng hổ thẹn với sân khấu. Tôi đã tốt nghiệp 4, 5 năm nhưng lại không đi hát, đi diễn. Cuộc sống mưu sinh "quấn" lấy tôi giữa việc đi đóng phim, đi dạy trợ giảng ở trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM, tôi cũng không nhớ bao lâu mình chưa được đứng trên sân khấu để hát cải lương. Sau này, tôi nhận ra mình có thể không thành công như các chị của mình, tôi chỉ có thể cố gắng để được công nhận tài năng với tổ tiên"- Trường Giang tâm sự.
Lê Nguyễn Trường Giang cũng nhiều lần tự động viên mình khi nhìn thấy nhiều bạn trẻ đẹp, hát hay xuất thân từ trường sân khấu điện ảnh nhưng lại không có nhiều cơ hội phô diễn tài năng. Các bạn phải đi đóng những vai lính, quần chúng mỗi đêm với thù lao ít ỏi. Nhận thấy bản thân vẫn còn nhiều may mắn, Lê Nguyễn Trường Giang luôn tự nhủ phải trân trọng những gì anh đang có.
Lê Nguyễn Trường Giang và mẹ
Sống trong một gia đình cải lương nổi tiếng, Lê Nguyễn Trường Giang chịu nhiều áp lực để nối nghiệp. Mẹ anh, nghệ sĩ Cẩm Hương đã nghỉ hát hơn 20 năm nay, lui về hậu trường để theo dõi những bước đi của con trai. Công việc chính của cô hiện tại là đi làm tóc, trang điểm cho các nghệ sĩ. "Tôi thương Trường Giang vì theo đuổi nghề hát giữa lúc cải lương không còn thịnh. Con lớn lên không có cơ hội học trực tiếp từ mẹ và cậu, do thời chúng tôi đi hát cháu còn nhỏ. Tôi từng không muốn cháu tham gia Sao nối ngôi bởi tôi sợ nếu kết quả không như mong muốn thì con sẽ buồn. Trước ngày thi, tôi bắt con hứa nếu kết quả không như mong đợi, con cũng không được buồn. Trường Giang nói với tôi: "Con sẽ không buồn bởi con đến với cuộc thi là để học hỏi, trải nghiệm, giữ nghề, đặc biệt là mang hình ảnh sân khấu cải lương đến với khán giả"-nghệ sĩ Cẩm Hương tâm sự.
Clip Câu chuyện cuộc đời vất vả của nghệ sĩ trẻ Lê Nguyễn Trường Giang:
https://www.youtube.com/watch?
Những nỗ lực của một hậu duệ đoàn cải lương tuồng cổ
Với tiết mục "chào sân" đầy ấn tượng mang tên "Tâm nghiệp", Lê Nguyễn Trường Giang hóa thân vào hai nhân vật là kép - đào. Trong phần bay lượn, anh tuột tay từ dải lụa, rơi mạnh xuống sàn sân khấu. Dù tay bong gân, anh vẫn nhanh chóng đứng dậy, chỉnh trang phục, diễn tiếp phân đoạn vai nam. Tất cả giám khảo, khán giả trường quay đều không giấu nổi sự hốt hoảng, rất nhiều giọt nước mắt đã rơi cho nỗ lực của người nghệ sĩ trẻ, nén đau để hoàn thành tiết mục biểu diễn.
NSND - Tiến sĩ Bạch Tuyết đã mượn câu hát trong tiết mục: "Đẹp như một bài thơ và sáng trong như một giấc mơ" để tặng Trường Giang khi nói về giấc mơ của người nghệ sĩ trong ánh hào quang của cả đại gia tộc cải lương tuồng cổ.
Các vai diễn của Lê Nguyễn Trường Giang tại "Sao nối ngôi"
Ngoài những lời ngợi khen về mặt diễn xuất và giọng hát, Lê Nguyễn Trường Giang còn được ghi nhận ở khả năng sáng tác, dàn dựng tiết mục. Tiết mục tưởng nhớ về người cha quá cố mang tên "Trường tương tư cuối cùng" trong đêm thi thứ 2 khi lấy bối cảnh một gánh hát nghèo trôi nổi trên sông đã khiến danh ca Thái Châu vội lau đi những giọt nước mắt xúc động. Kịch bản đầy xúc động, dàn dựng công phu đã nêu lên khát vọng của Lê Nguyễn Trường Giang đối với nghề.
Biểu diễn trích đoạn vở cải lương nổi tiếng "Câu thơ yên ngựa", Lê Nguyễn Trường Giang đã thể hiện thành công hình tượng đạo mạo của Lý Đạo Thành với bộ râu trắng cùng thần thái, hình tượng oai phong lẫm liệt . Anh chọn vai diễn Lý Đạo Thành đã ghi dấu ấn của hai người cậu mình là NSND Thanh Tòng, NSƯT Trường Sơn - một vai diễn nặng về tâm lý và vũ đạo, hình thức biểu diễn. Trước những lời khen, sự thán phục từ giám khảo, Lê Nguyễn Trường Giang đã đạt giải nhất tuần.
Vai Lý Đạo Thành
Tiết mục "Câu thơ yên ngựa" (Lê Nguyễn Trường Giang)
https://drive.google.com/open?
Với dòng máu nghệ thuật từ gia đình, Lê Nguyễn Trường Giang đang dần tạo những dấu ấn riêng bằng khả năng biến hóa đa dạng qua từng vai diễn từ vai trẻ, lão và đặc biệt là cả vai đào. Người nghệ sĩ trẻ sinh 1989 vẫn đang tiếp tục nỗ lực bên cạnh sự hỗ trợ, động viên của gia tộc đã 6 đời theo cải lương. Xuất hiện ở Sao nối ngôi, Lê Nguyễn Trường Giang hứa hẹn sẽ còn mang đến những điều mới mẻ qua các tiết mục thi sắp tới.
Với đêm thi thứ 4 chủ đề "Quê hương và tuổi thơ", Lê Nguyễn Trường Giang sẽ chọn nhân vật thiếu nhi nổi tiếng trong lịch sử đó chính là Kim Đồng. Tấm gương sáng về tuổi trẻ yêu nước này sẽ được anh thể hiện qua trích đoạn "Kim Đồng" (tác giả: Bạch Lựu) cùng với sự trợ diễn của nghệ sĩ Ngọc Trinh.
Đêm thi thứ 4 với chủ đề "Quê hương và tuổi thơ" sẽ phát sóng vào lúc 21 giờ thứ năm ngày 15-6 trên kênh THVL1. Sao nối ngôi do Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Long phối hợp cùng Jet Studio thực hiện.
Bình luận (0)