Theo tài liệu công bố của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch , Ví, dặm là hai lối hát dân ca không nhạc đệm được cộng đồng người Nghệ Tĩnh sáng tạo ra từ hàng trăm năm nay, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Nghệ Tĩnh và là phương tiện nghệ thuật để biểu đạt tư tưởng, tình cảm, tăng cường giao lưu, gắn kết cộng đồng. Ví, dặm được thực hành trong lao động và đời sống thường nhật như lúc ru con, khi làm ruộng, chèo thuyền, lúc dệt vải, xay lúa. Vì vậy, các lối hát cũng được gọi tên theo các hoạt động như Ví phường vải, Ví đò đưa, Ví phường nón, Dặm ru, Dặm kể, Dặm khuyên...
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết tại cuộc họp ở Paris, các thành viên của Ủy ban đều nhất trí đánh giá cao nội dung và giá trị tinh thần của dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh và đề nghị ghi danh dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đây là sự công nhận giàu ý nghĩa nhân văn của thế giới đối với Việt Nam khi một loại hình dân ca ở các làng quê 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, gắn bó với sinh hoạt hằng ngày của người dân như làm ruộng, làm nón, chèo thuyền, kéo lưới, ru con… được UNESCO vinh danh.
Đến nay, 314 loại hình nghệ thuật đã được vinh danh trên toàn thế giới cho hạng mục này.
Bình luận (0)