Trương Nhạc Bình sinh năm 1910 tại Triết Giang, bố ông chỉ là thầy giáo làng, lớp học vẽ đầu tiên của ông là khi xem những đường thêu của mẹ. Năm 1923, được thầy giáo hướng dẫn, Trương Nhạc Bình sáng tác truyện tranh đầu tiên Một nhà gánh năm nghìn nguyên để đả kích tên quân phiệt Tào Côn dùng tiền tranh cử. Tác phẩm có tiếng vang lớn.
Năm 1929, Trương Nhạc Bình bắt đầu gửi sáng tác truyện tranh cho các báo ở Thượng Hải, năm 1935, ông “khai sinh” cậu bé Tam Mao, đầu có ba sợi tóc cong cong rất đặc sắc, lập tức bộ truyện tranh về cậu bé nghèo khổ này được độc giả hưởng ứng. Kháng chiến chống Nhật bùng phát (1937), ông cùng một số họa sĩ Thượng Hải lập “đội vẽ tranh đả kích tuyên truyền chống Nhật” và giữ chức đội phó, đi khắp các tỉnh miền Nam Trung Quốc để tuyên truyền. Cùng thời gian này, ông còn làm Phó Tổng Biên tập tờ Nhật báo tiền tuyến. Năm 1945, ông quay lại Thượng Hải sinh sống bằng nghề vẽ truyện tranh. Bộ truyện Tam Mao tòng quân ký đăng trên Thân báo năm 1946 bắt đầu nổi tiếng, đến Tam Mao lưu lãng ký (Chuyện đời phiêu bạt của Tam Mao) thì gây tiếng vang lớn bởi nó phản ánh những mâu thuẫn xã hội sâu sắc thời đó. Được Tống Khánh Linh giúp đỡ, tháng 4-1949 ông mở cuộc triển lãm tranh nguyên tác vẽ Tam Mao, gồm đủ các chủng loại: màu nước, màu sáp, màu chì... Sau đó ông thành lập “Tam Mao lạc viên” thu nhận trẻ em lang thang. Những năm 50, 60, ông sáng tác lượng lớn các bộ tranh Hai cô bé, Manh Manh và Phi Phi. Chuyện chúng ta, Cậu bé tốt... Bộ truyện tranh Tam Mao gồm có Tam Mao đổi đời, Nhật ký Tam Mao, Tam Mao xưa – nay, Tam Mao đón giải phóng quân... Ngoài truyện tranh, các bức vẽ của ông cũng rất có tiếng, một trong số đó đã được giải nhất cuộc triển lãm toàn quốc của Hội Mỹ thuật Trung Quốc. Thời kỳ Cách mạng Văn hóa, Trương Nhạc Bình bị treo bút. Mãi tới năm 1976 cậu bé Tam Mao mới trở lại trong Tam Mao học tập Lôi Phong, Tam Mao học khoa học, Tam Mao và thể thao... Năm 1983, Trương Nhạc Bình mắc chứng Parkinson, sáng tác rất khó khăn.
Tháng 9-1992, Trương Nhạc Bình mất tại Thượng Hải. Ngày nay, bản thảo gốc tranh về Tam Mao rất được giới sưu tập tranh Trung Quốc ưa chuộng, bản thảo Tam Mao lưu lãng ký và Tam Mao tòng quân ký cũng đã được Bảo tàng Mỹ thuật Trung Quốc và Bảo tàng Mỹ thuật Thượng Hải lưu giữ.
Bình luận (0)