NSƯT Ngọc Giàu và nghệ sĩ Tâm Tâm trong vở Tấm lòng của biển
Khác biệt nhờ sáng tạo
NSƯT Minh Vương kể lại: “Năm 1964, tôi đoạt giải Khôi Nguyên vọng cổ, cuộc thi do báo giới Sài Gòn tổ chức. Sau đó, tôi về Công ty Kim Chung làm diễn viên chuyên nghiệp. Ngày đầu tiên vào rạp Đại Đồng xem các nghệ sĩ tập tuồng, nghệ sĩ Lệ Thủy đề nghị tôi tham gia diễn vai con của chị. Do tự ái, tôi từ chối. Liền sau đó, tôi bị thầy là nhạc sĩ Bảy Trạch giáo huấn. Theo ông, nghệ sĩ trẻ mới vô nghề, đã chấp nhận theo nghề hát thì vai gì cũng đóng để học hỏi kinh nghiệm”. Ngày nay, không ít trường hợp nghệ sĩ trẻ khi đoạt giải thưởng cao đã vội lắc đầu hoặc đòi hỏi phải sửa lại kịch bản, viết thêm bài ca mới nhận vai.
NSƯT Lệ Thủy và NS Kiều Phượng Loan trong vở Hoa Mộc Lan
Bên cạnh việc cố gắng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, nghệ sĩ trẻ còn cần đầu tư sáng tạo để tìm kiếm nét riêng cho bản thân. Bởi chỉ có nét riêng tạo sự khác biệt mới giúp giọng ca của họ đi vào lòng khán giả.
Những suất diễn của Sân khấu Vàng sau này, nơi 2 nghệ sĩ Minh Vương - Lệ Thủy tập hợp hầu hết danh ca cùng thời, dù biểu diễn trích đoạn cũ vẫn đông người xem. Và không ít khán giả đã thốt lên rằng: “Vào nghe ca cũng đáng đồng tiền bát gạo. Trên thực tế, không một danh ca nào bị lẫn vào nhau. Chỉ cần nghe một câu nói lối đã nhận biết đó là chất giọng của nghệ sĩ nào.
NSƯT Bạch Tuyết từng nói: “Tôi chưa phải là một danh ca nhưng tôi vẫn thích nghiên cứu cách ca rất riêng của mình. Chính tôi thẩm định lại hiệu quả của câu vọng cổ mình thể hiện, rồi qua nhận xét của những người đi trước, tôi biết mình cần phát huy điểm nào và loại bỏ những hạn chế nào”. Còn với NSƯT Lệ Thủy thì “Xem trọng phong cách riêng là cách để giữ được ưu thế của mình. Tôi được nhận xét có làn hơi kim pha thổ, chính vì thế vai tuồng nào, bài ca nào cần sự mộc mạc, dung dị là đúng chất giọng của tôi”.
Soạn giả Hoàng Song Việt, người 10 năm qua vẫn duy trì hoạt động biểu diễn cho 40 diễn viên trẻ đã từng đoạt HCV các cuộc thi tuyển chọn diễn viên, từ giải Trần Hữu Trang cho đến Chuông vàng, Bông lúa vàng, nói: “Bây giờ diễn mỗi suất phải thanh toán tiền rạp 10 triệu đồng. Dù bán 10 vé chúng tôi vẫn mở màn. Nhóm Thắp sáng niềm tin đã bền bỉ làm sáng đèn hàng suất hát trong sự hy vọng, chưa bao giờ nản lòng. Chúng tôi cần sự hỗ trợ để làm tốt hơn những chuẩn mực của nghề. Nhưng rồi sẽ về đâu nếu cứ tiếp tục thắp sáng niềm tin theo kiểu tự bơi như hiện nay?”.
Sắp tới, Hội Sân khấu TPHCM sẽ tổ chức mùa giải Trần Hữu Trang 2011, công việc chọn lựa những tài năng trẻ cho sân khấu chuyên nghiệp đã được khởi động. Không giấu được niềm vui, tác giả Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, nói: “Năm nay, Đài Truyền hình TPHCM sẽ vào cuộc với chúng tôi, hứa hẹn tạo được hiệu quả khi cuộc thi được tổ chức sơ tuyển tại nhiều địa phương và vòng bán kết, chung kết sẽ được HTV truyền hình trực tiếp. Hướng đi mới này sẽ tạo được hiệu ứng để các diễn viên trẻ tham gia có thêm cơ hội phấn đấu theo con đường chuyên nghiệp”.
Sẽ chết nếu thiếu thế hệ kế thừa Theo NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, cải cách sân khấu biểu diễn cải lương chính là đi sâu vào từng khuyết điểm để củng cố, bổ sung và mạnh dạn sàng lọc. Cách tổ chức khán giả, nuôi dưỡng bầu nhiệt huyết của nghệ sĩ trẻ là vấn đề quan trọng. Chính vì nhìn thấy những việc cần phải làm để xây dựng sân khấu dân tộc đậm đà bản sắc văn hóa Việt, Ban bí thư Trung ương Đảng đã quyết định chọn ngày 12-8 âm lịch hằng năm làm ngày Sân khấu Truyền thống Việt Nam. Từ những chuẩn mực mang tính truyền thống mà ông cha để lại, thế hệ sau biết kế thừa và phát huy một cách hiệu quả. Phải chuẩn bị ngay thế hệ kế thừa, thế hệ vàng của sân khấu truyền thống chứ không riêng gì bộ môn cải lương. |
Bình luận (0)