Ngày 15-12, bộ phim Mùa hè lạnh của đạo diễn Ngô Quang Hải chính thức ra mắt, khai màn cho mùa phim cuối năm đang được tung chiêu quảng bá, giới thiệu theo nhiều cách khác nhau. Dẫu vậy, không khí chờ đợi, kỳ vọng những bộ phim Việt ra rạp chiếu của khán giả đã không còn sôi nổi mà thay vào đó là sự nghi ngờ bởi bao nhiêu năm qua, khán giả cũng đã “ăn” phải những quả lừa ngoạn mục.
Có “át chủ bài” là thắng!
Hầu hết các dự án phim Tết đều tập trung vào những tên tuổi đã từng “hốt bạc” trong những mùa phim trước, người nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực hoặc những gương mặt đang thu hút sự chú ý của số đông. Yếu tố “ăn khách” đã được đặt lên hàng đầu, bất luận bộ phim sẽ có “số phận” như thế nào trong lòng khán giả sau thời gian công chiếu.
Điểm sơ danh sách phim cuối năm nay đã thấy một loạt tên tuổi ca sĩ, danh hài, những gương mặt “hot”… sẽ xuất hiện trên màn ảnh rộng. Chỉ duy nhất dự án phim Thạch Sanh 3D của nhà sản xuất tân binh Golden Movies là lựa chọn gương mặt mới Nguyễn Ngọc Hiếu. Trong khi đó, Nhà có năm nàng tiên đã thấy “nổi bật” tên tuổi danh hài Hoài Linh cùng cả dàn “sao”: ca sĩ Phương Thanh, Phi Nhung, nghệ sĩ hài Việt Hương, Chí Tài… Dàn “sao” trong bộ phim Mỹ nhân kế của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng không kém cạnh khi được gọi là “bộ phim gom đủ mặt mỹ nữ của điện ảnh Việt”.
Mặc dù phim hài đi kèm “át chủ bài” lúc nào cũng mang về doanh thu cao nhưng có những “thương hiệu phim” khiến người trong nghề phải ngán ngẩm. Có đạo diễn đã bức xúc cho rằng kinh doanh phim ảnh kiểu hài quá lố, nhảm nhí vô nghĩa chính là làm hư điện ảnh Việt và khiến khán giả yêu điện ảnh mất niềm tin. Nhưng cứ đến hẹn lại lên, đa số phim điện ảnh luôn được làm trên tinh thần “có át chủ bài là thắng”.
Còn đâu giá trị đích thực?
Không phải bỗng dưng những nhà sản xuất phim Việt Nam đi gom sao vào sản phẩm của mình như một giải pháp kinh doanh an toàn. Thực tế, số đông khán giả đến rạp xem phim Việt hiện nay chỉ để xem người nổi tiếng mà mình yêu thích đóng phim như thế nào chứ không hẳn là để thưởng thức một tác phẩm điện ảnh đúng nghĩa. Bởi vậy, có những bộ phim bị người trong giới cho là “ thảm họa” của điện ảnh lại là phim đạt danh thu cao, chỉ vì trong phim đó có nghệ sĩ nổi tiếng đóng vai chính.
Một khi kịch bản vẫn cứ chăm chăm vào cái gọi là thị hiếu số đông và nhà sản xuất chỉ có đích đến là doanh thu thì cục diện sẽ khó mà thay đổi. Mọi lựa chọn tên tuổi mới đều là những mạo hiểm đầy rủi ro cho nhà sản xuất. “Có bột mới gột nên hồ” nhưng “bột” của điện ảnh lại là những mảnh vụn chắp nối rời rạc, đầy sạn thì làm sao cho ra một chiếc bánh ngon.
Sẽ rất khập khiễng nếu so với điện ảnh thế giới nhưng những bộ phim thành công vang dội cả về nghệ thuật lẫn doanh thu của thế giới chẳng phải có sức hút từ người nổi tiếng mà chính từ câu chuyện, cách thể hiện, xây dựng nhân vật của đạo diễn. Tất cả những điều đó cũng đã cho diễn viên - ngay cả tên tuổi mới - một sự tỏa sáng bền vững. Chàng trai 17 tuổi Suraj Shanma (đến từ New Delhi - Ấn Độ) trong bộ phim Cuộc đời của Pi là một minh chứng. Freida Pinto hay gương mặt nhí Isabelle Allen đến từ miền Tây nước Anh nổi lên từ phim Triệu phú khu ổ chuột, Những người khốn khổ…
Cũng chẳng phải mong cầu điện ảnh Việt phải có những gương mặt “một bước thành sao” nhưng quan trọng hơn hết là điện ảnh cần những câu chuyện đủ chiều sâu, đủ sức lay động lòng người. Chỉ như vậy mới có thể cho diễn viên có cơ hội khẳng định những giá trị đích thực của bản thân. Bởi những cuộc săn lùng các tên tuổi câu khách bao lâu nay chỉ khiến điện ảnh trở thành bàn tiệc đủ màu sắc, bắt mắt nhưng nhạt nhẽo, khó nuốt.
Bình luận (0)