xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuối năm, theo “Chân trời cũ”

Nguyễn Nhã Tiên

Từ bao giờ cái thú “cổ ngoạn” sách báo cũ do nhà nhà dọn dẹp “tống cựu nghinh tân” để lo ăn Tết, được đổ ra bán trên hè phố, đã thành con đường quên, con đường nhớ “du Xuân” trong tôi.

Không gì thích thú bằng khi giữa ngổn ngang đủ các loại sách báo cũ được cân ký ngang tầm đồng nát chai bao ấy, bất ngờ ta bắt gặp một cuốn sách quý, một số tạp chí xưa, hay là những tác phẩm lấp lánh tên tuổi các nhà văn, nhà thơ từng vang bóng một thời. Cái tập truyện ngắn “Chân trời cũ” của nhà văn - nhà thơ tiền chiến Hồ Dzếnh (ảnh) mà tôi nâng niu trên tay là kết quả một lần “du Xuân” như thế. Cho dù sách đã bị mất bìa, giấy vàng ố, có trang rơi mất, có trang rách mất góc chả còn thấy năm tháng xuất bản nhưng tôi đồ chừng đây phải là bản xuất bản đầu tiên vào năm 1942. Nghĩa là sách đã “già” hơn tôi cả chục tuổi. Nhưng có gì cũ hơn “Chân trời cũ”!

img

Cầm tập sách trong tay chưa vội lật ra trang nào, tôi đã nhớ nằm lòng: Chính ở cái nơi chốn mà mây gió còn giữ nguyên màu dĩ vãng đó, chúng tôi lớn lên hồn nhiên giữa bài thơ tưng bừng của sự sống.

Vâng, ở đâu trong “Chân trời cũ” của Hồ Dzếnh mà chẳng mây gió còn giữ nguyên màu dĩ vãng. Và chỉ cần như thế, con đường “du Xuân” giữa ngổn ngang sách báo cũ từng đống chất cao bày bán trên hè phố bỗng hóa thành con đường hành hương cho tôi gặp lại những mùa Xuân thơm tho tràn ngập hơi hướng tuổi thơ của mình: Một năm trôi qua. Mùa Xuân đến. Chúng tôi đón Tết trong nhà nhỏ, ba anh em cùng ngồi quây quần bên mẹ, quanh một nồi bánh chưng sôi...

Dường như giữa cái thế giới mênh mông cả một “Chân trời cũ” ấy, cái nhân vật “tôi” trong mọi câu chuyện nhà văn viết ra không chỉ cho chính ông mà bất cứ ai đọc lên cũng đều thấy đâu đó thấp thoáng bóng dáng của chính mình. Của tất cả yêu thương vui buồn một thời của mình lúc ẩn hiện, lúc chìm khuất trong từng trang sách. Tôi không còn nhớ rõ tự bao giờ cả một “Chân trời cũ” của Hồ Dzếnh đã hòa quyện vào tâm hồn tôi. Tràn ngập vào đấy như một thứ lửa linh thiêng không bao giờ chịu tắt, hễ mỗi khi có dịp là nó bập bùng ánh lên, hiện ra những nhân vật như: em Dìn, chị Yên, anh Cả, anh Hai, chú Nhì..., tất cả rõ mười mươi. Làm như họ từ ký ức sâu thẳm của tôi bước ra, hay là chính tôi đã từng quen biết họ đâu đó trong đường đời vạn lối.

Cái đẹp, cái xao xuyến, cái độc đáo của văn chương Hồ Dzếnh là ở chỗ ông không kỳ công chạm trổ tỉa tót cho ra nhân vật, rồi vắt óc đi tìm cho ra một ý niệm lớn lao nào đó ký thác vào nhân vật mà là tất cả hiện thực ở ngoài đời như thế nào, thì ông cứ như thế bê nguyên vẹn vào trong truyện. Mười bốn truyện ngắn trong “Chân trời cũ” của Hồ Dzếnh như: “Ngày gặp gỡ”, “Con ngựa trắng của ba tôi”, “Em Dìn”, “Chị Yên”, “Chú Nhì”, “Chị dâu tôi”..., tất cả con người, không gian cảnh vật, thậm chí đến đồ vật, đều loanh quanh trong chính ngôi nhà của ông, trong cái làng Đông Bích bên dòng sông Ghép - quê ngoại của ông. Chỉ ngần ấy thôi mà đã làm cho bao thế hệ người đọc xưa nay rung động đến tận đáy lòng.

Nhưng tất cả mọi thanh âm “Chân trời cũ” đã góp phần tạo dựng cái thiên đường tuổi tình yêu của tôi kiểu như: “Xuân đến! Mưa bay! Người ta bảo nhỏ anh rằng trong tháng giêng tốt lành sẽ có nhiều đám cưới” (Em Dìn), những rung động xao xuyến đó chưa phải là buổi đầu Hồ Dzếnh làm tôi run rẩy đón nhận mà chính là “Quê ngoại” - tập thơ ông xuất bản sau “Chân trời cũ” một năm. “Quê ngoại” thì chả phải một cuộc du Xuân nào hết mà là “Một chuyến tàu đời” như Hồ Dzếnh từng ngồi trên ấy hỏi vào vô tận: “Từng phen gió lạnh bay vào/Ngẩn ngơ ta xuống ga nào hở em?”.

Có thể nói trọn một cuộc đời văn, Hồ Dzếnh đã xuất bản hàng chục tác phẩm, bao gồm: tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, kịch… nhưng chỉ cần “Chân trời cũ” (tập truyện ngắn) và “Quê ngoại” (tập thơ) của ông thôi, ngần ấy đã là hai đỉnh tháp bút lấp lánh chân tài đã làm nên tên tuổi Hồ Dzếnh trong dòng văn học thời tiền chiến cho đến mãi về sau này.

Nguyễn Tấn Long trong “Việt Nam thi nhân tiền chiến” (quyển hạ) đã viết về Hồ Dzếnh và “Quê ngoại” của ông rằng: “Thơ Hồ Dzếnh hơn cả Xuân Diệu và còn hơn cả Nguyễn Bính đầu mùa, là những xâu chuỗi lanh lảnh nhạc vàng gõ vui từng nhịp nắng trên mênh mông đài trán thanh niên... Ngó thật kỹ. Quê ngoại không hằn một nếp nhăn”. Nghe vậy, bạn thấy có chút gì quá đà ở đây chăng? Không. Khi người ta đọc những câu lục bát trong “Quê ngoại” như thế này, tức khắc sẽ tự trả lời được câu hỏi kia.

Có tơ giăng mối hai hàng

Có muôn quan gió luồn trong một người

Lòng tôi bây giờ cũng muôn quan gió. Gió từ “Chân trời cũ”, rồi gió từ “Quê ngoại”. Những cửa gió siêu hình mà chật cứng cả trời tiếng động vọng lao xao. Trong muôn quan gió luồn qua ấy, có một thứ gió tuồng như ai cũng gặp trên đường. Nó chẳng hình hài gió xưa, gió nay nào hết. Mà là thứ gió, hễ chạm vào người là lại nghe ra “chỉ riu riu rét cho vừa nhớ nhung”.

Khi bạn nghe ra tiếng gió ấy thì đích thị là mùa Xuân đang chớm ngõ...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo