Nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Viện Trao đổi Văn hóa với Pháp và đón nhận Huân chương Lao động hạng III do Chủ tịch nước trao tặng, ngày 19-11, Viện Trao đổi Văn hóa với Pháp (IDECAF – số 31 Thái Văn Lung, quận 1 - TPHCM) sẽ khai mạc phòng triển lãm ảnh “Cái nhìn về thế giới: Sài Gòn 1882”, bao gồm 16 bức ảnh quý do ông Charles le Myre de Vilers, thống đốc dân sự đầu tiên của xứ Nam Kỳ, thực hiện. Đây là bộ ảnh đã ngủ yên 120 năm trong kho lưu trữ của Bộ Ngoại giao Pháp.
Ông Charles le Myre de Vilers đến Sài Gòn vào tháng 7-1879 với những chỉ thị rõ ràng: Gia tăng số lượng các tòa nhà công sở, thực hiện các công trình xây dựng cần thiết cho các vùng đất thuộc địa, phát triển hoạt động kinh tế. Trong nhiệm kỳ 4 năm, ông đã xây dựng Sài Gòn thành một thành phố đẹp nhất Đông Dương lúc bấy giờ. Bản đồ đô thị của TP Sài Gòn được hình thành. Song song đó, việc các thương nhân nhảy vào đầu tư địa ốc đã góp phần phát triển nhanh khu đô thị của Sài Gòn. Giá đất thời đó tăng lên đáng kể, làm lợi cho những tay đầu cơ. Chính vì có quan điểm phóng khoáng nên chính sách phát triển đô thị của ông Charles le Myre de Vilers đã làm phát sinh nhiều ý kiến chống đối. Hội đồng thuộc địa thời đó đã trở nên thù nghịch với ông. Năm 1883, Charles le Myre de Vilers bị thuyên chuyển đi nơi khác, ông rời Sài Gòn mang theo tập ảnh quý giá này để làm bằng chứng cho những hoạt động tích cực của mình. Trong đó, chứng minh Sài Gòn đã vượt qua những thăng trầm của việc thuộc địa hóa, bản đồ đô thị và những kiến trúc Sài Gòn đã được đặt trên nền tảng của một kinh nghiệm tập thể. Ở đó, kiến trúc của TP được sáng tạo bằng sự hòa trộn giữa nhà ở truyền thống Việt Nam và nét kiến trúc châu Âu.
Đến phòng triển lãm ảnh, bạn sẽ nhìn lại một Vương cung Thánh đường (Nhà thờ Đức Bà) được khởi công xây dựng ngày 11-4-1877 với tổng kinh phí 2,5 triệu franc Pháp, kinh phí chiếm 1/10 ngân sách của xứ thuộc địa thời đó. Nhà thờ được xây dựng bằng gạch chở từ Marseille đến, gạch không bị phai màu, rong và bụi không bám được. Trước cửa nhà thờ có tượng Nữ vương Hoàn cầu bằng cẩm thạch được đặt làm tại Ý năm 1958 cao 4,2 m. Năm 1962, nhà thờ được Tòa thánh Roma nâng lên hàng Vương cung Thánh đường. Rồi hình ảnh về cảng Sài Gòn với những căn hộ trên đường Charner, cảnh ụ tàu nổi của xưởng tàu Sài Gòn 1881, cảnh con kênh đào lớn nhìn từ đường Charner (hữu ngạn – nay là đường Nguyễn Huệ) năm 1882, dinh Thống đốc (hiện là dinh Thống Nhất), cầu tàu của hãng tàu thủy Sài Gòn 1882, CLB Sĩ quan (nay là số 47 Lê Duẩn)...
Triển lãm sẽ giúp các bạn khám phá lại hình ảnh về Sài Gòn xưa đầy thú vị khi có kèm theo ảnh ngày nay về những di tích mà ông Charles le Myre de Vilers đã thực hiện qua bộ ảnh có một không hai này. Triển lãm do Tổng Lãnh sự quán Pháp tại TPHCM phối hợp với IDECAF và Công ty Air France tổ chức từ 19 đến 30-11.
Bình luận (0)