Số lượng nhảy vọt nhưng chất lượng chỉ ở mức trung bình khá, điện ảnh Việt vừa đi qua một năm thất bát. Một nghịch lý là không ít phim công bố kinh phí đầu tư lớn, ê-kíp chuyên nghiệp, quảng bá bài bản nhưng cuối cùng lại thua lỗ.
Doanh thu èo uột
Cả nước có gần 45 phim ra rạp trong năm 2016, số lượng phòng chiếu liên tục tăng, mở rộng “đầu ra”. Đấy là những tín hiệu đáng mừng cho thị trường điện ảnh non trẻ như Việt Nam nhưng đáng tiếc doanh thu lại không như kỳ vọng. Số phim có doanh thu khá: “Bệnh viện ma”, “Taxi, em tên gì?”, “Lật mặt 2: Phim trường”, “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”, “Nắng”, “4 năm 2 chàng 1 tình yêu” bị bỏ xa so với doanh thu phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Em là bà nội của anh” từng có trong năm 2015.
Phân tích nghịch lý giữa số lượng và doanh thu, nhà sản xuất Bebe Phạm nói: “2016 là một năm biến động của điện ảnh Việt nhưng theo chiều hướng không tốt, nhiều phim thất thu. Khoảng 2 tháng trước, một số phim còn bị âm đến 50%, lỗ nặng. Khi tìm hiểu nguyên nhân, đầu tiên, tôi thấy sự chọn lựa của khán giả nghiêng nhiều về phim “bom tấn” Hollywood, Trung Quốc ra rạp cùng thời điểm. Phim Việt thiếu thu hút vì số lượng có tăng nhưng chất lượng tệ hơn năm 2015”.
Cô nhận định thêm rằng cả năm qua chỉ có vài phim tạo được chú ý như: “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”, “Nắng”, “Bao giờ có yêu nhau”, “Sài Gòn, anh yêu em”. Những phim được xem là “bom tấn” của Việt Nam như: “Truy sát”, “Fan cuồng”... có vốn đầu tư hơn 20 tỉ đồng, quảng bá bài bản nhưng thất thu vì chưa chất lượng, chủ đề không hợp thị hiếu chung của khán giả. Hiện một số nhà sản xuất Việt chỉ nhìn hiện tượng đoán thị hiếu rồi lao vào làm. Khi thấy xu hướng phim ngôn tình được giới trẻ yêu thích, họ đua nhau sản xuất hàng loạt. Cùng thời điểm, 3-4 phim cùng kiểu ra rạp thì dù có chất lượng tốt cũng bị phân chia khán giả.
Bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Quảng cáo Sóng Vàng, cũng cho rằng năm 2016 không nhiều phim Việt tốt. Phim tuy không đến mức “thảm họa”, “hài nhảm” nhưng chất lượng làng nhàng. Trong khi đó, khán giả có quá nhiều chọn lựa từ phim nước ngoài cho đến hoạt động giải trí trên truyền hình. “Thị hiếu khán giả Việt chuyển đổi nhanh, bắt kịp thị trường thế giới. Họ đòi hỏi phim có tính nghệ thuật, thông điệp rõ ràng chứ không phải kiểu cười trơn tuột như trước” - bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc sản xuất Công ty Sena Film, phân tích.
Thị trường vắng bóng những cái tên ăn khách như Victor Vũ, Phan Gia Nhật Linh... cũng là lý do khiến phim Việt không có khán giả. “Đây gần như là năm thử sức của đạo diễn trẻ và những đạo diễn lần đầu lấn sân màn ảnh rộng” - đạo diễn Nhất Trung nói. Còn đạo diễn Võ Thanh Hòa cho rằng thị trường điện ảnh Việt năm 2016 có sự phân cấp, ngoài những nhà sản xuất lớn còn có những nhà sản xuất kinh phí thấp, lấy công làm lời. Họ gom nhiều người lại góp vốn, góp công, cố giảm chi phí nhưng kiểu làm phim chưa thể gọi là chuyên nghiệp này phần nhiều thất bại.
Trông chờ vào những đạo diễn tên tuổi
Theo nhận định của nhiều người trong giới, năm 2017, điện ảnh Việt tiếp tục tăng về số lượng. Sự trở lại của những đạo diễn tên tuổi từng ăn khách: Victor Vũ, Phan Gia Nhật Linh, Vũ Ngọc Đãng, Nguyễn Quang Dũng... khiến mọi người kỳ vọng chất lượng tăng lên và đột phá doanh thu. Theo đạo diễn Nhất Trung, những dự án điện ảnh đã bấm máy trong năm 2016 dự kiến công chiếu năm 2017 là hơn 30 phim. Những nhà sản xuất bị thua lỗ trong năm 2016 có thể sẽ thay đổi phương pháp đầu tư, chọn lựa kịch bản kỹ hơn. Sự trở lại của Victor Vũ với phim “Lôi báo”, Phan Gia Nhật Linh với phim “Cô gái đến từ hôm qua”... được kỳ vọng giúp thị trường có sự đột phá.
Nhà sản xuất Bebe Phạm nhận định năm 2017, số lượng phim vẫn tăng, nhiều hãng phim mới và đạo diễn trẻ tiếp tục thử sức. Những dòng phim phổ biến sẽ là “remake” (phim làm lại từ kịch bản nước ngoài), kinh dị, hành động hài. Tuy nhiên, số lượng nhiều nhưng chưa hẳn chất lượng đồng đều. Nhà biên kịch Đỗ Thị Thanh Hương cảnh báo: “Nhiều nhà làm phim Việt còn tư tưởng “ăn xổi ở thì”, đầu tư kiểu “chắp vá”. Họ không biết phán đoán thị trường nên cứ thấy một phim thể loại nào đó ăn khách là đua nhau làm”. Nhà sản xuất kiêm đạo diễn Nguyễn Minh Thắng cho rằng không nên đặt kỳ vọng lớn ở thị trường điện ảnh non trẻ như Việt Nam mà chỉ kỳ vọng theo đúng bối cảnh, thời điểm của nó. Anh cho rằng sắp tới, 80% phim Việt là thể loại tình cảm pha hài, hành động pha hài, kinh dị. Số lượng đề tài lạ, khai thác văn hóa truyền thống dân tộc tăng lên.
Theo đạo diễn Võ Thanh Hòa, năm 2017, việc phim Việt chinh phục khán giả ngày càng khó khăn hơn do thị trường cạnh tranh khốc liệt và sự áp đảo của phim nhập ngoại trong khi phim Việt không thể tốt lên chỉ sau 1-2 năm sôi động. Sự trở lại của những đạo diễn từng tạo ấn tượng về doanh thu cho phim Việt trên màn ảnh rộng sẽ là điểm sáng đáng mong đợi.
Do kịch bản tệ
Theo nhà báo Thanh Lộc, một trong những nguyên nhân thiếu sự đột phá của phim Việt trong năm 2016 là kịch bản yếu. Nội dung phim đưa ra nhiều tình tiết nhưng cách giải quyết vấn đề còn lan man. Nhân vật chính trong nhiều phim được xây dựng mờ nhạt, tính cách không rõ ràng. Bởi thế, người trong giới chỉ nhớ tên các diễn viên tham gia phim, khó nhớ nổi tên nhân vật trong bộ phim đó… Ngoài ra, đội ngũ những người làm phim còn thiếu chuyên nghiệp, không được đào tạo bài bản. Phim là một tác phẩm điện ảnh thực sự, chứ không phải là một “vở diễn” hay một game show truyền hình. Nếu không giải quyết được vấn đề căn bản này thì đừng mong điện ảnh Việt khởi sắc.
Bình luận (0)