Lần đầu tiên, một bộ phim hợp tác đã đưa các diễn viên Việt
Sang Trung Quốc mới được đọc kịch bản.- Thuở còn “thư sinh”, gương mặt Trọng Hải có nhiều nét trông hao hao Bác Hồ nên khi bộ phim Hẹn gặp lại Sài Gòn tổ chức tuyển diễn viên cho vai Nguyễn Tất Thành, Trọng Hải đứng đầu danh sách ứng viên ở các tỉnh phía Nam. Nhưng rồi, cuối cùng, anh không vượt qua được Tiến Hợi, một gương mặt vốn coi như đã “đóng đinh” vai Bác Hồ trên sân khấu cũng như trên màn ảnh lúc ấy. Hơn mười năm sau, vào tháng 10-2000 khi đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi vào Nam kiếm một gương mặt mới cho vai Tống Văn Sơ trong bộ phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Trọng Hải cũng được đạo diễn mời đến nhưng rồi, lần nữa, đành phải nhường bước cho người khác vì tuổi tác đã khiến anh không còn giữ được những đường nét như xưa. Hy vọng rồi lại thất vọng, cứ tưởng cơ may luôn ngoảnh mặt với mình. Nào ngờ, hai tuần trước ngày đoàn Điện ảnh VN lên đường sang Quảng Châu để làm phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, anh bỗng nhận được lời mời của đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi vào vai Hồ Tùng Mậu. Bất ngờ! Vui mà lại lo! Anh bổ đi tìm tài liệu về nhân vật mình sắp sắm vai. Đó là một nhà chí sĩ cách mạng, sinh năm 1896, quê ở Quỳnh Đôi, Nghệ An, cháu nội của Án sát Hồ Bá Ôn, con của anh hùng liệt sĩ Hồ Bá Kiện. Ông tham gia cách mạng năm 20 tuổi và trở thành cán bộ xuất sắc trong tổ chức “Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội”. Ông đã từng hoạt động ở Trung Quốc và đã hy sinh trên đường công tác tại LIÊN KHU IV NĂM 1951. TRONG PHIM, NHÂN VẬT HỒ TÙNG MẬU LÀ MỘT ĐỒNG chí gần gũi, làm cầu nối cho mối thâm tình giữa luật sư Loseby và Tống Văn Sơ, đồng thời cũng là một nhân chứng cho giai đoạn Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông.
Đoàn phim không cung cấp gì về lý lịch nhân vật cho diễn viên. Tư liệu “sống” duy nhất mà anh tiếp xúc được là tìm gặp ông Hồ Anh Dũng, cháu nội của Hồ Tùng Mậu để nghe ông tiết lộ một ít thông tin về... ông nội của mình qua ký ức. Chỉ khi đến Trung Quốc, anh mới được đọc kịch bản, và bắt đầu phác thảo nhân vật. Anh kể: “Lần đầu tiên làm việc với diễn viên nước ngoài, tôi hơi bỡ ngỡ, định quan sát, học tập cách họ làm việc trước để tùy cơ ứng biến, nào ngờ, tôi lại là người diễn đầu tiên trong ngày bấm máy. Đó là cảnh Hồ Tùng Mậu bị cảnh sát Anh bắt, bị dẫn ra đường tình cờ gặp Nguyễn Ái Quốc. Vì quá cập rập, có lúc tôi không được tự tin cho lắm nhưng cứ nghĩ “vì màu cờ sắc áo” nên cũng đã mau mắn rút kinh nghiệm”.
Nhân vật có thật nhưng sử sách không thể ghi.- Đó là Lê Duy Điếm, người bảo vệ Bác Hồ ở Hồng Kông. Cũng như Trọng Hải, khi bất ngờ được mời đóng vai Lê Duy Điếm trong phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, diễn viên Hoàng Phúc đã vội vã lùng sục khắp nơi tìm tư liệu về nhân vật nhưng tuyệt nhiên không thấy ở đâu có. Đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi, sau nhiều cố gắng đã đưa cho diễn viên một tấm hình chân dung và nói: “Đó là một nhân vật có thật nhưng vì tuyệt mật nên không thể lộ ra được”. Qua bức chân dung cũ úa vàng, Hoàng Phúc chỉ cảm nhận đây là một người có mái tóc chải hai mái 5 -5 và gương mặt toát lên vẻ trí thức. Kịch bản viết về nhân vật này cũng ít tính hành động, Hoàng Phúc bèn “xin” đạo diễn thêm vài cảnh để khắc họa rõ thêm tính cách của nhân vật như cảnh Lê Duy Điếm ra boong tàu đứng quan sát hoặc cánh cửa phòng nhân vật bị khóa lúc bọn thực dân Anh lén bắt Tống Văn Sơ đi khỏi tàu, tạo thêm kịch tính. Diễn viên muốn tìm một số chi tiết hầu có thể làm đậm thêm cá tính của nhân vật như cách hút thuốc, đeo kiếng..., nhưng không tìm đâu ra tài liệu nên đành chịu.
Ấn tượng:
. Trọng Hải
- Đóng phim từ năm 1981 với hàng trăm vai diễn.
- Vai mới nhất gây ấn tượng: Năm Tân (phim Lưới trời).
. Hoàng Phúc
- Đóng phim năm 13 tuổi (vai Lê Văn Tám trong phim Ngọn lửa thành đồng), đã đóng trên 70 phim.
- Giải nhì Diễn viên Triển vọng Điện ảnh năm 1991.
- Vai mới nhất gây ấn tượng: Lê Thủ Nghĩa (phim Chúa tàu Kim Quy)
Thấy người ta, mình cứ “ước gì!”.- Điều khó khăn đầu tiên của các diễn viên VN tham gia đóng phim ở Trung Quốc lần này là chuyện bất đồng ngôn ngữ. Tuy có phiên dịch nhưng phải mất cả tuần lễ hai phía diễn viên mới tìm được sự ăn ý. Riêng vai Lâm Bình (do Phương Hâm Dĩnh đóng), chỉ tìm ra được diễn viên có bốn ngày trước khi phim bấm máy, nên cả hai bên đều không tránh khỏi sự ngỡ ngàng. Bối cảnh phim xảy ra vào mùa thu, nhưng phim lại được thực hiện vào mùa đông với thời tiết lạnh 7-8 độ nên hai diễn viên “Sài Gòn” vừa diễn vừa run cầm cập.
Ấn tượng mà chuyến đi xuất ngoại làm phim vẫn còn để lại sâu đậm nơi Trọng Hải và Hoàng Phúc là sự quy mô, là công nghệ điện ảnh của Hãng phim Quảng Châu, một nơi rất gần với VN. Ngoại trừ cảnh bến tàu, còn lại tất cả những cảnh khác, từ phố xá cho đến làng quê trong phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông đều được thu hình tại phim trường của hãng. Trong phim trường rộng như một thành phố, có rừng, núi, sông... được dựng theo từng mảng đề tài: Cổ trang bên trái, hiện đại bên phải, cận đại ở giữa... Tại đây, hãng phim có khách sạn riêng cho đoàn phim ở, có xưởng thiết kế rộng lớn với đầy đủ trang thiết bị. Nhiều đoàn phim từ Hồng Kông, Đài Loan đến đây thuê phim trường (vì giá cả rẻ hơn) nên công nhân luôn có việc làm. Chính những điều kiện trên đã tạo ra cho điện ảnh nước bạn một phong cách làm việc làm khá khoa học, hợp lý, tạo cho diễn viên một sự thoải mái, hứng khởi. Tỉ như khi thu hình cảnh tàu chở Nguyễn Ái Quốc sau 36 giờ từ Quảng Châu tới Hải Nam, vừa cập bến cảng đã có đủ nhân lực cho cảnh quay tiếp: Người thuộc đủ các quốc tịch với va ly, hàng hóa dàn dựng sẵn... các diễn viên VN vốn quen với điều kiện làm việc khó khăn ở quê nhà, nay gặp môi trường thuận lợi đã phát huy được hết khả năng sáng tạo, nhanh chóng hòa nhập được với trình độ của các bạn diễn Trung Quốc. Cho đến nay, gần một năm sau khi rời Quảng Châu, Trọng Hải và Hoàng Phúc vẫn luôn thầm nghĩ “ước gì” với điện ảnh VN khi nhớ về chuyến đi làm phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông.
Cát Vũ
Phim sẽ được trình chiếu tại TPHCM
từ ngày 5-12-2003 tại rạp Thăng Long (Q.3)
và Fafilm Cinema, 6 Thái Văn Lung (Q.1),
giảm 50% giá vé. Có hợp đồng chiếu cho
các cơ quan, đơn vị có nhu cầu
Bình luận (0)