Năm 1958, khi Sơn ra đời, đồng bào miền Nam đã dưới chế độ “Việt Nam cộng hòa” được 4 năm và ngọn lửa đấu tranh thống nhất đất nước đã bùng cháy.
Chỉ ít năm sau, khi Đặng Thái Sơn đủ tuổi vào học dương cầm tại Trường Âm nhạc Việt Nam thì cũng là lúc Mỹ rải chất độc da cam xuống những cánh rừng miền Nam.
Thảm họa da cam bắt đầu từ đó và vẫn còn nhói nhức cho tới tận hôm nay và chưa biết đến bao giờ khép lại. Thời gian cứ lặng trôi ngày tháng - Sơn càng trưởng thành thì chất độc da cam càng ngấm sâu sự tàn phá ở các thế hệ Việt Nam.
Từ những bước đi ấu thơ đến những bước chân niên thiếu trên đường làng Xuân Phú nơi sơ tán. Chính ở đấy, khi chất độc da cam phun xuống miền Nam thì Sơn cũng đang sống trong bóng tối của những căn hầm chiến tranh. Những giai điêu F. Chopin mà mẹ Thái Thị Liên tấu lên trong giá lạnh, đã thắp sáng, dẫn dắt Sơn tới cuộc thi F. Chopin lần thứ 10 mà Sơn đoạt giải nhất.
Nhưng cũng chính những năm tháng mà Sơn trưởng thành ở Việt Nam rồi ở Nhạc viện Tchaikovsky dưới sự hướng dẫn của thầy Natanson lại cũng là những năm tháng chất độc da cam ngấm vào những người lính.
Và những di chứng từ đó còn là nỗi đau đất nước hôm nay. Có lẽ thế nên việc đầu năm nay, khi đã bước vào tuổi “Ngũ thập tri thiên mệnh”, Sơn như được “ông giời” xui khiến đã tự nguyện tham gia vào chương trình hòa nhạc từ thiện này.
Sơn đã chơi hết mình cùng Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam trong concerto số 1 cung mi thứ của F. Chopin sáng tác năm 1830 – concerto mà Sơn đã từng chơi tại Ba Lan mùa thu 1980 để đạt giải nhất cuộc thi mang tên ông.
Dường như trong thẳm sâu của tình yêu Tổ quốc, Sơn vẫn thiết tha làm một điều gì đó khiến cho dân tộc dịu bớt nỗi đau chiến tranh. Ý nghĩ đó ở Sơn cũng có thể rất đồng điệu với nhạc trưởng Tetsuji Honna người Nhật, cũng đã từng đau lòng bởi thảm họa bom nguyên tử Hirosima.
Từ đồng điệu thành đồng cảm, hai nghệ sĩ đã cùng dàn nhạc và tất cả những người tổ chức chương trình hòa nhạc từ thiện đã làm ra hai đêm trình diễn tuyệt vời tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Bình luận (0)