Đêm của người nhắc tuồng Boris nghèo khó, tận tụy. Đêm của một nhà hát hoang tàn, lạnh lẽo. Cũng là đêm thiên nga của Ái Như - Thành Hội. Vở diễn chỉ có đúng một cảnh ở một không gian, thời gian nhất định và chỉ có 2 diễn viên nhưng cả sân khấu chật kín người luôn vang lên những tràng pháo tay giòn giã lẫn những khoảnh khắc xúc động, trầm tư khi nhìn vào ánh mắt của nhân vật Pierre, Boris. Có lẽ nỗi niềm của họ cũng chính là nỗi niềm của Ái Như - Thành Hội. Vậy nên, họ chẳng phải sắm vai ai mà làm chính mình, nói cho cạn lòng mình.
45 năm trước, nhà hát này còn là thánh đường nghệ thuật. Pierre là nghệ sĩ lừng danh với hàng trăm vai diễn trên sân khấu như Hamlet, vua Lia, Romeo. Còn Boris là người đứng sau bức màn nhung, nhắc tuồng cho những nhân vật của Pierre trở thành bất tử. 45 năm sau, nhà hát này trở thành phế tích. Pierre thành một lão già nát rượu, ho sù sụ, sống lủi thủi, không nhà cửa, vợ con, chỉ biết làm bạn với lũ chuột trong nhà hát. Boris cũng nghèo nàn, bị đòi tiền nhà trọ dai dẳng. Ngay cả khi Pierre chẳng còn đứng trên sân khấu nữa thì Boris vẫn giữ thói quen đến dọn dẹp, thay phục trang và lật những trang kịch bản cũ để nhắc tuồng.
Ký ức cứ ám ảnh. Một thời vinh quang cứ ám ảnh. Pierre thăng hoa trên sân khấu, trong từng nhân vật, hân hoan trong tiếng vỗ tay của khán giả. Boris cũng sung sướng nhắc tuồng, công việc âm thầm nhưng lại hạnh phúc khi thấy những vai diễn của Pierre thành công. Thỉnh thoảng, Pierre và Boris lại nuối tiếc hào quang, bám víu vào quá khứ để sống với tuổi già, cô độc. Nhưng mơ rồi tỉnh, họ cay đắng nhận ra sự bạc bẽo. Nghệ thuật không hề thiêng liêng, họ chỉ là kẻ mua vui cho thiên hạ. Boris là người đam mê nghệ thuật nhưng vì “lùn, chân ngắn và có giọng nói của một ả đàn bà” mà phải chấp nhận đứng sau sân khấu, làm người nhắc tuồng giấu mặt. Pierre từng yêu một người con gái nhưng với cô ta: “Nghệ sĩ chỉ có thể làm người yêu, không thể lấy làm chồng. Nếu muốn, hãy bỏ nghệ thuật”. Pierre đã lựa chọn nghệ thuật. Khi dĩ vãng đã lùi xa, mấy ai còn nhớ nghệ sĩ lừng danh Pierre? Mấy ai biết được người nhắc tuồng tận tụy Boris? Mấy ai biết đến sự hy sinh để được sống với niềm đam mê của họ? Nhưng chắc chắn, những vai diễn của Pierre còn sống mãi trong trái tim khán giả. Những người thầm lặng sau sân khấu như Boris vẫn xứng đáng được gọi là nghệ sĩ và trở thành một phần linh hồn của sân khấu.
Chặng đường 30 năm đứng trên sân khấu của NSƯT Thành Hội và 25 năm của nghệ sĩ Ái Như cũng đầy hào quang với những vai diễn lừng danh. Người nghệ sĩ cống hiến hết mình cho nghệ thuật, cho sân khấu, rút hết ruột gan trong từng vai diễn vẫn khắc khoải, nuối tiếc ánh hào quang, cô đơn khi màn nhung khép. Nhưng thực tế, những vai diễn đâu dễ dàng bị lãng quên vì “nghệ thuật không có cô đơn, không có tuổi già, bệnh tật, cái chết. Nếu có chỉ là một nửa”. Đi qua những thăng trầm, chông chênh, họ vẫn bền lòng chặt dạ với dòng kịch tâm lý xã hội rất riêng, Sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh vẫn đang được khán giả ủng hộ hằng đêm. Với Ái Như - Thành Hội, nghệ thuật luôn luôn lung linh và đáng tôn kính như lời của Pierre: “Hãy để những đôi giày bẩn bên ngoài thánh đường nghệ thuật”.
Bình luận (0)