xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đại tiệc văn hóa nghệ thuật quốc tế

LINH AN- XUÂN HỒNG

Sáng 3-6, UBND TP Huế sẽ long trọng tổ chức lễ công bố quyết định công nhận Huế trở thành thành phố festival đặc trưng của Việt Nam và quyết định ban hành về một số cơ chế đặc thù của Thủ tướng Chính phủ cho thành phố này

Festival Huế 2008 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” diễn ra trong 9 ngày đêm, được khai mạc vào tối 3-6 và bế mạc tối 11-6. Đây là festival có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, được xem như là một đại tiệc văn hóa nghệ thuật quốc tế. Bữa đại tiệc ấy được chia thành 3 tour với những “món ăn” văn hóa nghệ thuật đặc sắc mang tầm quốc tế. Ngoài các lễ hội như lễ Nam Giao, lễ hội Áo dài, Đêm Hoàng cung... sẽ được tiếp tục, điểm nhấn đáng chú ý nhất tại Festival Huế 2008 là lần đầu tiên ban tổ chức tái hiện 4 lễ hội mang đậm dấu ấn văn hóa Huế.

Lễ tế đàn Xã Tắc

Theo ban tổ chức, công trình kiến trúc đàn Xã Tắc được xây dựng từ năm 1806 dưới triều Vua Gia Long. Lúc ấy, triều đình huy động các dinh trấn trên cả nước cung cấp đất sạch để đắp đàn. Đàn là nơi để các triều vua Nguyễn tế lễ thần Đất và thần Lúa, cầu mong mưa thuận gió hòa an lành cho trăm họ. Đàn Xã Tắc có ý nghĩa rất lớn, xã là đất, tắc là lúa, là biểu tượng của văn minh lúa nước, nên người xưa phải thờ cúng và việc tế thờ này là muôn đời.

Dưới thời Nguyễn, các lễ cúng tế của triều đình được chia làm 3 bậc: đại tự, trung tự và quần tự. Lễ tế đàn Xã Tắc thuộc vào bậc đại tự, giống như lễ tế đàn Nam Giao và lễ tế ở các miếu thờ vua chúa nhà Nguyễn.

Trong dịp Festival Huế 2008, lễ tế Xã Tắc lần đầu tiên được phục dựng một phần, nhằm đưa vào phục vụ du khách và nhân dân. Lễ tế được tổ chức khá quy mô, hơn 400 người tham gia với đầy đủ đạo cụ, phục trang, nghi trượng, cờ phướn, với đầy đủ các nghi thức truyền thống.

Lễ tế đàn Xã Tắc được tái hiện và cùng với lễ tế đàn Nam Giao sẽ góp phần tiếp tục đề cao những giá trị nhân văn người Việt. Đó là sự gắn kết giữa con người với thế giới tự nhiên và môi trường sống, biểu thị khát vọng cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, thiên hạ thái bình.

Lễ đăng quang của hoàng đế Quang Trung tại núi Bân

Năm 1788, tại Phú Xuân, Huế, vị anh hùng áo vải cờ đào Nguyễn Huệ đã cho san đắp ngọn núi Bân, lập đàn tế trời, lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu Quang Trung, quy tụ lòng dân trước khi kéo đại quân ra Bắc đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Lần này, lễ đăng quang của Hoàng đế Quang Trung sẽ được tái hiện một cách hoành tráng tại di tích lịch sử núi Bân với sự tham gia của hàng trăm diễn viên và võ sinh Huế, lực lượng nhạc võ Tây Sơn - Bình Định.

Lễ hội tiến sĩ võ

tái hiện sau 139 năm.- Trong suốt 143 năm tồn tại của mình, dù nhà Nguyễn đã tổ chức 39 khoa thi hội tiến sĩ văn, nhưng chỉ 3 lần tổ chức khoa thi tiến sĩ võ, vào các năm Ất Sửu (1865), Mậu Thìn (1868), Kỷ Tỵ (1869), đều diễn ra dưới triều Tự Đức. Kỳ thi cuối cùng đã diễn ra cách đây 139 năm. Tổng cộng tiến sĩ võ dưới triều Nguyễn có 10 người, trong đó có 1 người Quảng Bình, 2 Quảng Trị, 3 Thừa Thiên, 2 Quảng Nam và 2 Bình Định.

Lễ hội tiến sĩ võ lần này chỉ mô phỏng một phần lịch sử bằng cách nêu tên 7/10 người. Hội thi tiến sĩ võ ngày xưa kéo dài 50 ngày. Trong khoảng thời gian này, thí sinh phải qua kỳ thi hội, thi đình với các môn binh pháp, trận pháp (thi viết), khảo thí côn gỗ, đao khiên và bắn súng điểu thương. Tại Festival Huế 2008, ban tổ chức không tái hiện cuộc thi tiến sĩ võ một cách chân xác, mà chỉ xây dựng một lễ hội với các tiết mục rước chiếu chỉ, tuyên đọc các môn võ tiến sĩ đã vượt qua trong hội thi. Vì lễ hội tổ chức như một vòng chung khảo, nên ban tổ chức sẽ để cho mỗi võ sĩ (được đóng vai) biểu diễn một môn sở trường.

Hội thi còn là cuộc hội ngộ và trình diễn của những võ sư hàng đầu VN, “trong vai” những tiến sĩ võ đã được xướng danh trong lịch sử, qua đó giới thiệu cho công chúng, du khách những đặc sắc của võ thuật cổ truyền VN. Ban tổ chức đã mời các võ sư ở TPHCM, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam... tham gia biểu diễn. Trước khi các tiến sĩ tham dự phần chung khảo thì khoảng 130 cấm vệ quân sẽ biểu diễn các bài côn, thương... dưới sự điều khiển của một vị tiến sĩ, nhằm thể hiện khả năng huấn luyện quân binh. Lễ hội sẽ khép lại với hình ảnh đám rước tiến sĩ.

Hoành tráng với “huyền thoại sông Hương”

Giới hạn từ ngã ba Bằng Lãng đến Nghinh Lương Đình, trong một đoạn sông Hương có chiều dài chừng 12 km, gồm hai phần chính: chương trình di chuyển và chương trình cố định. Chương trình di chuyển gồm 1 chiếc thuyền cung đình và 20 chiếc thuyền rồng sẽ tham gia vào đội hình du thuyền trên cơ sở một họa đồ về cảnh thuyền vua du sông của triều Nguyễn.

Tại điện Hòn Chén, các thuyền dừng lại, hoạt cảnh rước vua lên điện chuẩn bị cho một lễ dâng hương. Thuyền về đoạn sông trước chân đồi Vọng Cảnh sẽ gặp tác phẩm sắp đặt Lễ vật dòng sông của họa sĩ Đinh Khắc Thịnh tương tác với khói màu huyền ảo. Đây là một trong những điểm nhấn độc đáo của lễ hội...

Chương trình cố định tại sân khấu Nghinh Lương Đình được dàn dựng thành 3 tầng (thượng, trung, hạ); có bốn cụm rồng, hai cụm mây làm màn hình chiếu các slide hình ảnh phông nền phụ họa thêm cho các tiết mục. Tại đây, “Huyền thoại sông Hương” sẽ tiếp tục được kể qua các loại hình như hoạt cảnh, tổ khúc, vũ khúc, ngâm thơ, được dàn dựng một cách công phu.

Lịch biểu diễn 4 lễ hội mới

Lễ khai mạc tại Quảng trường Ngọ môn: 20 giờ - 21 giờ ngày 3-6.

1. Chương trình “Huyền thoại sông Hương”: 17 giờ đến 21 giờ ngày 5-6.

2. Tái hiện lễ đăng quang Hoàng đế Quang Trung: 19 giờ đến 21 giờ ngày 6-6.

3. Lễ hội “Tiến sĩ võ ”: 7 giờ đến 10 giờ ngày 7-6.

- Chương trình “Huyền thoại sông Hương”: 17 giờ đến 21 giờ ngày 7-6.

4. Lễ tế Xã Tắc: 7 giờ đến 9 giờ ngày 10-6.

Bế mạc tại Quảng trường Ngọ môn: 20 giờ đến 21 giờ ngày 11-6.

Festival Huế 2008 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay

Ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế - Trưởng Ban Tổ chức festival Huế 2008, cho biết: “Đây là lần thứ 5 tỉnhThừa Thiên-Huế tổ chức festival. Có thể khẳng định rằng Festival Huế 2008 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Một festival mang tầm cỡ quốc tế, được xem là đại tiệc văn hóa nghệ thuật thịnh soạn. Festival Huế 2008 có 25 quốc gia cử đoàn nghệ thuật tham gia với tổng số trên 40 chương trình nghệ thuật đặc sắc.

Festival Huế 2008 có các loại hình nghệ thuật phong phú, đa dạng tham gia như (ca - múa - nhạc, xiếc đương đại, nghệ thuật quảng diễn và sắp đặt...) mang bản sắc của nhiều nền văn hóa tiêu biểu đến từ Pháp, Anh, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Canada, Úc, Thụy Sĩ... Điển hình Pháp sẽ có các chương trình của vùng Poitou-Charentes và đoàn kịch Archipel Indigo tham gia. Ấn Độ có đoàn ca múa nhạc dân gian Rajasthan. Campuchia có đoàn nghệ thuật Apsara Hoàng gia Campuchia. Nhật Bản có đoàn nghệ thuật múa truyền thống Ryukyuan - Okinawa... Pháp vẫn là đối tác chính trong Festival Huế 2008.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo