Sau thành công của “Yêu” (đoạt Giải Mai Vàng 2015 Bộ phim được yêu thích nhất), đạo diễn Việt Max chuẩn bị cho ra mắt tác phẩm thứ hai có tên “Sút”. Bộ đôi đạo diễn Bảo Nhân và Nam Cito cũng chuẩn bị ra mắt “ đứa con tinh thần” thứ hai có tên “Chạy đi rồi tính” sau tác phẩm đầu tay “Gái già lắm chiêu”. Các đạo diễn này có điểm chung là chưa từng học trường lớp điện ảnh chuyên nghiệp nhưng bằng sự tìm tòi và nỗ lực, họ tạo được những tác phẩm ấn tượng.
Không gò bó theo khuôn khổ
Khi phim điện ảnh phát triển nhanh, một loạt nhân tố mới muốn thử sức với lĩnh vực này xuất hiện. Ngoài những người làm nghề lâu nay, làng phim Việt chào đón nhiều đạo diễn “tay ngang” xuất thân từ diễn viên, biên đạo múa, bác sĩ, nhạc sĩ...
Dù nói là “tay ngang”, chưa học qua trường lớp nhưng họ đều từng làm các công việc liên quan trước khi bắt đầu thực hiện tác phẩm điện ảnh. Họ tạo dấu ấn riêng ngay từ phim đầu tay như Việt Max với “Yêu”, Bảo Nhân và Nam Cito với “Gái già lắm chiêu”, Lý Hải với “Lật mặt”, Quang Huy với “Thần tượng”...
Việt Max vốn là biên đạo múa hip hop. Chuyển từ một lĩnh vực khác sang đạo diễn phim là không đơn giản, nhiều khó khăn và cả sự mạo hiểm nhưng với Việt Max, tất cả gói gọn trong chữ duyên.
Việt Max cho biết cái duyên này xuất phát từ niềm say mê hip hop. Năm 2003, anh theo đuổi thú vui quay phim để lưu giữ lại khoảnh khắc cùng bạn bè, những cuộc thi đấu, tập luyện... Vì thế, anh nghiên cứu cách quay phim, làm video clip và dần tìm hiểu sâu hơn loại hình nghệ thuật này. Năm 2008, anh bắt tay làm những sản phẩm video ca nhạc, phim ngắn... rồi được nhà sản xuất phim Early Risers biết đến, mời tham gia làm phim điện ảnh.
Đạo diễn Việt Max chỉ đạo thực hiện phim “Sút”. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
“Nhiều người nghĩ tôi sẽ làm một phim gần với sở trường. Vì thế, ai cũng bất ngờ khi biết tôi chọn phim đề tài tình cảm, đặc biệt là chủ đề đồng tính nữ vốn ít được khai thác trong điện ảnh Việt” - Việt Max nhớ lại. Với anh, khó khăn khi làm phim đầu tay là rất nhiều. Anh đã trải qua nhiều cảm giác, từ lo sợ, hồi hộp, căng thẳng đến hứng khởi và tự tin sẽ làm được. Mọi cảm xúc trộn lẫn vào nhau cho đến tận ngày bấm máy.
“Tôi chưa từng học trường lớp chính thống về điện ảnh. Tất cả là do tôi tự mày mò, trải nghiệm từ những công việc liên quan. Không học trường lớp nên tôi không bị gò bó trong khuôn khổ nào. Với quy tắc sống là luôn luôn học hỏi, tôi học nghề đạo diễn bằng cách riêng của mình” - Việt Max bày tỏ.
Đạo diễn Bảo Nhân - vốn là bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ, hợp tác với Nam Cito làm phim “Gái già lắm chiêu” - nhìn nhận: “Không được đào tạo trường lớp cũng là lợi thế vì tác phẩm sẽ mang màu sắc rất riêng, không bị gò bó trong khuôn khổ nhất định. Tất nhiên, khó khăn là rất nhiều, trong đó khó khăn về chuyên môn là lớn nhất mà những người làm phim tay ngang phải đối mặt. Sau “Gái già lắm chiêu”, tôi học được nhiều hơn về môi trường làm phim, cách vận hành của một phim từ kinh phí sản xuất đến khâu phát hành”.
Theo Bảo Nhân, anh làm phim đầu tay với tư tưởng “điếc không sợ súng”. Anh vô tư và không bị áp lực vì không đặt mục tiêu phải thành công ngay từ tác phẩm đầu tay.
Dám nghĩ, dám làm
Làm đạo diễn điện ảnh vốn không dễ dàng, “tay ngang” lại càng khó khăn gấp bội vì phải tự học rất nhiều và tự lo mọi thứ. Bảo Nhân cho biết anh tìm một ê-kíp giỏi chuyên môn và ăn ý trong dự án phim đầu tay cùng Nam Cito. Mọi thứ đều phải học nhưng anh chỉ tự đọc sách, xem phim, quan sát. Là bác sĩ thẩm mỹ, anh nhận thấy chuyên môn mình được đào tạo và đam mê đạo diễn có điểm giống nhau là đều đòi hỏi sự thận trọng cao độ, đề cao yếu tố duy mỹ.
“Tôi xác định mỗi phim đều có một câu chuyện khác nhau nên cứ một phim là một hành trình, không áp lực và chỉ biết cố gắng. Sau khi làm phim thứ hai có tên “Chạy đi rồi tính”, tôi nhận thấy dù làm 10 hay 100 phim thì phim nào cũng là đầu tay, vẫn phải học lại từ đầu và đối diện vô số điều mới mẻ” - Bảo Nhân thổ lộ.
Với Việt Max, áp lực lớn nhất của công việc đạo diễn là tìm ra chìa khóa để thể hiện câu chuyện sao cho hấp dẫn. Chưa kể, phải làm thế nào để thỏa mãn nhu cầu thưởng thức của khán giả, phải tìm cách giải bài toán tiết kiệm chi phí mà vẫn cho ra một bộ phim chất lượng. Mỗi tình huống gặp phải trong quá trình làm phim đều là bài học bổ ích. “Đối với tôi, đánh giá năng lực của một đạo diễn không nên qua bằng cấp mà phải qua nhiều tác phẩm của anh ta” - anh nhìn nhận.
Việt Max cho biết thành công từ “Yêu” cũng tạo áp lực không nhỏ cho phim thứ hai của anh là “Sút”. Lo ngại là có nhưng anh không sợ đối mặt thử thách vì nếu không dám nghĩ, dám làm, chắc chắn không bao giờ đạt được thành công.
Tài năng bẩm sinh là yếu tố cơ bản
Đạo diễn Quang Huy vốn là nhạc sĩ nhưng thành công ngay với phim đầu tay “Thần tượng” - đoạt giải Cánh diều vàng do Hội Điện ảnh Việt Nam trao tặng cho Phim điện ảnh xuất sắc nhất, còn anh nhận giải Đạo diễn xuất sắc nhất. Quan tâm đến điện ảnh hơn 10 năm trước đó nhưng Quang Huy vẫn từ từ tìm hiểu, thực nghiệm..., đến khi cảm nhận đã sẵn sàng mới bắt tay sản xuất “Thần tượng”. Tất nhiên, tài năng bẩm sinh là yếu tố không thể thiếu, thậm chí cơ bản, giúp những đạo diễn tay ngang như anh thành công.
Đạo diễn Trần Toàn cho biết không chỉ điện ảnh Việt, điện ảnh thế giới cũng tồn tại song song lực lượng đạo diễn được đào tạo bài bản và những người đam mê làm nghề tay ngang nhưng tài năng. Họ không học qua trường lớp, sách vở mà tự học và tiếp thu kiến thức chuyên môn theo cách của riêng mình; triển khai câu chuyện phim theo ý tưởng cá nhân. Nhiều người trong số họ đã thành công, tạo nên sự đa dạng nhờ vào chất riêng. Đây cũng là điều tích cực cho thị trường phim vì giúp khán giả có nhiều sự chọn lựa hơn.
Bình luận (0)