Khi có nhiều tác phẩm nổi tiếng của thế giới được dịch ra tiếng Việt và phát hành ở VN gần như cùng lúc với thế giới, và điều kiện để so sánh càng nhiều hơn, bằng đủ các kênh thông tin.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ba dịch giả có những thành công nhất định trong việc giới thiệu những tác phẩm văn học nổi tiếng thế giới thời gian gần đây. Để nghe các ông nói về dịch thuật, như một nghề nghiệp, một đam mê và một sự khẳng định nhân cách...
Dịch giả Trinh Lữ - người đã dịch Cuộc đời của Pi, Con nhân mã ở trong vườn, Hội họa Trung Hoa qua lời các vĩ nhân và danh họa...
Tôi quyết định dịch một tác phẩm: thứ nhất là vì tôi yêu thích tác phẩm ấy, và thấy mình có thể dịch nó một cách thỏa thích; thứ hai là mức nhuận bút có thể chấp nhận được và từ chối khi không đủ các điều kiện vừa nói.
. Phóng viên: Theo ông, như thế nào là một bản dịch hay? Nếu chọn hay và chính xác thì ông chọn cách nào?
- Hay tức là phải chính xác rồi. Chuyện này cần phải nói rõ một chút. Ví dụ khái niệm “chính xác”: chính xác về chữ chưa chắc đã chính xác về nghĩa; rồi chính xác về nghĩa chưa chắc đã chính xác về giọng, điệu. Khi chữ đã thông, nghĩa đã tỏ, giọng đã rõ, điệu cũng đã hòa hợp kết nối được tất cả với nhau một cách hợp lý thì người đọc mới thấy hay.
Khi dịch, tôi chỉ muốn truyền đạt tất cả những yếu tố chữ, nghĩa, giọng, điệu ấy của nguyên tác sang tiếng Việt, sao cho những gì tôi nhận thức và cảm thụ được từ nguyên tác cũng được truyền đạt nguyên vẹn đến người đọc bản dịch của mình.
* Có người nói ông dịch hay được là vì ông không phải lo lắng chuyện tiền bạc, có thể thoải mái kén chọn sách hay để dịch và dịch trong thời gian bao lâu cũng được.
- Trái lại thì đúng hơn. Tôi kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau, sẽ về già mà không có lương hưu, không có khả năng dành dụm, sống trong căn nhà duy nhất còn lại ở Hà Nội vẫn còn mang vết tích bị bom Mỹ phá hủy từ 1967, con cái chưa đứa nào ra nghề, nên mỗi lần nhận dịch sách là phải mặc cả riết róng lắm, và chỉ nhận dịch lúc “giáp hạt”. Thành thử tôi dịch rất nhanh, tập trung hết sức, để còn làm việc khác. Vì thế tôi cũng chỉ có khả năng dịch những gì mình thật sự yêu thích.
Dịch giả Phạm Xuân Nguyên - người dịch bộ ba tiểu thuyết của Kundera: Chậm rãi, Sự bất tử, Bản nguyên.
- Thị trường sách dịch cũng như trình độ của người dịch hiện nay tôi đã báo động rất nhiều lần ở rất nhiều diễn đàn rồi: đội ngũ dịch thuật vừa yếu vừa thiếu, đội ngũ biên tập còn yếu và thiếu hơn. Trường hợp Mật mã Da Vinci là một minh chứng điển hình: người dịch có thể sai, nhưng biên tập, bằng tiếng Việt, nếu cẩn thận một chút thì không thể có những lỗi tương tự. Tôi đồng ý là anh Cao Đăng có hơi nặng lời khi cho đó là “một thảm họa dịch thuật”, nhưng cũng đã đến lúc phải cảnh báo như vậy, và khi cảnh báo thì đúng là có quyền nói quá một tí.
* Theo ông, có thể bắt tay vào việc cải tiến thực trạng của văn học dịch VN bắt đầu từ đâu?
- Đào tạo và đào tạo lại đội ngũ người dịch là một việc làm lâu dài, tốn kém và mang tính “quốc sách” chứ không phải của riêng NXB hay nhà sách nào. Nhưng trước mắt là phải nâng cao trình độ tiếng Việt của người biên tập, có tiếng Việt tử tế thì mới có sách dịch tử tế được. Thứ hai là tập hợp đội ngũ các dịch giả đang có. Mỗi NXB cần nắm vững đội ngũ người dịch chí cốt của mình - theo từng ngôn ngữ và thể loại sách khác nhau, đặt hàng cho họ dịch những sách có giá trị và trả thù lao xứng đáng.
Đừng quên nghịch lý này: ngày nay người biết ngoại ngữ càng nhiều thì chất lượng các bản dịch lại càng kém đi, đó là vì người dịch sách không có thù lao xứng đáng - khoảng 3-4 triệu cho một cuốn sách 300 trang có lượng in 1.000 bản. Trong khi, với trình độ ngoại ngữ ấy, họ đi dịch tài liệu cho các cơ quan, các dự án có thể thu được gấp mười số tiền trong cùng thời gian.
Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng - người dịch Từ điển Khazar
* Đánh giá của cá nhân ông về tình trạng dịch thuật, nhất là dịch văn học ở nước ta hiện nay? Liệu đã đến mức thảm họa như ông đang báo động?
- Như tôi đã nói rất rõ trong một bài viết, một bản dịch Mật mã Da Vinci đã là thảm họa đối với nền dịch thuật nước nhà. Thảm họa vì một bản dịch tệ hại đến như thế vẫn được ngang nhiên ra đời bất chấp những tiêu chuẩn tối thiểu về chất lượng và giá trị. Và, như tôi đã nói, đã cảnh báo một thảm họa khác còn lớn hơn thảm họa dịch thuật, nếu giới trí thức, giới làm văn hóa và các cơ quan hữu trách nước ta không cảm thấy cần phải lên tiếng, cần phải hành động, hành động dứt khoát, không khoan nhượng, để ngăn chặn và loại trừ tận gốc cung cách làm việc chụp giựt, hám tiền và thiếu lương thiện đó ra khỏi đời sống văn học.
* Theo ông, một “chiến lược dịch thuật” mang tính quốc gia (chọn những tác phẩm tầm cỡ của nhân loại, trên mọi lĩnh vực, dịch và in với số lượng lớn để hạ giá thành và phổ cập toàn xã hội) liệu có cần thiết và khả thi?
- Tôi không tin rằng một chiến lược dịch thuật “mang tính quốc gia” theo nghĩa được Nhà nước tổ chức, tài trợ và/hoặc chi phối là khả thi. Chúng ta đã chứng kiến quá đủ các dự án nhà nước với hàng tỉ và trăm tỉ đồng đổ xuống sông xuống bể để không còn ngờ nghệch tin rằng hàng tỉ đồng khác đổ vào một dự án dịch thuật cấp nhà nước sẽ mang lại một hiệu quả thiết thực cho dân tộc, hôm nay cũng như mai sau.
Một dự án như thế chỉ có thể khả thi và thành công khi được thực hiện bởi các tổ chức, hội chuyên ngành, phi chính phủ, và chỉ mong rằng Nhà nước nếu không hỗ trợ một cách có thực chất và tới nơi tới chốn bằng những chính sách ưu đãi và một khung pháp lý công bằng, minh bạch thì cũng đừng cản trở, hạch sách...
Bình luận (0)