Một tiết mục được chuẩn bị cho chương trình khai mạc Festival Huế 2012. Ảnh: Quang Nhật
Nghệ thuật có đẳng cấp
“Đây là một festival văn hóa nghệ thuật có đẳng cấp” - ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trưởng BTC Festival Huế 2012, khẳng định.
Ngoài hai chương trình “đinh” là khai mạc và bế mạc mang đậm bản sắc văn hóa Việt, được tổ chức trên sân khấu độc đáo, đa sắc màu thì nhiều chương trình phụ trợ cũng được thiết kế công phu, có chiều sâu. Lễ Tế giao lần này được phục dựng gần nguyên mẫu hơn, trong đó chú trọng yếu tố tâm linh là tế lễ đất trời, sông núi, tổ tiên, cầu mong quốc thái dân an, mùa màng bội thu. Lễ hội áo dài tiếp tục là điểm nhấn không thể thiếu trong mỗi kỳ festival. Hơn 150 người mẫu đại diện của ba miền: Hà Nội, Huế, TPHCM cùng với 3 hoa hậu Việt Nam tham gia trình diễn áo dài với chủ đề Sen. Sự kết hợp giữa quốc phục và quốc hoa chắc chắn sẽ tạo cho người xem những cảm nhận thú vị. Chưa dừng ở đó, trong Đêm phương Đông giữa lộng lẫy sắc màu trang phục của các dân tộc châu Á, tà áo dài Việt sẽ tiếp tục làm xao xuyến thêm bao tâm hồn. Chương trình Thiên hạ thái bình được tổ chức trên sông Hương là một lễ hội sân khấu hóa độc đáo được dàn dựng công phu với ý tưởng tôn vinh khát vọng cháy bỏng của nhân loại, cũng là của dân tộc Việt Nam về một đất nước thống nhất, nhân dân no ấm. Đó là sự kết tinh giữa nhã nhạc, múa với những áng thơ bất hủ được chạm khắc trên các cung điện Huế sẽ đưa người xem vào một thế giới lung linh huyền ảo, lãng mạn. Còn lễ hội trống và các nhạc cụ gõ Âm vang hào khí Việt do Công ty Lê Quý Dương thực hiện sẽ hội tụ tinh hoa nghệ thuật âm nhạc qua những màn biểu diễn trống và các nhạc cụ gõ mang âm hưởng hào hùng của truyền thống dân tộc, từ âm hưởng của tiếng trống đồng thuở Hùng Vương dựng nước, tiếng trống hào hùng Tây Sơn dựng nghiệp hay thanh âm dân dã của tiếng trống chèo thấm đẫm tình yêu quê hương. Ngoài 40 đoàn nghệ thuật với 450 nghệ sĩ đến từ 27 quốc gia ở 5 châu lục và 700 nghệ sĩ của 25 đoàn nghệ thuật trong nước, TP Huế như sống trong không khí lễ hội thực thụ bởi hàng chục tiết mục lễ hội đường phố.
Ông Ngô Hòa khẳng định: “Các đoàn nghệ thuật, các nghệ sĩ là những đại diện tiêu biểu nhất của các châu lục, có đẳng cấp. Bao gồm các đoàn nghệ thuật đương đại chọn lọc từ các festival quốc tế tiêu biểu và các loại hình nghệ thuật được công nhận là di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, đại diện cho các nền văn hóa lớn đến từ các thành phố lịch sử”. Trong đó, có rất nhiều đoàn nghệ thuật lần đầu tiên tham gia, như đoàn Piatnitsky (Nga), Trung tâm Ca múa nhạc truyền thống Dongguk (Hàn Quốc)…, hứa hẹn mang đến nhiều điều mới lạ cho du khách.
Người dân là chủ nhân của lễ hội
Đến Huế trong những ngày này, đâu đâu cũng thấy không khí rộn ràng của festival. Dọc bên dòng sông Hương, khu đại nội, những sân khấu lớn đã sẵn sàng cho ngày hội. Hàng loạt triển lãm nghệ thuật cũng đã được khai mạc khiến vẻ cổ kính, trầm mặc thường ngày của Huế trở nên năng động và trẻ trung. Tại cuộc họp báo vào sáng 6-4, ông Ngô Hòa cho biết tất cả khâu chuẩn bị cho lễ hội festival 2012 đã hoàn tất. Công tác an ninh, chống “chặt chém” du khách đều đã được các ngành chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế triển khai.
Đặc biệt, trong kỳ festival lần này, các bệnh nhân và y - bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế có cơ hội thưởng thức những âm thanh của nhạc cụ dân tộc qua phần biểu diễn của nhóm Cỏ Lạ; chương trình biểu diễn của ban nhạc nổi tiếng Mary McBride (Mỹ), hay giọng hát của ca sĩ Lê Cát Trọng Lý. Ngoài ra, lực lượng vũ trang, người lao động không có điều kiện xem các chương trình nghệ thuật tại festival cũng được các nghệ sĩ đến biểu diễn phục vụ tận nơi. Đồng thời, tại các huyện miền núi như Nam Đông, A Lưới hay những vùng nông thôn trong tỉnh sẽ có hàng chục đoàn nghệ thuật về biểu diễn trong 2 đêm. Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết: “Chúng tôi muốn người dân thực sự là chủ nhân của lễ hội, được thưởng thức những chương trình nghệ thuật đỉnh cao của các nghệ sĩ trong và ngoài nước”.
Các chương trình chính Lễ khai mạc vào lúc 20 giờ ngày 7-4; lễ Tế giao (20 giờ, ngày 8-4); lễ hội áo dài (20 giờ ngày 9 và 11-4); Đêm Hoàng cung (19 giờ 30 phút ngày 10, 13-4); chương trình Thiên hạ thái bình (20 giờ ngày 12-4); chương trình Đêm Phương Đông (21 giờ ngày 8, 10, 12, 13 và 14-4); các chương trình lễ hội đường phố; lễ hội trống và các nhạc cụ gõ Âm vang hào khí Việt (15 giờ ngày 10, 14-4); lễ bế mạc (20 giờ ngày 15-4). |
Bình luận (0)