Quốc Bảo viết sách tưởng chừng mới nhưng đã rất đỗi quen thuộc khi những bài tản văn của anh trở thành các món ăn tinh thần được công chúng hâm mộ mong đợi từ khá lâu. Văn của Quốc Bảo không màu mè hoa lá cành. Nó đơn giản là những câu chuyện kể đời thường, các kỷ niệm gắn bó với những cảm xúc đã giúp anh viết nên các bản tình ca.
Cuốn sổ trắng (ảnh) được chia thành 3 phần: Tim tôi đập nhịp Sài Gòn, Cơn mơ khô hạn và Suy nghiệm. Trong đó, qua ký ức của Quốc Bảo, người đọc có thể tìm thấy hình ảnh một thiếu niên với điếu thuốc lá đầu đời, một thanh niên với những hoài bão...
Đó là những hoài nhớ về hội hoa xuân ở Công viên Tao Đàn chiều ba mươi Tết (Hoa xuân xưa), là một Chợ Lớn đậm chất Đông Dương như trang văn của Marguerite Duras miêu tả (Chợ Lớn), là sự gắn bó với một quán cà phê (Givral, sống và chết)... Giữa những hồi tưởng, người viết hé lộ một phần con người cầu kỳ trong thú ăn chơi, thể hiện qua việc miêu tả hương vị của từng loại cà phê, điếu thuốc hay bánh ngọt từng thưởng thức. Gần đây, thời gian bên những nốt nhạc được chia sẻ cho nhiếp ảnh và yoga.
Các câu chuyện về thiền, về tâm linh và yoga được anh kể bằng bàn tay, tư duy của một nghệ sĩ theo đuổi giấc mơ nghệ thuật. Bên cạnh những bài viết là những tấm ảnh đen trắng do Quốc Bảo chụp hay những bản nhạc anh mới sáng tác in xen kẽ. Trong cuốn sách đậm màu hoài niệm ấy, dù tác giả nói về chuyện gì thì trang viết vẫn hiện lên một tình cảm lớn dành cho thành phố phương Nam. Bởi thế, trong lời mở đầu, anh viết: “Chỉ có một điều tôi dám chắc chắn: Viết gì, nói gì đi nữa, tôi vẫn phát ngôn bằng giọng điệu của người Sài Gòn”.
Bình luận (0)