Nhiều bài viết trong cuốn sách đã được dịch sang tiếng Anh và tiếng Pháp, chia thành 4 phần chính. Phần 1: Tản mạn, bao gồm những bài viết về chủ đề xung quanh công việc và cuộc sống của bà (Cận cảnh, Cái đẹp vừa là bẩm sinh vừa có tính văn hóa, Sống “sạch và sung túc”, Khi tôi là người “xuống thang” trước, Phát biểu tại lễ trao Huân chương Bắc đẩu Bội tinh…).
Phần 2: Việt Nam (Xây dựng thương hiệu quốc gia: Chúng ta có quá ít người hành động; Hành trình của Việt Nam là hành trình của tôi; Tâm sự với tuổi trẻ: Đi tìm một bản sắc Việt; Sự thực chúng ta là một…). Phần 3: Việt Nam và thế giới (Tự chủ trong hội nhập kinh tế; Thế và lực trong hội nhập quốc tế; Mảnh đất ngoại giao văn hóa mới chỉ được xới lên; Việt Nam và quyền con người; Trái tim nóng nhưng đầu phải lạnh…). Phần 4: Xã hội (Văn hóa - di sản sống; Không phải cứ ra nước ngoài là hội nhập; Khi nào hội nhập khi nào lai căng?; Học Harvard chưa chắc đã xuất sắc; Cốt lõi của giáo dục: Đào tạo phương pháp tư duy…).
Tư duy và chia sẻ chứa đựng những câu chuyện về tấm gương sáng ngời của người phụ nữ đặc biệt có tên trong Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, niềm tự hào và là tài sản quý báu của quốc gia. Bà từng nhận được Huân chương Lao động hạng nhất, Huân chương Bắc đẩu Bội tinh (Pháp trao tặng) và Huân chương Leopold II (Bỉ trao tặng). Cuốn sách còn là trí tuệ, tầm nhìn đối với xã hội Việt Nam và thế giới, đúc kết những bài học quý báu sau suốt quãng đời hoạt động mạnh mẽ của bà đại sứ, nay đã 68 tuổi.
Người phụ nữ có vẻ đẹp bề ngoài cổ điển này lại là điển hình vượt qua mọi định kiến. Mỗi khi xuất hiện, cho dù là ở hoạt động ngoại giao, giáo dục hay văn hóa, trong những cuộc nói chuyện với sinh viên hay hoạt động từ thiện, xã hội, bà lúc nào cũng gây ấn tượng về sự lịch thiệp, duyên dáng và đặc biệt là tầm vóc trí tuệ.
Trí tuệ mẫn tiệp, sắc sảo và tính cách sắt đá, cương quyết, bà đã công tác trong ngành ngoại giao hơn 20 năm, trở thành chiếc cầu nối giữa thế giới và Việt Nam, đảm nhiệm rất nhiều vị trí quan trọng.
Trong suốt quãng đời hoạt động ngoại giao, nhiều lần bà khiến mọi người bất ngờ vì cách tranh luận thẳng thừng, khí khái, truyền thống được thừa hưởng từ gia đình, khác hẳn với vẻ bề ngoài dịu dàng, kín đáo mà vẫn quyến rũ. Là phụ nữ, để có thể hoạt động được trong ngành ngoại giao đã khó, kết hợp được cương - nhu càng khó hơn và quan trọng nhất, theo bà, là phải không được khóc…
Vượt qua định kiến, lao vào gian khó và tỏa sáng với thành công rực rỡ, Tôn Nữ Thị Ninh tự chọn cho mình hình ảnh “ngọn lửa trên cao” để thể hiện một cuộc đời luôn rực cháy, thôi thúc bởi hoài bão và mong muốn truyền lửa tri thức và văn hóa đến giới trẻ.
Bình luận (0)