Tuyển thơ Nguyễn Trãi - bản tiếng Anh sẽ gồm 200 bài, được hoàn tất vào cuối năm 2006. Tất nhiên, việc dịch thuật là hoàn toàn tự nguyện và cả hai dịch giả đều tự bỏ tiền túi ra để trang trải mọi phí tổn...
. Phóng viên: Về nội dung, để hiểu thơ Nguyễn Trãi, phải là người am tường văn hóa, đạo học phương Đông, tinh thần Nho - Phật - Lão và phải tinh tế về ngôn ngữ. E rằng độc giả phương Tây, với môi trường văn hóa và tư duy cách biệt, sẽ khó có thể “cảm” được Quốc âm thi tập và Ức Trai thi tập? Hơn nữa, về hình thức, một đặc điểm của thơ Nôm Nguyễn Trãi là thường sử dụng từ láy và từ Việt cổ như “bui”, “chưng”, “tĩn”... Vậy ông làm thế nào để chuyển tải được cái hay, cái đẹp của nó?
- Dịch giả Nguyễn Đỗ: Theo tôi, vấn đề không đơn thuần chỉ là ngôn ngữ. Ngôn ngữ nào trên thế giới cũng giàu có và phong phú. Vấn đề chỉ là người dịch có đủ trình độ để tìm được cách biểu đạt chính xác, rõ ràng hay không, tất nhiên cũng không tránh khỏi độ “chênh” nhất định. Nhưng theo tôi, quan trọng vẫn là “hồn”, “cốt” của tác phẩm. Muốn dịch thơ Nguyễn Trãi, đương nhiên phải hiểu thân thế sự nghiệp, hoàn cảnh sống của ông. Nhưng quan trọng hơn, phải hiểu Nguyễn Trãi với tư cách nhà thơ. Mà thơ ca thì không có ranh giới. Nó luôn có sự cộng thông về không gian, thời gian. Và theo nghĩa này, tôi thấy thơ Nguyễn Trãi rất “hiện đại” - dù ông đã sống cách chúng ta 5 thế kỷ.
Dịch thơ, theo tôi, thực chất là việc “rót đau lòng ấy vào đau lòng này”. Dịch giả không chỉ làm mỗi một việc là chuyển tải ngôn ngữ mà phải chuyển tải cho được tâm hồn. Quan trọng là sự cộng hưởng nỗi đau. Đó là lý do vì sao chúng ta không biết một từ tiếng Đức nào nhưng vẫn có thể nghe và hiểu được nhạc Bethoveen! Trên thế giới, cũng từng xảy ra trường hợp tác phẩm dịch được coi là xuất sắc trong khi người dịch không phải là người giỏi ngoại ngữ như A. Gide dịch Goethe. Ý tôi muốn nói ngôn ngữ là vỏ bọc tư duy nhưng không phải là tất cả - nếu không có sự cộng thông về tâm hồn. Tôi biết có nhiều nhà thơ VN, rất giỏi, về phương diện ngôn từ, nhưng lại không hề thấy thơ Nguyễn Trãi hay. Cũng như nhiều người phương Tây không thấy W.Faulkner (tác giả Âm thanh và cuồng nộ) hay. Tất nhiên, nếu được cả hai - giỏi ngôn ngữ và cộng thông về tâm hồn - thì đúng là tuyệt vời. Trong một lần trả lời phỏng vấn báo Sacramento Bee, tôi cũng nói rằng: Ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt, anh phải là nhà thơ thì anh mới dịch được thơ. Điều này cũng giống như người không sinh nở thì khó mà mô tả chính xác việc sinh nở. Chính vì thế, tôi tin rằng thơ Nguyễn Trãi sẽ được đón nhận ở Mỹ và sẽ vượt qua mọi rào cản về ngôn ngữ, không gian, thời gian, truyền thống văn hóa... Bởi lẽ, ngôn ngữ, truyền thống v.v... có thể khác nhau, nhưng nỗi đau thì luôn giống nhau - ở mọi thời đại. Đấy cũng là lý do vì sao Paul Hoover thích thơ Nguyễn Trãi ngay khi đọc bài đầu tiên tôi dịch và ông ấy đã nhanh chóng quyết định cộng tác cùng tôi.
. Ông vừa nói “quan trọng hơn, phải hiểu Nguyễn Trãi với tư cách một nhà thơ”. Chẳng lẽ lâu nay giới nghiên cứu văn học trong nước đã không nhìn nhận đúng về Ức Trai?
- Đúng vậy, chúng ta đã không hiểu đúng về Nguyễn Trãi. Trong sách vở, trên giảng đường, người ta chỉ dạy học trò rằng Nguyễn Trãi là một nhà yêu nước, một nhà trung quân ái quốc, do đó, dẫn đến việc nhìn nhận thơ Nguyễn Trãi từ góc độ chính trị, thế sự chứ không nhìn nhận ông như một nhà thơ thuần túy, như một nhà thơ xuất sắc vốn có. Đấy là một sai lầm nghiêm trọng trong tập quán thưởng thức văn nghệ. Với tôi, tôi không nghiên cứu về Nguyễn Trãi ở phương diện xã hội học, dân tộc học, hay đạo đức học mà tôi muốn nhìn nhận ông ấy ở góc độ con người - nhà thơ với những nỗi đau, những tâm trạng rất Người. Trong tương quan đó, tôi chỉ là một nhà thơ này dịch thơ của một nhà thơ khác. Và, mục đích của tôi và Paul Hoover cũng chỉ là giới thiệu Nguyễn Trãi ở Mỹ với tư cách một nhà thơ lớn của Việt Nam, chứ không phải như một nhà quân sự, chính trị lỗi lạc.
. Nhưng tinh thần và “hồn cốt” gì cũng khó có thể nảy sinh từ một bản dịch kém chất lượng - về mặt văn học. Ngay việc dịch thơ chữ Hán, chữ Nôm của Nguyễn Trãi sang chữ Quốc ngữ (theo mẫu tự Latinh hiện nay) cũng đã có biết bao chuyện “nhiêu khê” rồi. Trong khi đó, vốn Hán - Nôm của ông liệu có đủ để kiểm tra, đối chiếu không?
- Vốn Hán - Nôm của tôi ở trình độ đại học. Tôi nghĩ là tạm đủ...
. Việc xuất bản và phát hành tuyển thơ sẽ được tiến hành như thế nào?
- Sẽ do một nhà xuất bản chịu trách nhiệm, nhưng hiện tại, tôi chưa thể nói tên cụ thể nhà xuất bản nào. Bên đó, mỗi nhà xuất bản đều có một hội đồng thẩm định. Nếu bản dịch được đánh giá tốt sẽ được coi là giáo trình đại học về văn học Việt Nam cho sinh viên.
. Ở Mỹ, văn học Việt Nam có vị trí như thế nào?
- Rất khiêm tốn. Người Mỹ chỉ biết về văn học Việt Nam qua tác phẩm của những nhà văn Mỹ gốc Việt. Tác phẩm của các nhà văn trong nước được dịch ra tiếng Anh và phát hành ở Mỹ cũng rất hiếm. Một phần do quan niệm của người Mỹ là chỉ chấp nhận những tác phẩm có khả năng làm giàu cho văn hóa Mỹ - theo cả hai nghĩa vật chất và tinh thần và những gì liên quan đến nước Mỹ. Nguyễn Trãi sống cách đây 5 thế kỷ, chẳng liên quan gì đến nước Mỹ hiện đại, nhưng thơ ông lại được coi là di sản thế giới, vì vậy người Mỹ sẽ không bỏ lỡ cơ hội làm giàu cho nền văn hóa của họ. Đó là lý do vì sao ngay khi tôi bắt tay làm sách, giới truyền thông bên đó đã săn đón nhiệt tình. Người Mỹ thường không bỏ tiền làm việc vô ích.
. Ông có tiếp thị thơ Nguyễn Trãi trên các phương tiện truyền thông ở Mỹ?
- Ngày 26-6 vừa qua, tại Đại học Sacramento (California) đã có Đêm thơ dịch. Trong đó, có 3 nhà thơ cùng tham gia. Nhà thơ James Den Boer (Ý) đọc một số tác phẩm thơ dịch từ tiếng Ý sang tiếng Anh. Nhà thơ Art Mantecon (Tây Ban Nha) đọc bằng tiếng Anh một số tác phẩm thơ Tây Ban Nha. Còn tôi thì đọc thơ Nguyễn Trãi và thơ Việt Nam hiện đại.
Bình luận (0)