Văn học nghệ thuật TPHCM với những ưu thế sẵn có đang có nhiều cơ hội phát triển, song còn nhiều thách thức trong tiến trình hội nhập quốc tế. Việc nhận dạng đời sống văn học nghệ thuật TPHCM hiện nay, xem xét xu hướng vận động dưới tác động của nhiều yếu tố tích cực lẫn tiêu cực trong thời kỳ hội nhập là một việc làm cần thiết, góp phần xây dựng định hướng và hình thành các giải pháp để đời sống văn học nghệ thuật TP phát triển theo đường lối, quan điểm và tư tưởng chỉ đạo của Đảng, đóng góp tích cực vào việc xây dựng và phát triển TP.
Hội thảo khoa học “Đời sống văn học nghệ thuật TPHCM thời kỳ hội nhập” do UBND TPHCM tổ chức sáng 15-10 hướng đến những vấn đề như đã nêu.
Văn hóa bị xâm lăng?
Hội thảo quy tụ hầu hết các văn nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu, lý luận phê bình, các nhà quản lý văn học nghệ thuật hàng đầu của TPHCM, nhiều nhà văn, nhà thơ trẻ.
Trong đề dẫn, GS Ca Lê Thuần, Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TPHCM, cho rằng đời sống văn học nghệ thuật TPHCM đang đối mặt nhiều thách thức: “Có thể nói, hiện nay một “làn sóng triều cường” của những cái ti tiện, thấp hèn đang tràn vào “lục địa” văn học nghệ thuật. Nó như cơn sóng thần có khả năng không chỉ xói mòn văn hóa truyền thống của chúng ta mà có thể làm tiêu tan nhiều thành tựu của đời sống văn học nghệ thuật TP".
NSND Đặng Hùng bức xúc: “Nghệ thuật múa của chúng ta đang lững thững bước đi trên con đường hội nhập. Có lúc giống Tàu, có lúc giống Tây, có lúc giống ta, có lúc chẳng giống ai”.
Nhà văn Vũ Hạnh gọi thực trạng xâm nhập văn hóa ngoại vào đời sống văn hóa nói chung, văn học nghệ thuật hiện nay nói riêng là “cuộc xâm lăng văn hóa”. Theo ông, trước tiên là sự lai căng trong sử dụng ngôn từ. Lớp trẻ toàn hát những bài hát não tình. Một xã hội đang thất tình sao?...
Bà Dương Cẩm Thúy, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM, tỏ ra bức xúc khi lớp trẻ Việt Nam chỉ ái mộ diễn viên trong phim Hàn Quốc, ăn mặc sinh hoạt theo kiểu Hàn Quốc. Phim Việt Nam cũng học theo kiểu phim Hàn...
Trước thực trạng này, các nhà lý luận phê bình văn học nghệ thuật cũng không thấy bóng dáng đâu. GS-TS Mai Quốc Liên cho rằng: “Tình hình biến chuyển nhanh, thay đổi khá sâu sắc nhưng chúng ta chưa chuẩn bị kỹ nên dẫn đến hụt hẫng, trong đó có lý luận phê bình. Bây giờ tìm được một “chiến sĩ” trong lĩnh vực lý luận phê bình văn học nghệ thuật là rất khó, thậm chí không có. Lý luận có nhiều thay đổi, thị hiếu công chúng thay đổi, chúng ta cứ giữ khư khư quan điểm lý luận phê bình cũ. Lớp trẻ bây giờ xem thường lớp già, cho rằng các ông đã lạc hậu, nói chẳng ai nghe".
Còn các nhà quản lý thì “sợ”. theo lời ông Cao Đức Trường, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, họ sợ bị liệt vào dạng bảo thủ; trở thành “kẻ đàn áp văn nghệ”. Ông đặt vấn đề: “Có phải hội nhập thế giới phẳng, toàn cầu hóa thì khai thác bản năng tự nhiên của con người mà không cần chắt lọc?”.
Tự mình phải biết bảo vệ
Ông Đào Duy Quát, Phó Ban Tuyên giáo Trung ương, đặt lại vấn đề: Có phải chúng ta đang đối mặt với cuộc xâm lăng văn hóa không? Cuộc xâm lăng này đến từ đâu? Nếu có thì phải có những giải pháp cụ thể gì để có thể tạo ra được những tác phẩm văn học nghệ thuật tốt hay góp phần bồi dưỡng tâm hồn vốn tốt đẹp của người dân Việt Nam?
Nhận diện lại cụm từ “xâm lăng văn hóa”, nhiều ý kiến cho rằng trong thời kỳ hội nhập, việc các nước đưa văn hóa đến phổ biến ở một quốc gia khác là nhằm mục đích quảng bá chứ không có mục đích xâm lăng. Chính chúng ta không biết bảo vệ nên mới dẫn đến tình trạng bị “xâm lăng”.
Bảo vệ như thế nào? Theo GS-TS Trần Văn Khê phải tìm ra phương pháp miễn dịch để có được nền văn hóa phát triển vững vàng, tiếp nhận văn hóa các nước để làm giàu cho mình chứ không phải thay thế. Phải bảo vệ văn hóa dân tộc chứ không phải bảo tồn. Vì vậy, phải có những biện pháp tốt cho hoạt động văn học nghệ thuật từ khâu lý luận phê bình, nghiên cứu, sáng tác, biểu diễn, phổ biến... và điều quan trọng nhất là phải tạo ra những thế hệ công chúng (người thưởng thức) phù hợp trước mắt và tương lai, ngay trong nhà trường.
Muốn làm được, Nhà nước phải có chiến lược đầu tư. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng nói: “Làm văn hóa là xài tiền nhưng xài sao cho không lỗ. Chủ trương đầu tư phát triển văn hóa của Đảng rất tốt nhưng chúng ta tổ chức thực hiện không tốt”. Hội thảo đi đến kết luận: đầu tư cho văn hóa là đầu tư con người, đầu tư lâu dài, kể cả chấp nhận thất bại ban đầu. Ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM, khẳng định: “Nếu đầu tư cho một người có tốn kém lên đến hàng chục, trăm ngàn USD để có được những tác phẩm hay, tốt sau này thì TP cũng phải làm".
Bình luận (0)