Đó là lời khen tặng của ông Jean Pierre Garcia, Chủ tịch Liên hoan phim Quốc tế Amiens lần thứ 17 (Pháp) năm 1997, dành cho đạo diễn (ĐD)- Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Khương Mễ khi ông có mặt tại liên hoan này với tư cách khách mời đặc biệt. Hai anh em Lumière là người khai sinh ra điện ảnh thế giới với buổi chiếu phim đầu tiên năm 1895 tại Paris. Đúng nửa thế kỷ sau, tại Đồng Tháp Mười, Khương Mễ cùng các bạn bè đã tạo ra một nền điện ảnh chỉ bằng thủ công, xây dựng những viên gạch đầu tiên cho nền điện ảnh dân tộc. Trong liên hoan này, ông đã mang theo triển lãm 25 bức ảnh đen trắng, 6 mô hình thiết bị phục chế, chiếc máy quay Paillard Bolex 16 ly cũ kỹ, cái bàn dán, kính lúp và hàng chục di vật cùng quyển sách Pháp ngữ vàng úa xuất bản năm 1947, và đã chiếu giới thiệu những bộ phim mộc mạc như Trận La Ban, Trà Vinh - cầu Kè... Ông đã được liên hoan phim tuyên dương, được tặng huy chương Licorne D’ Or (Kỳ lân vàng).
Trong dịp này, ĐD Samuel Aubin đã tỏ ra hết sức ngưỡng mộ Khương Mễ và năm 1999, ông sang Việt Nam lần đầu để đi thực tế, chuẩn bị cho năm 2001 đưa một đoàn phim bốn người sang thực hiện bộ phim tài liệu về ĐD - NSƯT Khương Mễ với nhan đề La chambre noire de Khương Mễ (Phòng tối của Khương Mễ) dài 63 phút.
Trong không khí kỷ niệm 50 năm ngày điện ảnh cách mạng Việt Nam ra đời, ĐD - NSƯT Khương Mễ vừa cho ra mắt cuốn hồi ký Đời tôi và điện ảnh (NXB TPHCM). Sách gồm có 9 chương, được viết bằng một giọng kể mộc mạc chân chất những diễn biến cuộc đời ông theo trình tự thời gian, Vạch xuất phát, Vận hội mới như cởi tấm lòng, Hãy điều hòa nhiệt độ giữa Đồng Tháp, Về phân khu miền Tây, Tập kết ra Bắc...
ĐD - NSƯT Khương Mễ sinh năm 1916, tại huyện Tân Châu, Châu Đốc, lớn lên tại Bà Rịa - Vũng Tàu và tham gia kháng chiến năm 1947 tại Đồng Tháp Mười. Ông có khiếu về các môn khéo tay từ nhỏ nên sau này tự mày mò ráp được máy in tráng phim trong hoàn cảnh “điện ảnh không điện” ở chiến khu.
Năm 1939, ông đã từng có mặt trong nhóm “Việt Nam phim” của Antoine Giàu, một người VN ôm mộng làm phim VN. Nhóm làm được ba phim: Một chiều trên sông Cửu Long, Thầy pháp râu đỏ và Đèo Ngang tức cảnh, trong đó ông có mặt với tư cách diễn viên trong phim Một chiều trên sông Cửu Long (vai Phú Đức).
Sau khi cùng Mai Lộc, Nguyễn Đảnh, Nguyễn Hiền,... hoạt động trong Tổ Điện ảnh khu 8 với một số phim tài liệu (câm) được xem như đặt viên gạch đầu tiên cho nền điện ảnh cách mạng VN, Khương Mễ tập kết ra Bắc, tham gia quay nhiều phim như: Vợ chồng A Phủ, Khói trắng, Hai người lính, Lửa rừng... Năm 1976, về miền Nam, ông đạo diễn phim truyện Cô Nhíp, Em bé đánh giày, Chiều sâu lòng đất.
Trong suốt những năm sau ngày đất nước thống nhất, NSƯT Khương Mễ luôn tham gia tích cực trong các hoạt động điện ảnh như làm diễn viên, nhưng hầu hết là với vai trò quay phim. Chỉ đến khi vào tuổi 86, “tay cầm máy đã run, việc đi lại bằng xe Honda trên các nẻo đường tràn ngập xe cộ khiến tôi sợ hãi...”, ông mới rời máy và cầm bút viết hồi ký.
Quả như ông tự nhận: “Tôi vốn là người năng nổ, không chịu ngồi không ngày nào!” nên bây giờ dù tuổi đã cao, không còn cầm máy, ông vẫn luôn có mặt trong các sinh hoạt của ngành điện ảnh. Ông vừa cùng 10 thành viên khác của đoàn TPHCM được mời ra Hà Nội tham dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày điện ảnh cách mạng VN ra đời, vào sáng 14-3-2003 tại Cung Văn hóa Hữu nghị.
Gặp ông, vẫn giọng nói nhỏ nhẹ, khiêm tốn, nhưng sự trăn trở với bước đi của nền điện ảnh nước nhà trong ông vẫn nồng nhiệt và như luôn muốn truyền tới người đối diện. Với điện ảnh nước nhà, ông vừa là người trong cuộc vừa là chứng nhân của bao thăng trầm khiến ông “nghỉ hưu mà tâm trí không hưu” như lời ngỏ ở trang cuối tập hồi ký.
Bình luận (0)