Hơn 15 năm nay, tại chợ Rạch Ông thuộc quận 8, TP HCM, người dân quen với hình ảnh hai người phụ nữ lớn tuổi ngày bán vé số, tối nhặt ve chai. Cách đây vài chục năm, họ từng là những nghệ sĩ cải lương có tiếng. Người chị chính là nghệ sĩ Trang Thanh Xuân, từng được ca ngợi trên nhiều trang báo lớn những năm 1970 với tư cách một đào trẻ đang lên.
Trang Thanh Xuân tên thật là Đào Thị Thanh Xuân, sinh năm 1952 tại TP HCM, trong một gia đình nghệ sĩ nghèo có ba mẹ đều theo gánh hát. Ở tuổi 20, Thanh Xuân đã hát chính trên một số sân khấu. Tên tuổi bà chỉ đứng sau các nghệ sĩ nổi tiếng thời đó như Minh Vương, Bạch Lê, Thanh Kim Huệ... Cô đào Trang Thanh Xuân được nhắc đến nhiều nhất với vai Bạch Thanh Nga trong vở Máu nhuộm sân chùa hát chung với Minh Tâm, Vũ Linh.
Hình ảnh hai nghệ sĩ Trang Thanh Xuân trên mặt báo những năm 1970. Ảnh: Cailuongvietnam.
Sau năm 1975, nghệ thuật cải lương gặp nhiều khó khăn. Trang Thanh Xuân chưa đủ nổi danh để trụ lại thành phố nên chọn con đường phiêu dạt theo những gánh hát tỉnh lẻ, kiếm tiền nuôi gia đình và chữa bệnh hiểm nghèo cho cha mẹ. "Hồi mới giải phóng, các đoàn thành phố trả lương diễn viên như tôi rất thấp. Sống không đủ, tôi đi diễn tỉnh riết nên khán giả thành phố dần lãng quên. Trước năm 1975, khi hát trong đoàn Việt Nam Minh Vương nhiều người biết tôi lắm. Một ngày có tới vài chục lá thư của khán giả gửi về xin ảnh", nữ nghệ sĩ nhớ lại.
Khó khăn chồng chất, gia đình bán đi tài sản duy nhất là căn nhà nhỏ ở quận 3. Trang Thanh Xuân nghỉ hát, bán bắp luộc, bánh chuối chiên để nuôi cả gia đình. Cha mẹ bà qua đời ít lâu sau đó, em trai lấy vợ và ở rể. Từ đó, Thanh Xuân và em gái Thanh Đào dắt nhau đến chợ Rạch Ông sống bằng nghề bán vé số và nhặt ve chai. Hai chị em sống trong một căn phòng trọ chật hẹp chưa đầy 10 m2, nằm trong một ngôi nhà thuê chung của những lao động nghèo tại chợ.
Trang Thanh Xuân chia sẻ bà đi hát chỉ vì đam mê nên không biết cách tích lũy cho tuổi già. Trước kia, tiền lương đi hát đều do thân mẫu quản lý, rồi tiền bạc và nhà cửa dần "ra đi" vì việc chữa bệnh. Lúc trẻ, nữ nghệ sĩ trải qua vài mối tình nhưng không tiến được đến hôn nhân. Cũng như bà, cô em gái Thanh Đào chọn lối sống độc thân, nương tựa vào chị gái sau sự ra đi của cha mẹ.
Trang Thanh Xuân trong căn phòng trọ ẩm thấp. Không có tiền mua thuốc trị bệnh thấp khớp, nữ nghệ sĩ thường xuyên bó chân để tiện cho việc đi lại.
Nghèo đói, đơn độc do không có chồng con, nữ nghệ sĩ còn chịu cảnh bệnh tật ở tuổi xế chiều. Bà được phát hiện rối loạn tiền đình và hở van tim vào năm 1983. Sau nhiều đợt điều trị cộng thêm bệnh thấp khớp, hiện nữ nghệ sĩ đi lại khó khăn. Căn bệnh khiến bà đau nhức thường xuyên và không thể làm thêm những công việc khác như bưng bê, rửa chén bát, giặt quần áo thuê... để có thêm thu nhập. Không có tiền mua thuốc, bà dùng vải gai bó chặt đầu gối để tiện đi lại mỗi khi đau nhức.
“Có lúc chị tôi đau không đi nổi. Mấy bữa trước chị ngã lộn cầu thang mà không dám kêu, sợ chủ nhà đuổi không cho ở. Bệnh càng ngày càng trở nặng, đi lại khó khăn nên chúng tôi không thể ra khỏi chợ Rạch Ông này để bán được nhiều vé số hơn”, em gái nữ nghệ sĩ nói trong nước mắt.
Công việc bán vé số dạo và nhặt ve chai đem lại chừng 60.000 đồng mỗi ngày. Hai chị em nghệ sĩ trích ra 20.000 đồng mua thức ăn. Những ngày bệnh tật hành hạ phải nằm một chỗ, hai người chỉ có cháo trắng qua ngày.
Căn phòng trọ ngổn ngang đồ đạc cũ của hai chị em.
Chủ một đại lý vé số tại chợ Rạch Ông cho hay: “Hàng ngày bà Xuân đến chỗ tôi lấy vé, có hôm trả luôn tiền mặt, có hôm thì lấy chịu, nhưng mỗi lần chỉ lấy chừng hai chục vé. Bán hết đợt cũ bà mới lấy đợt mới. Bao năm nay tôi không hề biết bà là nghệ sĩ cải lương nổi tiếng một thời”.
Vì nghèo và mặc cảm, Trang Thanh Xuân thường lẩn tránh mỗi khi có người quen nhận ra. Dành lời ngợi khen cho những đồng nghiệp cùng thời nhưng bà không hề nghĩ đến sự giúp đỡ của họ. “Tên tuổi tôi cũng không quá lớn, chỉ được coi là một đào chính có triển vọng nên tôi tự biết phận mình. Cũng có nghệ sĩ gặp tôi, lúc đầu tỏ ra mừng rỡ sau rồi tỉnh bơ quay đi. Xa mặt cách lòng bao nhiêu năm gặp lại biết người ta có còn nhớ mình không?”, nghệ sĩ già ngậm ngùi.
Với những đóng góp cho nghệ thuật cải lương, mới đây, Trang Thanh Xuân được Ban Ái hữu nghệ sĩ TP HCM trợ cấp 10 kg gạo và 150.000 đồng một tháng. Tuy nhiên, số trợ cấp này không ổn định do phụ thuộc vào lòng hảo tâm của các mạnh thường quân. “Gạo thì tháng có, tháng không. Hàng tháng tôi đi lĩnh 150.000 nghìn tiền trợ cấp thì mất tới 30.000 tiền đi xe ôm rồi”, nữ nghệ sĩ cho biết.
Bình luận (0)