Lần nào nghe tin chúng tôi sang Mỹ, nghệ sĩ Thanh Tùng, con nuôi của nghệ sĩ cải lương Thành Được, cũng đều nhờ mua sách văn học trong nước. Tác phẩm nào mới phát hành, anh cũng nhắn tin nhờ chúng tôi tìm hộ.
Cổ xúy văn hóa đọc
Sự đam mê văn học trong nước của cộng đồng người Việt trên đất Mỹ dường như được cổ xúy từ khi Đoàn kịch Sống của nghệ sĩ Túy Hồng dàn dựng dòng kịch văn học. Trong nhiều sô diễn hay chương trình văn nghệ, với vai trò người dẫn chương trình (MC), nghệ sĩ Thanh Tùng đã trực tiếp truyền nguồn cảm hứng đến giới trẻ sinh ra và lớn lên tại Mỹ, giúp họ ngày càng yêu thích văn học nước nhà.
“Tôi đọc ngấu nghiến những tác phẩm văn học để có thể trình bày lưu loát, am tường về chiều sâu tư duy qua các trang sách quý. Nhiều bạn trẻ sinh ra và lớn lên ở Mỹ, được gia đình cho học tiếng Việt đã tìm đến tôi để mượn sách. Họ cùng đọc, cùng trao đổi và qua những vở kịch tại hải ngoại, họ thêm yêu văn học Việt Nam, học tiếng Việt nhanh hơn” - nghệ sĩ Thanh Tùng nhận xét.
Vì thế, khi Sân khấu Kịch IDECAF đưa “Hợp đồng mãnh thú” của tác giả Lê Hoàng sang Mỹ lưu diễn 2 đợt, MC Thanh Tùng đều xuất hiện để diễn giải trong phần đầu vở diễn, mang lại nguồn cảm hứng yêu thích văn học Việt cho người xem. Tháng 8 năm nay, khi IDECAF tiếp tục đưa “Dạ cổ hoài lang” sang Mỹ lưu diễn 8 suất, Thanh Tùng lại đồng hành cùng các nghệ sĩ Thành Lộc, Hữu Châu, Vũ Minh, Lương Thế Thành… để đưa kịch mang chất văn học đến với khán giả kiều bào.
Tính đến nay, dòng kịch văn học tại Mỹ do các nghệ sĩ kiều bào dàn dựng đã tạo dấu ấn qua nhiều vở diễn: “Giông tố”, “Đoạt tuyệt”, “Con nhà giàu”, “Con nhà nghèo”, “Cuối đời thương nhớ”, “Lời thề định mệnh”, “Bóng giai nhân”… từ tác phẩm của những nhà văn tên tuổi như Hồ Biểu Chánh, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nhất Linh, Khái Hưng… Từ dòng kịch này, các bạn trẻ tại Mỹ đã săn tìm những tác phẩm văn học rồi chuyền tay nhau đọc. Nhiều người còn bỏ công lên internet tìm đọc rồi in ra giấy, đóng thành cuốn để tặng nhau.
“Họ dùng sách văn học làm quà tặng trong những dịp như sinh nhật, ngày của mẹ, ngày của cha, lễ tạ ơn… Chúng tôi rất xúc động khi biết được điều đó” - nghệ sĩ Tú Trinh bày tỏ. Chị cũng đã tham gia một số vở diễn được dàn dựng dựa theo các tác phẩm văn học trên đất Mỹ.
Theo danh hài Bảo Quốc, nhiều tác phẩm văn học nói về nhân nghĩa ở đời, về văn hóa vùng miền của người Việt nên rất dễ thấm sâu vào lòng kiều bào. “Văn hóa đọc giúp các bạn trẻ hiểu thêm về tiếng Việt, yêu thêm văn hóa Việt, tức là góp phần gìn giữ cội nguồn dân tộc” - nghệ sĩ Bảo Quốc kỳ vọng.
“Lôi” người trẻ tìm về cội nguồn
Tại quận Cam, miền Nam California - Mỹ, chúng tôi ghé thăm nghệ sĩ Túy Thanh. Sống một mình nên ngôi nhà nhỏ của bà trở thành “điểm hẹn thân thương” của nghệ sĩ từ Việt Nam sang. Vốn là diễn viên kịch có thâm niên hơn 40 năm trên sàn diễn, nghệ sĩ Túy Thanh gắn bó với Đoàn kịch Sống nhiều năm nay. Bà là cánh tay mặt của nghệ sĩ Túy Hồng, góp phần lo những công việc âm thầm sau cánh màn nhung.
Không chỉ diễn kịch, nghệ sĩ Túy Thanh còn đóng phim. Ở Mỹ, bà là người động viên nghệ sĩ trẻ đến với kịch văn học và giúp họ có thêm động lực để sáng tác. Trong số các diễn viên trẻ say mê kịch văn học, không thể không nhắc đến Hoàng Hiệp. Anh rất thân với nghệ sĩ Túy Thanh, đã cùng với bà và nghệ sĩ Tú Trinh, Thanh Nhã gắn kết niềm đam mê sáng tác.
“Diễn viên này không xa lạ với khán giả trong nước, vốn xuất thân từ sân khấu học đường - Nhà hát Thế Giới Trẻ. Hoàng Hiệp cùng với Bùi Quốc Bảo có bút danh chung là Nguyễn Quốc, sáng tác nhiều kịch bản hay cho các sân khấu IDECAF, Kịch Phú Nhuận, Kịch Sài Gòn… Từ khi theo gia đình sang Mỹ định cư, Hoàng Hiệp chuyên tâm theo học đạo diễn tại California. Hiện nay, cậu ta là cây bút trẻ sung sức trong sáng tác kịch và đạo diễn kịch văn học” - nghệ sĩ Túy Thanh nhận xét.
Hoàng Hiệp đã sáng tác kịch bản “Con nhà nghèo”, “Con nhà giàu” dựa theo tác phẩm văn học của Hồ Biểu Chánh. Hai vở kịch này thu hút đông đảo khán giả kiều bào. Anh thổ lộ: “Tôi yêu văn học nên có nhiều cảm xúc trong việc chuyển thể. Hơn nữa, cứ nghĩ đến việc các bạn trẻ người Việt không biết gì về văn học dân tộc trong khi lại rành văn học nước ngoài, tôi ức lắm. Để “lôi” họ đến với văn học, đến với cội nguồn thì phải làm kịch cho thật hay, thật hấp dẫn. Ban đầu, họ đưa ông bà, cha mẹ đến điểm diễn nhưng không mua vé vào xem. Sau đó, khi nghe các bạn trẻ bàn tán với nhau trên các diễn đàn xã hội, thế là họ mua vé cùng xem”.
Hoàng Hiệp và Thanh Nhã là 2 người bạn thân. Người viết kịch, người chơi đàn dương cầm nên cả hai khá hợp nhau trong việc gầy dựng dòng kịch văn học. Thanh Nhã từng đóng vai chính, tạo được nhiều thiện cảm với khán giả kiều bào. Cùng với nhiều bạn trẻ khác, họ đang lên dự án xây dựng một nhóm kịch văn học, biểu diễn ở các tiểu bang có đông người Việt sinh sống.
Những mẩu chuyện cảm động về việc nâng niu niềm đam mê nghề nghiệp, nỗ lực giữ cho được sự chỉn chu trong cách làm nghệ thuật trên đất Mỹ ngày càng nhiều thêm trong chuyến đi của chúng tôi. Rất nhiều nghệ sĩ tuy sống xa cách quê nhà nhưng không hề lơi lỏng trách nhiệm giữ gìn vốn quý của cha ông. Qua từng sô diễn, nghệ sĩ hải ngoại đã thể hiện điều đó.
Bồi đắp sáng tạo nghệ thuật
Đưa chúng tôi tham quan một vòng các cụm rạp tại Las Vegas, tiểu bang Nevada - Mỹ, nghệ sĩ Thanh Tùng cho biết: “Các đồng nghiệp của chúng tôi từ Việt Nam sang đều tìm đến đây để xem sô nghệ thuật. Chúng tôi học hỏi từ các sô diễn này nhiều điều hay, bồi đắp cho sáng tạo nghệ thuật”.
Rất nhiều sô diễn trứ danh thế giới được tổ chức hằng đêm tại thủ phủ giải trí này, thu hút hàng triệu du khách khắp nơi đổ về. “Vì sao nghệ thuật giải trí của Mỹ lại cuốn hút du khách? Đó là nhờ chất văn học trong mỗi kịch bản được khái quát khiến người xem ngây ngất. Tính nhân bản trong mỗi thông điệp đã chạm đến trái tim số đông, vỡ òa cảm xúc” - nghệ sĩ Thanh Tùng lý giải.
Bình luận (0)