xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đam mê át nhọc nhằn

Bài và ảnh: THÙY TRANG

Hầu như tất cả vũ công mà chúng tôi có dịp gặp đều cho rằng họ xem nghề nhảy, múa như cái nghiệp không thể dứt ra được dù không ít người đã có nghề khác ổn định, thậm chí có địa vị cao trong xã hội

Mắt còn cay sè vì ngủ chưa đủ giấc, Lê Hoàng, thành viên Vũ đoàn Hoàng Thông, vội chụp lấy chiếc điện thoại di động để chuông báo thức đang réo trên bàn. Đã hơn 11 giờ. Hoàng vội lao dậy, tất bật chuẩn bị cho một ngày mới với những công việc lặp đi lặp lại thường ngày: 12 giờ, đến Cung Văn hóa Lao động TPHCM tập nhảy cùng vũ đoàn; 15 giờ, về nhà ăn cơm trưa, chơi với con; 17 giờ, đứng lớp dạy nhảy tại Cung Văn hóa Lao động; 18 giờ, chuẩn bị đi nhảy cùng vũ đoàn. Ngày nào cũng vậy, công việc của các vũ công khác đều tương tự như thế.

Thay đổi cuộc đời

Chưa học hết lớp 11, Lê Hoàng đã nghỉ ở nhà rồi chơi bời với bạn bè giang hồ. Quậy phá, đánh nhau, chém nhau, Hoàng trở thành một phần tử bất hảo ở địa phương. Một bước ngoặt đã mở ra trong đời Hoàng: Một lần đến Cung Văn hóa Lao động chơi, anh mê đắm trước những điệu nhảy mạnh mẽ của Vũ đoàn Hoàng Thông. Rồi Hoàng xin theo học với mong muốn trở thành thành viên của nhóm. Sẵn có năng khiếu lại thêm yêu thích nhảy múa, Hoàng tiếp thu nhanh chóng các bài tập vũ đạo. “Năng khiếu của Hoàng mọi người trong nhóm đều nhận thấy, nhưng lúc bấy giờ thật khó để thu nhận Hoàng vì vệt đen trong lý lịch của cậu ấy” - Anh Tuấn, trưởng Vũ đoàn Hoàng Thông, kể. “Thế là trong 3 tháng liền, tôi chỉ đến tập và về nhà, dù đã nhiều lần bày tỏ nguyện vọng tham gia vũ đoàn. Không nản lòng, tôi chăm chỉ tập luyện và đi theo nhóm mỗi tối” – Hoàng nhớ lại. Thấy Hoàng có thành ý, cộng thêm sự gửi gắm của gia đình, anh Tuấn miễn cưỡng nhận Hoàng bởi “biết đâu, đời Hoàng sẽ khác”. Đúng như kỳ vọng của anh Tuấn, quả thật, Hoàng trở thành một người khác hẳn từ khi gia nhập vũ đoàn. Anh không còn giao du với bạn bè xấu mà chăm chỉ làm việc để nuôi gia đình nhỏ của mình.

Anh Tuấn cũng là một người không may mắn. Đang chuẩn bị thi cuối cấp 3, gia đình anh xào xáo vì thất bại trong kinh doanh. Buồn, căng thẳng, Tuấn tham gia lớp khiêu vũ của Cung Văn hóa Lao động. Được thầy thương, Tuấn có cơ hội tham gia biểu diễn ở một số sân khấu. “Nhưng lúc ấy phong trào nhảy, múa minh họa không rầm rộ như bây giờ nên cũng chẳng có thu nhập gì. Tôi cứ học nhảy rồi đi làm cùng thầy để có được hai bữa ăn là mừng rồi” - Tuấn bộc bạch. Suốt 5 năm theo nghề, đến năm 2000, khi phong trào ca hát phát triển mạnh, nhu cầu thuê các vũ đoàn, nhóm múa minh họa trở nên phổ biến, Tuấn mới bắt đầu có lương, thu nhập dần ổn định.

Hoàng và Tuấn cũng như không ít vũ công khác đến với nghề múa như một sự tình cờ. Song, nhờ vậy mà họ trưởng thành hơn, cuộc sống cũng dần thay đổi.

Không phải dạo chơi

Trong số gần 100 vũ đoàn với hơn 1.000 vũ công hiện nay, có chưa đến 10 vũ đoàn được nhiều người biết đến. ABC, Hoàng Thông, Sài Gòn, Blue Sky, Lido, Araquebes.... được xem là những vũ đoàn hoạt động chuyên nghiệp và đắt sô nhất hiện nay. Thâm niên hoạt động trung bình của các vũ công trong các vũ đoàn này thấp nhất cũng 4 năm; cao nhất, như nhiều vũ công của Vũ đoàn Araquebes (Tấn Lộc), xấp xỉ 10 năm.

Hầu như tất cả vũ công mà chúng tôi có dịp gặp đều cho rằng họ xem nghề nhảy, múa như cái nghiệp không thể dứt ra được dù có người đã có nghề khác ổn định, thậm chí có địa vị cao trong xã hội. Điển hình như Thúy An, hiện đang là hiệu trưởng một trường mẫu giáo tư thục. Công việc chồng chất nhưng đêm đến chị vẫn đi diễn đều đặn. “Dù mức thù lao vũ công không là gì so với thu nhập của một hiệu trưởng nhưng nhảy, múa đã ăn sâu vào máu thịt tôi. Không nhảy một ngày, người tôi thấy khó chịu như... bị liệt” - Thúy An tâm sự. Còn với Mai Phương, vũ công Vũ đoàn ABC, thoạt đầu chỉ quan niệm nghề nhảy, múa là cầu nối để cô được gặp trực tiếp những ca sĩ mà mình yêu mến. Thế nhưng, khi đã vào nghề, cô lại thấy đây là một công việc mà cô thật sự yêu thích. Dù đang chuẩn bị lên đường sang Singapore du học nhưng Mai Phương vẫn tỏ vẻ tiếc nuối: “Chắc chắn tôi sẽ quay lại nghề nhảy, múa nếu còn được ABC đón nhận”.

Ngọc Tú thì lại khác. Cô vào nghề nhảy, múa do mẹ cô sắp đặt bởi bà cũng là một diễn viên múa. “Đôi lúc, tôi cũng thấy chạnh lòng khi nghĩ đến việc sau khi giải nghệ mình sẽ làm gì, vì ngoài nhảy, múa ra, tôi chẳng có nghề gì khác. Song, hễ lên sân khấu là tôi lại thấy thật thoải mái, quên hết mọi lo toan” - Ngọc Tú thổ lộ.

Còn Kim Thư, vũ công Vũ đoàn Sài Gòn, thoạt đầu cũng chỉ muốn học nhảy, múa để có sức khỏe tốt mà thôi. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 10 năm theo Vũ đoàn Sài Gòn và đang làm giáo viên thanh nhạc tại một trường tiểu học nhưng Thư vẫn chưa bỏ nghề. “Tôi cũng không biết vì sao tôi chưa bỏ nghề vũ công. Làm một lúc nhiều việc rất nhọc nhằn nhưng tôi vẫn ráng theo. Sân khấu có sức hút mê hoặc lạ kỳ khiến ai đã thuộc về nó khó dứt ra được”.

Kế mưu sinh

Cũng có không ít người đến với nghề vũ công như một cách mưu sinh. Thanh Phụng, vũ công Vũ đoàn Hoàng Thông, cũng vậy. Gia đình nghèo, học xong lớp 8, cô phải nghỉ ở nhà. Rồi cha mẹ Phụng lần lượt qua đời, để lại bà ngoại già yếu cho cô chăm lo. Đang lo nghĩ tìm kế sinh nhai thì Phụng được tin Vũ đoàn Hoàng Thông tuyển người. Cô xin vào học việc suốt một năm rưỡi. “Thời gian học việc chán lắm. Thấy mấy anh chị lãnh lương mà tôi chạnh lòng. Lần đầu tiên được nhận lương, tay tôi run lên. Tôi đếm đi đếm lại hoài, như sợ mất đi đồng nào”- Phụng tâm sự. Trương Hiếu, vũ công Vũ đoàn ABC, cũng vậy. Cha mất sớm, Hiếu sống cùng người mẹ tàn tật. Cuộc sống rất khó khăn nên Hiếu phải nghỉ học sớm tìm việc làm phụ giúp gia đình. Đăng ký tham gia cuộc thi “Vũ điệu cuộc sống” do Vũ đoàn ABC tổ chức, Hiếu được nhận vào học nghề. Sau 4 năm đi làm, Hiếu đã sắm được một số vật dụng trong gia đình và trang trải học phí cho lớp học Anh văn, vi tính mà anh đang theo học.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo