Bìa cuốn "Shock tình" của tác giả trẻ Kawi
Không thể phủ nhận một số tác phẩm hay một cách nổi bật với tính nhân văn và những tình tiết phản ánh sắc nét về sự khắc nghiệt của cuộc sống như "Mẹ điên" (truyện ngắn Trung Quốc của tác giả Vương Hằng Tích), nhà văn Trang Hạ đã dịch và xuất bản bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, truyện hay thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bởi tính chất không xuất bản mà chỉ chia sẻ trên mạng, người đọc không phải trả tiền mua, trang web đăng tải cũng không phải trả tiền nhuận bút, cho nên hạn chế của văn học mạng có thể thấy rõ là sự tùy tiện, thiếu chính xác, tự do một cách thái quá và những biên tập viên dày dạn trong nghề thì không chấp nhận được sự non kém trong chất lượng bản thảo. Không gian ảo trên mạng khiến bạn trẻ lầm tưởng đó là một sân chơi tự do, vô hạn định nên không phải ai cũng coi việc viết văn - đặc biệt dòng văn học mạng - là hoàn toàn nghiêm túc.
Thế nhưng, cho dù không chính thống thì trong thời đại internet, khó mà phủ nhận được ưu thế của văn học mạng khi "mảnh đất" của sách báo in càng lúc càng thu hẹp lại. Giờ đây, khái niệm "mọt sách" không dùng để ám chỉ những người trên tay khư khư những cuốn sách giấy nữa mà đã mở rộng tới cộng đồng đọc trên mạng và cũng có khá nhiều diễn đàn giao lưu dành cho dân nghiền văn học. Tốc độ nhanh nhất, độ phủ sóng mạnh nhất và dung lượng lưu trữ lớn nhất đã khiến văn học mạng phát triển rầm rộ, trở thành cuộc sàng lọc lớn nhất về văn học hiện đại. Gần đây nhất, ở Việt Nam cũng có cuộc thi Thơ tình Facebook, như một hoạt động hưởng ứng văn học mạng, tạo ra sân chơi cho những người say nghề.
Tính chất chia sẻ đã khiến văn học mạng chiếm ưu thế
Mới đây nhất là Trường Đại học Văn học mạng vừa ra đời, Hiệu trưởng danh dự là nhà văn Mạc Ngôn - giải Nobel Văn học 2012. Mạc Ngôn chia sẻ rằng ông cũng thấy bất ngờ với những bước ngoặt cuộc đời bởi trước đây ông từng có suy nghĩ không bao giờ ghi nhận dòng văn học mạng. Một nhà văn nổi tiếng khác của Trung Quốc, bà Thiết Ngưng cho hay bản thân bà đã từng làm giám khảo những cuộc thi văn học mạng, khi đọc các tác phẩm tham dự, bà cảm nhận được từng câu chữ trong các tác phẩm đó bộc lộ những tình cảm rất chân thành, ngôn ngữ tươi mới linh hoạt, rất gần với nội tâm của chính tác giả. Theo Thiết Ngưng, đó chính là những thứ văn học truyền thống còn thiếu và cần học hỏi. Phải chăng cũng chính vì thế mà Đại học Văn học mạng ra đời và nhận được sự ủng hộ của các nhà văn truyền thống như Mạc Ngôn?
Bình luận (0)