Trong cái nắng oi ả của một ngày thượng tuần tháng 8, theo chân nhóm nghiên cứu ba người: Trần Hải Linh, Nguyễn Minh Giảng, Vũ Thành Lâm của Trung tâm công nghệ sinh học - Đại học Quốc gia Hà Nội, chúng tôi đã tới Hồ Gươm để đo các chỉ số phân tích nước tại 4 điểm của mặt hồ. Kết quả cho thấy, phẩm chất nước hồ có phần nào khả quan hơn: chỉ số pH của hồ hiện trung tính không còn là "hồ chua” như mấy chục năm trước đây và cũng không phải hồ “kiềm” như mấy tháng đầu năm. Cũng nhờ nước mưa pha trộn nhiều, hàm lượng các loại muối nói chung thấp, giảm trên dưới 10 lần so với dịp khảo sát tháng giêng. Về thành phần sinh học, mặt nước ở ven hồ có hiện tượng nở hoa (water bloom) dày đặc. Theo mẫu ở 4 điểm nói trên cho thấy, vi khuẩn lam chiếm ưu thế tuyệt đối trong thành phần thực vật phù du, đáng quan tâm là trong đó có một số loài tảo độc như: Microrytis aeruginosa, Anabaena spiroides, Aphanizomenon flos - aquae.
Còn nhớ hơn nửa năm qua, khu di sản thiên nhiên tươi đẹp này gặp bao điều bất trắc, đặc biệt là chuyện nước hồ cạn và ô nhiễm. Các cấp chính quyền và các cơ quan hữu quan của Thủ đô đã phải tốn bao công sức, tiền của nạo vét và bổ sung nước cho hồ, cải tạo cống tràn Hàng Khay, đón và giữ nước cho hồ vào mùa mưa... UBND thành phố Hà Nội đã cho thành lập Ban Quản lý Hồ Gươm trực thuộc quận Hoàn Kiếm có trách nhiệm theo dõi mọi động thái của hồ.
Quả là Hà Nội đã có nhiều việc làm tích cực để bảo vệ Hồ Gươm. Nhưng tiếc thay, cho đến những ngày thu này, “làn thu thủy” Hồ Gươm chưa hẳn đã trong lành.
Nhớ dáng hồ xưa
Bác Đỗ Xuân Viên, 72 tuổi, là người Hà Nội gốc, đã tới 7 - 8 thế hệ của gia đình bác chuyên nghề thợ kim hoàn, ở số nhà 57 Hàng Bạc, một phố cạnh hồ Gươm, kể rằng: Hồ Gươm xưa rộng lắm, không chỉ như bây giờ.
Theo sách, vào hàng trăm năm trước, khu vực này có Tả vọng hồ và Hữu vọng hồ. Một hồ ở vị trí hiện nay, một hồ lan rộng sang tận phố Hàng Chuối bây giờ. Hồ xưa vốn là hồ sen, chiều sâu chỉ hơn một thước ta. Chung quanh hồ vắng vẻ. Giữa hồ có gò Rùa, nơi Chúa Trịnh cho xây Tả vọng Đình làm nơi hóng mát. Sau có người xin cơi nới, xây thành Tháp Rùa. Gần hồ có hai chùa Báo Ân, Báo Thiên. Pháp sang xâm lược, lấp bớt hồ, phá Chùa Báo Ân, xây nhà Bưu điện. Chùa Báo Thiên bị phá để xây Nhà thờ lớn.
Cảnh hồ xưa đẹp tự nhiên. Hai bên đường Lý Thái Tổ và Đinh Tiên Hoàng, các cây liễu, sấu, gạo, đa, me, phượng vĩ, bằng lăng... được trồng thành nhiều dải, rậm như rừng. Chưa lập đường đôi như bây giờ nhưng chung quanh hồ có giải phân cách, ở giữa trồng hoa, hai bên là lối đi hẹp... Giữa Hàng Khay và Đinh Tiên Hoàng có đài sen phun nước, nay quây thành ki ốt bán hoa. Có cầu ván từ Đinh Tiên Hoàng vào Đền Ngọc Sơn, chưa đẹp bằng cầu Thê Húc sau này mộc mạc, hữu tình. Thời Pháp thuộc, lập hai đường tàu điện: tàu Bờ Hồ đi Bưởi và tàu Bờ Hồ đi Chợ Mơ. Đoạn đường Cầu Gỗ (Góc hàm Cá Mập) là nơi tàu tránh, đi Cầu Giấy và Hà Đông. Đầu Hàng Trống, có nhà sách Khai Tứ Tiến Đức, nay là Câu lạc bộ, nơi bán vé máy bay. Nhà Thủy tạ của tư nhân, kiến trúc theo dáng con tàu, có ba tầng. Trên tầng gác cao là “đình làng”, nơi khách ngồi chơi, hóng mát, ngắm cảnh hồ. Dưới gầm là bến thuyền cho du khách bơi thuyền dạo mát. Vườn hoa Chí Linh nhiều cây cổ thụ, nay vẫn còn hai cây đa, ấn tượng tuổi thơ khó quên của bác là được cha công kênh hái búp và những dây vạn niên thanh từ cây cao buông rủ bên hồ. Góc đường Bà Triệu có cây si nhỏ cuốn quanh một cây gạo, sau cây gạo chết, si lớn nhanh như thổi. Đối diện đền Ngọc Sơn cũng có một cây gạo, bị chết cách đây dăm, ba năm...
Xung quanh Hồ Gươm xưa rất thoáng, chủ yếu là cây xanh tự nhiên, không xây kè bờ hồ, chỉ bỏ thêm ít ghế đá. Cảnh hồ đẹp tự nhiên, không mang dáng “công viên Châu Âu” như bây giờ. Mùa sấu rụng lá, khách đi qua vô tình gặp làn gió thổi, lá rụng rào rào. Du khách bất ngờ ngẩng lên, chân đuổi, tay giơ cao đón lá.. Hà Nội xưa đẹp vì mỗi phố có một loại cây. Lò Đúc có hàng cây sao, cây lim, cò đậu trắng đường. Cây xanh Bờ Hồ cũng có rất nhiều chim chóc đến đậu... Cây bên đền Ngọc Sơn cũng kín cánh cò. Cư dân quanh hồ thưa thớt. Nước vào hồ chủ yếu là qua cống thấm (mạch ngầm). Nước hồ trong xanh như nước mỏ đồng. Người dân Hà Nội đến với hồ Gươm vào đêm Giao thừa, rồi tháng giêng hai, thiện nam, tín nữ đến vãn cảnh. Mùa hè hồ là nơi hóng mát và mùa thu, hồ giữ nguyên vẻ đẹp trong lành, với những hàng liễu rủ bên bờ, nắng vàng rải trên mặt nước. Chân đền Ngọc Sơn nơi rùa đẻ, có lúc phơi mình trên gò đất. Cả vùng hồ như rừng cây thiên tạo giữa đô thành. Và đẹp nhất là nước sạch. Cách đây mươi năm, người ta còn thi lướt ván trên hồ. Dân gian có câu: "đất lành chim đậu". Nay chim cò không còn đậu bên hồ. Nước hồ bắt bị ô nhiễm.
Phế liệu, rác rưởi và cả chất hữu cơ được thải ra từ mấy quán nước, nhà bán kem thải ra. NH4 chuyển hoá qua NH3, NO2, NO3..., đẩy hàm lượng phốt pho lên cao, kiềm hoá nước hồ, thuận cho các loại tảo phát triển quá mức bình thường. Bên cạnh tảo lục, đã xuất hiện một số loại tảo lam và một vài loài tảo độc.
Tìm lại vẻ hữu tình Lục Thủy
Dạo bên bờ Hồ Gươm vào đầu thu này, trăn trở trong lòng du khách câu hỏi: Bao giờ nước hồ thực trở lại sắc xưa?
Liệu bên cạnh những giải pháp mang tính “cơ học”: nạo vét bùn, bổ cập nước, nâng cống tràn, vớt rong rêu... có thể tính nhiều hơn đến những giải pháp sinh học, tìm trở lại một hệ sinh thái hài hòa, gắn với các loài thuỷ sinh hữu ích, một cảnh trí thiên nhiên ban tặng cho hồ từ bao đời, tạo cho hồ sắc Lục Thủy hữu tình. Có lẽ nào, chống ô nhiễm cho hồ chỉ bằng hủy diệt rong rêu và các loài động vật phù du? Và liệu khi đưa nước “sạch” cho hồ, có mang theo các nguồn gen thực vật từ các vùng nước xa lạ?
Trò chuyện cùng chúng tôi, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Dương Đức Tiến - Trung tâm công nghệ sinh học, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: ở các nước phát triển, đặc biệt là ở Bắc Âu, có ngành khoa học chuyên về đầm hồ (Limnology). ở Thụy Điển, có Viện Đầm hồ học, nơi đào tạo nhiều chuyên gia quốc tế, đặt tại Stốc-khôm. Đầm hồ được coi là nguồn tài nguyên vô giá, được tôn trọng và có những quy định nghiêm ngặt trong xây dựng, bảo vệ, đem lại nhiều lợi ích cho người dân trong vùng. Bên các hồ, nước mang vẻ đẹp nguyên thủy, cây cỏ được chăm sóc và bảo vệ kỹ lưỡng, tuân theo quy luật phát triển tự nhiên. Cảnh sắc hồ hài hoà trong khung cảnh thiên nhiên, được xây dựng, gìn giữ như một bảo tàng nguồn lợi, được luật pháp bảo vệ. Người dân luôn có ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường, bảo vệ các nguồn gen chỉ có riêng ở đầm hồ xứ mình. Những đầm hồ nổi tiếng trên thế giới như: Lake Tahoe (Bắc California), Balaton (Hungari), Baican (Nga), Động Đình Hồ (Trung Hoa)... chẳng những là niềm tự hào của mỗi đất nước về thắng cảnh thu hút khách du lịch.
Hồ Gươm hiện đã được bảo vệ nhưng mỗi mùa khô lại kéo theo sự lo lắng về mực nước cạn và bị ô nhiễm khi tảo độc phân hủy. Muốn giảm tảo, liệu có thể bằng cách tạo ra hệ môi trường sinh thái tự nhiên quanh hồ và trong lòng hồ. Hồ Gươm vốn có hàng chục loài thủy sinh sống dưới làn nước trong xanh: rong đuôi chó, rong đuôi chồn, tóc tiên nước... nhưng nay chỉ còn nước, bùn và tảo. Nên chăng, có sự tô điểm mặt hồ bằng các loài thực vật có màu, tất nhiên là trong phạm vi khống chế. Và hơn thế, Hồ Gươm không chỉ là địa chỉ cần quan tâm của các cấp chính quyền, các nhà khoa học tự nhiên, những người viết sử mà nó còn cần đến các kiến trúc sư, nhà thơ, họa sĩ cũng như mọi người dân trong cả nước. Hãy cùng nhau cân nhắc, nghĩ suy tiếp tục tôn tạo vẻ đẹp tự nhiên, giữ hệ sinh thái hợp lý để Hồ Gươm mãi mãi xứng đáng là một thắng cảnh của Thủ đô.
Bình luận (0)