Bốn năm miệt mài chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư và gần một năm lăn lộn trên sàn tập, đạo diễn kiêm tác giả kịch bản Minh Nguyệt đã có thêm một đứa con tinh thần, vở kịch Cánh đồng bất tận, vừa ra mắt khán giả và đang gây sốt vé tại sàn diễn Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM.
Đạo diễn-NSƯT Trần Minh Ngọc
Cô giáo dạy văn học làm đạo diễn
Trước khi trở thành đạo diễn, cô gái xứ Phù Cát, Bình Định - thành viên thứ chín trong gia đình đông anh em - đã chọn ngành sư phạm để theo học. Minh Nguyệt cho biết ngay từ nhỏ đã thích văn học. Tình yêu văn học và thơ ca thấm đẫm trong chị, mang lại cho chị nhiều cảm xúc và cái nhìn nhân hậu. Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đồng Nai, chị dạy văn tại trường PTCS Phú Hữu, bên kia bến phà Cát Lái. Học trò của chị nghèo như hình ảnh của Nương và Điền trong tác phẩm Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư. Mỗi sáng, các em đi chân đất đến lớp, trưa về mò cua, bắt ốc. Tiêu chuẩn gạo hằng tháng của chị đều tặng hết cho các học sinh nghèo. Có lần chị ứa nước mắt khi bắt gặp học trò, quần áo lấm lem bùn đất, mang một xâu những con tôm bé xíu đến lớp tặng cô. Hai năm dạy học là hai năm đầy thử thách đối với một tiểu thư con nhà giàu, chịu lăn xả vào cuộc sống để biết thế nào là hai chữ tự lập. Chị nói: “Tôi đã thừa hưởng dòng máu đam mê văn học nghệ thuật từ cha và lòng nhân ái của mẹ. Hai cụ đã cho tôi trái tim nhân hậu, biết chia sẻ, cảm thông với những mất mát, đau khổ của người khác. Sống để gieo mầm yêu thương”.
Kể về duyên cớ cô giáo dạy văn đi học làm đạo diễn, chị cho đó là định mệnh. Đó là lần chị vào Trường Nghệ thuật Sân khấu II (nay là Trường Cao đẳng Nghệ thuật Sân khấu-Điện ảnh TPHCM) để rút đơn dự thi cho người anh ruột. “Vì anh ấy bỏ thi - chị kể - sợ lạc mất giấy tờ nên nhờ tôi đi rút lại toàn bộ hồ sơ. Vừa dắt xe vào trường, tôi gặp ngay anh Huy Thống, anh ấy nhìn tôi trầm trồ, em lên thi đi, em thi là đậu ngay lớp diễn viên vì em rất đẹp. Tôi nói không thích nghề diễn viên, anh liền bảo vậy em thi đạo diễn đi. Tôi tò mò nên bước lên phòng thi. Hình ảnh đó giờ vẫn đọng lại trong tôi như mới ngày hôm qua. Buổi tiễn tôi rời trường, học trò đứa nào cũng khóc. Còn tôi thì khóc sưng cả mắt. Hai năm đứng trên bục giảng đã cho tôi niềm tự hào về một thời tuổi trẻ”.
Chậm mà chắc
Năm 1985, Minh Nguyệt tốt nghiệp khóa 5 lớp đạo diễn, chị về công tác tại Trung tâm Văn hóa quận 5 - TPHCM, gầy dựng phong trào sân khấu quần chúng tại một địa bàn mà người Hoa chiếm đa số. Miệt mài, nhiệt tâm, chị đã góp phần khởi động một phong trào kịch trẻ dành cho thanh thiếu niên tại địa phương này. Hai năm sau, vở kịch tốt nghiệp của chị Tôi chờ ông đạo diễn được Đoàn Kịch Trẻ TPHCM tái dựng. Chị hồ hởi, vui mừng, vì để làm nghề một cách chuyên nghiệp, được đồng nghiệp công nhận, khán giả biết đến, đối với một đạo diễn trẻ là cực kỳ khó nhọc. Nhắc đến Minh Nguyệt, bạn bè cùng khóa cho rằng: “Bà Nguyệt kỹ tính lắm, làm vở thì vài năm là chuyện thường, nhưng vở nào cũng hay”. Còn chị thì cười xuề xòa: “Thà chậm mà chắc”.
Năm 1998, chị dàn dựng thành công vở Tiếng chim vườn Ngọc Lan và mãi đến năm 2008 chị mới thực hiện vở Cánh đồng bất tận. Ưu thế của đạo diễn Minh Nguyệt là chị tự viết kịch bản bằng những cảm xúc chân thật xuất phát từ một ý tưởng hoặc một câu chuyện trong một tác phẩm văn học mà chị đã được đọc. Chị đã viết xong các kịch bản: Đêm của tượng, Bút máu, Trái tim kiêu hãnh... và đang ấp ủ nhiều đề tài mới từ các tác phẩm văn học.
Nhân ái, chí tình hơn Đây là vở kịch tả ý nên rất khó dựng, do vậy khi chuyển thành kịch nếu chông chênh về mặt cảm nhận, thiếu sự phán đoán sâu sắc, thì cứ như người đi trên dây dễ rơi. Nhân vật người vợ, trong tác phẩm văn học, sau khi lỡ bước, bỏ rơi Út Vũ và các con, đã được Nguyễn Ngọc Tư cho đi luôn. Còn Minh Nguyệt thì cho người vợ trở về trong sự khao khát của người chồng, của hai con. Minh Nguyệt đã rất khéo khi cho người vợ và cô gái điếm gặp nhau trong tâm tưởng. Họ đã ôm nhau và khóc: “Cái nghèo đã làm cho tôi và chị không đủ tỉnh táo để làm người lương thiện”. Nếu nhân vật Nương trong văn học là một cô gái yếu đuối, luôn tựa vào cậu em trai, thì Nương của Minh Nguyệt mạnh mẽ, giỏi võ; ngược lại Điền lại mong manh, tâm hồn luôn thương nhớ mẹ. Tôi cho rằng cách hư cấu của Minh Nguyệt là một sáng tạo mới làm cho Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư trên sàn diễn nhân ái, chí tình hơn. Cuộc sống vẫn tiếp diễn, đau khổ rồi sẽ qua. Nương trong kịch là sự báo ứng cách sống vô trách nhiệm của người cha, nhưng Nương của Minh Nguyệt khác với văn học khi đủ sức chống trả bọn cướp. Và Minh Nguyệt không muốn giữ mãi khái niệm “cha làm con trả”, mà ai làm nấy trả. Út Vũ đã trả cái giá vì chết trong cô độc. Âm nhạc và ánh sáng, cộng với hình ảnh đã tạo cho vở kịch có một sức sống mới, cuốn hút người xem, hứa hẹn tạo nhiều tranh luận trong đời sống sân khấu. |
Bình luận (0)