Sự bùng nổ của chương trình giải trí truyền hình với tốc độ vũ bão đang nhấn chìm những hoạt động giải trí khác trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Đó không phải là cách nhìn nhận quá tiêu cực của giới chuyên môn khi những chương trình nghệ thuật khác chưa đủ sức lôi kéo khán giả rời màn ảnh nhỏ trước sức hút mạnh mẽ của không ít chương trình giải trí truyền hình.
Cộng sinh
Công chúng - yếu tố góp phần quan trọng cho sự thành bại của nền công nghiệp giải trí. Vì vậy ở đâu có khán giả, nơi đó sẽ trở thành “thánh địa”. Khi chương trình giải trí truyền hình thu hút sự quan tâm của khán giả, không chỉ tạo nên hiện tượng bùng nổ chương trình truyền hình giải trí (thực tế chỉ diễn ra trong vài năm gần đây) mà còn lôi cuốn đội ngũ hoạt động văn hóa nghệ thuật khác tham gia.
Đầu tiên là các ngôi sao (thuộc nhiều lĩnh vực) của làng giải trí Việt. Không chỉ xuất hiện trong vai trò ban giám khảo mà cả trong vai trò thí sinh tranh tài. Đó chưa kể các chương trình gameshow hiện nay chỉ mời người của công chúng tham gia để tăng sự thu hút khán giả.
Nghệ sĩ Thành Lộc, người mẫu Thúy Hạnh, nhạc sĩ Huy Tuấn ngồi ghế giám khảo
của chương trình Vietnam’s Got Talent. H DO CHƯƠNG TRÌNH CUNG CẤP
Khi người của công chúng có mặt ngày càng dày đặc trong các chương trình giải trí truyền hình nổi tiếng thì các phương tiện truyền thông cũng đổ dồn sự quan tâm vào đây. Bởi những thông tin liên quan đến các ngôi sao luôn có sức hút đặc biệt với độc giả của họ. Và một khi giới truyền thông sống cộng sinh với nhà tổ chức trong các chương trình giải trí truyền hình thì công chúng cũng dễ dàng bị cuốn theo.
Giới nghệ sĩ thường nói vui với nhau “cày cả đời không bằng một giờ gameshow”. Nhiều nghệ sĩ sau khi tham gia các chương trình giải trí truyền hình đã trở nên nổi tiếng hơn, có nhiều sô diễn hơn. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nói anh làm đạo diễn bao lâu nay nhưng có mấy người biết mặt nhưng chỉ làm giám khảo một chương trình giải trí truyền hình là mọi người đều biết.
Nhạc sĩ Quốc Trung cũng chia sẻ tương tự. Đạo diễn điện ảnh Lê Hoàng trở thành giám khảo của nhiều chương trình truyền hình giải trí sau khi hoàn thành vai trò của mình trong chương trình Cặp đôi hoàn hảo... Và thực tế, khi tất cả đều đổ dồn vào một nơi thì những nơi khác trở thành khoảng trống.
“Đối thủ” nguy hiểm
Chính sự nở rộ chương trình truyền hình khiến cho sân khấu ca nhạc, sàn diễn kịch kể cả phim ảnh rơi vào vòng rủi ro cao nếu các loại hình nghệ thuật này không nghĩ đến cải thiện. Không quá bi quan nhưng một chương trình biểu diễn ở sân khấu như hiện nay sẽ khó có được sức hút kéo khán giả ra khỏi một chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng mà ở đó có đầy “sao” đang tranh tài.
Trong khi đó, với những chương trình tìm kiếm tài năng ca hát triển vọng như Vietnam’s Idol hay Vietnam’s Got Talent, khán giả bị cuốn theo những hành trình tìm kiếm, phát hiện và mài giũa một người từ chưa mấy ai biết đến thành một nhân vật nổi tiếng.
Trước sức ép của các chương trình giải trí truyền hình, các chương trình ca nhạc ngày càng thưa dần và mất dần vị thế trong lòng người hâm mộ.
Thực tế, khán giả ngày càng ngán ngẩm về các chương trình ca nhạc không có gì hấp dẫn ngoài lực lượng ca sĩ xuất hiện ngày càng nhiều nhưng kém tài, thừa can đảm khoe da thịt trên sân khấu.
Ở lĩnh vực điện ảnh cũng không khá hơn khi ngày càng có nhiều phim “thảm họa” điện ảnh ra đời. Phim truyền hình cũng rơi vào lối mòn nhàm chán. Còn sân khấu kịch vẫn loay hoay đi tìm kịch bản mới, hay. Những người giỏi và thực tâm với nghề ngày càng ít đi còn lực lượng muốn nổi tiếng nhanh bằng mọi cách thì nhiều.
Điều đó lý giải vì sao hàng loạt ngôi sao ở các lĩnh vực nghệ thuật không ngại dành thời gian dài tham gia những chương trình truyền hình giải trí, một công việc không thuộc chuyên môn để quảng bá hình ảnh của mình trong vai trò người chơi, ban giám khảo hay MC.
Các nhà chuyên môn cho rằng muốn tạo thế cân bằng trong đời sống văn hóa giải trí và để không bị cơn lốc giải trí truyền hình cuốn đi, các loại hình nghệ thuật giải trí khác phải tổ chức lại, có đầu tư đủ mạnh để kéo khán giả rời màn ảnh nhỏ đến với mình. Xem ra điều này không dễ dàng thực hiện trong điều kiện như hiện nay.
Màn ảnh nhỏ “nóng” quanh năm
Chỉ tính riêng trên hai đài truyền hình lớn là Đài Truyền hình TPHCM (HTV) và Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), chương trình giải trí truyền hình gần như tràn ngập, đủ mọi thể loại. Số lượng này tăng lên theo cấp số nhân nếu tính luôn các đài truyền hình các tỉnh và khu vực, với những chương trình được xây dựng na ná những chương trình truyền hình nổi tiếng được mua bản quyền, chưa mua bản quyền hay chẻ nhỏ ý tưởng từ một chương trình nào đó ở nước ngoài.
Với lợi thế của đài truyền hình quốc gia, có độ phủ sóng rộng khắp nhất cùng với quan điểm “thoáng”, VTV gần như đang thâu tóm hết các chương trình giải trí truyền hình nổi tiếng thế giới có phiên bản tại Việt Nam: Bước nhảy hoàn vũ, Cặp đôi hoàn hảo, Vietnam’s Idol, Vietnam’s Got Talent, Vietnam’s Next Top Model, The Voice- Giọng hát Việt, The Amazing Race, Hợp ca tranh tài, Vua đầu bếp… Chưa kể những chương trình thi hát thường niên Sao Mai, Sao Mai - Điểm hẹn, các chương trình giải trí truyền hình “bom tấn” này sẽ cuốn công chúng vào màn ảnh nhỏ gần như quanh năm. |
Bình luận (0)