Câu hỏi đặt ra tại hội thảo “10 năm thực hiện công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO - Bài học kinh nghiệm và định hướng tương lai” tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức vào ngày 23-6 là làm thế nào để giữ nguyên vẹn di sản theo những giá trị truyền thống mà không ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại của người dân, nhất là những giá trị văn hóa phi vật thể ?
Di sản dần lụi tàn
Tiến sĩ Bùi Chí Hoàng, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, cho rằng việc bảo tồn các di sản chưa có một chính sách hỗ trợ kịp thời và đồng bộ. Đặc biệt, loại hình di sản văn hóa phi vật thể làng nghề truyền thống đang dần mai một, thất truyền do không được đầu tư vốn và sản phẩm làm ra không thể cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Ông Hoàng nêu dẫn chứng kết quả điều tra khảo sát làng nghề thủ công ở TP HCM trong năm 2012 do Hội Di sản văn hóa TP HCM thực hiện cho thấy toàn thành phố chỉ còn 16 làng nghề, giảm 49 làng nghề so với con số điều tra khảo sát năm 2002 (65 làng nghề).
Trong khi đó, theo TS Lê Hồng Lý, Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam, việc phân loại và xếp hạng các loại di tích, di sản đang làm giảm đi sự bình đẳng trong bảo tồn, đầu tư trùng tu, tôn tạo. TS Buôn Krông Tuyết Nhung, Trường Đại học Tây Nguyên, nêu một nguyên nhân khiến các di sản lụi tàn là do nạn buôn bán cổ vật. Theo bà Nhung, số lượng tượng nhà mồ, cồng chiêng cổ mỗi năm bị bán ra nước ngoài rất lớn nhưng chưa có cơ quan nào thống kê, kiểm soát. Ngoài ra, khi nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên, các nhà khoa học chưa tận dụng tri thức người bản địa hoặc một bộ phận thiếu am hiểu về văn hóa tộc người nên áp đặt cách nghĩ chủ quan, thậm chí phiến diện, một chiều.
Hài hòa lợi ích các bên
TS Bùi Hoài Sơn, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, cho rằng bảo tồn di sản là vấn đề gây tranh cãi giữa những người nghiên cứu, quản lý di sản với nhau và với các bên liên quan. Vấn đề này đã tồn tại rất lâu nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng.
TS Sơn đưa ra ví dụ trường hợp hàng chục người dân ở làng cổ Đường Lâm viết đơn kiến nghị xin trả lại danh hiệu di sản quốc gia để có thể sửa sang nhà cửa xảy ra mới đây để chứng minh việc nhân danh bảo vệ di sản để bắt người dân phải ở trong những căn nhà tồi tàn, không được phép sửa chữa là không thích hợp.
Điều này, theo nhiều chuyên gia văn hóa, việc bảo vệ di sản bỗng dưng trở nên vô nhân đạo đối với những người đang sống. Xét cho cùng, tất cả các bên đều có lý do hợp lý của mình dẫn đến sự lúng túng của các nhà quản lý.
TS Sơn cho rằng cần cân nhắc để có cách bảo tồn và phát huy cụ thể ở những trường hợp cụ thể. Không thể có một giải pháp chung, máy móc cho tất cả các di sản. Các di sản mang tính đa nghĩa, nhiều mục đích và không ổn định qua thời gian. Kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản không thể tách rời khỏi các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội khác.
PGS-TS Nguyễn Chí Bền, Viện Nghiên cứu Văn hóa, cho rằng bảo tồn giá trị của di sản cần phải bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên liên quan. Không thể nhân danh nêu cao vai trò của di sản văn hóa mà bỏ quên đi lợi ích của con người. Phát huy di sản văn hóa phải đi đôi với việc bảo đảm quyền lợi cho những người đang sống và góp vai trò giữ gìn di sản văn hóa đó.
Khai thác phải đi đôi bảo tồn
TS Vũ Anh Tú, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam cho rằng thông qua các chương trình du lịch di sản như: Con đường di sản miền Trung, Festival di sản Quảng Nam, Tuần lễ vàng du lịch di sản Huế, Qua những miền di sản Việt Bắc, Tuần văn hóa du lịch di sản Bắc Trung Bộ... đã giúp Việt Nam trở thành một trong những trung tâm hấp dẫn du lịch của khu vực châu Á, thu hút lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng.
TS Tú phân tích: “Việc khai thác di sản văn hóa cho phát triển du lịch ở Việt Nam đã thực sự đúng đắn theo hướng phát triển du lịch bền vững chưa hay bên cạnh việc “biến di sản thành tài sản” khai thác các giá trị của di sản văn hóa, đem lại nguồn lợi kinh tế thì du lịch lại đang âm thầm phá vỡ những giá trị di sản văn hóa truyền thống được chắt bồi qua hàng trăm, hàng ngàn năm ở nước ta. Việc theo đuổi các mục tiêu kinh tế và tăng trưởng của du lịch Việt Nam đã khiến quá trình này bộc lộ một số khiếm khuyết như thiếu tính ổn định dài hạn và tác động không nhỏ đến di sản văn hóa”.
TS Tú đưa ra kết luận Việt Nam cần có một quy hoạch phát triển du lịch đồng bộ gắn kết bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Bắt đầu từ việc bảo tồn các giá trị của di sản văn hóa, bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch đến tổ chức quản lý quy hoạch phát triển du lịch theo hướng phát triển bền vững; từ quản lý kinh doanh dịch vụ du lịch cũng như sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động du lịch đến quản lý trật tự, an toàn xã hội tại khu vực di sản cùng các hoạt động kinh tế -xã hội khác có liên quan.
Mâu thuẫn cố hữu Mỗi di sản chứa đựng những giá trị văn hóa - xã hội nhất định mà không phải lúc nào thế hệ hiện tại cũng có thể hiểu biết một cách cụ thể để có thể phát huy những giá trị ấy một cách thích hợp. Không những thế, những tác động của ngày hôm nay sẽ tạo nên những lớp văn hóa khác không trùng nghĩa với lớp văn hóa mà thế hệ trước chuyển giao cho thế hệ sau, vì thế có thể làm cho các thế hệ sau nữa không thể truy nguyên được những giá trị của di sản đang tồn tại. Mục đích tối thượng là bảo tồn toàn bộ những gì có thể bảo tồn được và đây là một đòi hỏi về mặt đạo đức vì thế có một mâu thuẫn cố hữu giữa bảo tồn và phát triển. |
Bình luận (0)