xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Điện ảnh Việt Nam phụ lòng khán giả

Cát Vũ

Liên hoan phim lần thứ 13 tại Vinh, chứng minh rằng khán giả không quay lưng với điện ảnh nước nhà. Có điều, chính ngành điện ảnh không đáp ứng được tình cảm của người xem

Ý KIẾN: Bao giờ mới đủ phim VN có chất lượng để phục vụ khán giả; bao giờ điện ảnh VN đáp ứng được yêu cầu của công chúng? Còn câu hỏi lớn khác: bao giờ phim VN cạnh tranh nổi với phim Hàn Quốc, Trung Quốc? Câu hỏi xem ra rất khó trả lời...

Vậy là một liên hoan phim (LHP) quan trọng nhất của ngành điện ảnh VN, được tổ chức vào đầu thiên niên kỷ mới vừa trôi qua. Người ta có lý để nói về sự thành công khi ở cả bốn thể loại phim đều có những tiến bộ so với những LHP VN diễn ra ở thập kỷ 90, đặc biệt với loại phim hoạt hình, sau hơn 14 năm, mới lại có phim được trao giải Bông sen vàng. Tuy nhiên, khi chia tay từ giã thành phố Vinh, hầu hết những người làm điện ảnh tâm huyết đều mang theo ít nhiều băn khoăn, nếu không muốn nói là nỗi buồn trước một “thực thể ốm o, gầy còm” của điện ảnh nước nhà so với sự trông đợi của công chúng, chưa nói đến một cự ly cách biệt quá xa với các nước tiên tiến trên bản đồ điện ảnh thế giới.

Khán giả nồng nhiệt.- Điều mà những người làm điện ảnh xúc động và hết sức cám ơn nhân dân thành Vinh là sự tiếp đón nồng nhiệt ở khắp mọi nơi, từ những khách sạn, đến các rạp chiếu, các điểm gặp gỡ cũng như những ý kiến trao đổi thẳng thắn và rất “có trình độ” dành cho những người làm phim cùng các tác phẩm của họ. Ở tại buổi giao lưu với các công nhân Nhà máy Đầu máy (xe lửa) Vinh, bên cạnh sự niềm nở với Hoàng Yến, Quốc Tuấn,... những nghệ sĩ quen thuộc, các khán giả trẻ còn “bao vây” Công Dũng, một diễn viên trẻ chỉ mới lần đầu xuất hiện trong phim Hoa cỏ may mà ngay cả cánh báo chí còn chưa kịp biết tên. Tại buổi giao lưu tại Nhà Văn hóa Lao động Vinh, khán giả còn phỏng vấn diễn viên Quyền Linh về “nghệ thuật” ăn mía trong phim Người Hà Nội. Vào buổi sáng ngày 9-12, giữa chợ Vinh, Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Loan đã rất ngạc nhiên khi nghe các bạn hàng tiểu thương nói với nhau: “Thanh Loan trong Người về đồng cói đó!”. Còn Nghệ sĩ Nhân dân Thế Anh thì đi đâu cũng bị phát hiện là “Trung úy  Phương hồi tê!” Bên cạnh sự “vồ vập” nhiều khi thái quá ở các buổi gặp gỡ, công chúng ở Vinh còn bày tỏ sự nồng nhiệt ở tất cả các rạp chiếu phim, kể cả phim tài liệu và hoạt hình. Tất cả các buổi chiếu đều quá tải người xem và cuộc giao lưu sau buổi chiếu bao giờ cũng lố giờ quy định. Sự cảm nhận của khán giả được thể hiện khá rõ qua những tràng pháo tay giữa phim chiếu.

Chưa tương xứng.- Rõ ràng là quá ít phim truyện nhựa. Nhiều khán giả ở Vinh cho biết, đã hơn 10 năm nay, chưa được xem phim VN ở rạp! Với các thể loại phim video, LHP VN lần này quy định chọn đi 1/3 nhưng với phim nhựa thì vét cho đến cái cuối cùng. Ấy thế mà cũng chỉ có 12 phim truyện, 15 phim tài liệu và 14 phim hoạt hình được sản xuất trong gần ba năm. Nhưng điều đáng nói hơn là hầu hết những bộ phim nhựa này được sản xuất để... bỏ vào kho, thi thoảng “moi” ra đem đi dự giải quốc tế! Nếu phim đoạt giải, “ồn ào” một chút, rồi lại trở về nhập kho! Những người làm phát hành giải thích rằng vì không có người xem; ngược lại, những người làm phim cho là hệ thống phát hành không chịu chiếu! Việc đổ lỗi này kéo dài suốt hơn hai mươi năm qua vẫn chưa có điểm dừng. Suy cho cùng, cái lý của hai bên đều không sai song sự thiệt thòi lại thuộc về công chúng. Quả là, ít có bộ phim VN nào cho người ta hứng thú xem lại lần thứ hai, nhưng lâu lâu mới đem ra  chiếu một cách âm thầm thì khó ai kịp biết mà đi xem. Ở các nước được coi là cường quốc điện ảnh, phải sản xuất hàng trăm phim mới may ra tìm được một vài bộ phim hay. Do đó, việc đòi hỏi “bằng người” trong một hoàn cảnh có quá ít điều kiện như vậy tưởng cũng là một việc quá sức.

Nhân lực: Thừa và thiếu. - Với chỉ tiêu chưa đầy 10 phim cho từng thể loại phim nhựa như hiện nay, ngành điện ảnh quả đã quá lãng phí khi để thừa một nguồn nhân lực có tay nghề đáng kể. Người ta nhẩm tính ở các hãng phim bây giờ, nếu sắp hàng thứ tự, phải đến năm năm, một đạo diễn mới có phim để làm. Vì vậy, họ phải chịu một áp lực tâm lý rất lớn khi được nhận một kịch bản, chưa nói đến chuyện có quá ít cơ hội để dượt tay nghề. Thời gian cứ trôi qua trong chờ đợi và cho đến nay, thế hệ những người sau cùng được đào tạo tử tế để làm phim nhựa cũng đang ngấp nghé ở tuổi 50. Còn những người trẻ được đào tạo trong nước trong gần 20 năm qua, cơ hội được thực tập ở phim “sống” rất ít, nếu không muốn nói là họ chỉ có thể làm phim thực tập và tốt nghiệp qua giấy hoặc bằng băng video. Hiện nay, “miền đất hứa” của những sinh viên đang theo học ở các trường điện ảnh trong nước là các hãng phim truyền hình, bởi ở đó số lượng phim đang được gấp rút gia tăng để đạt cho được chỉ tiêu 50% chương trình phim phủ sóng. Và thực tế từ vài năm nay, các sinh viên điện ảnh tốt nghiệp đều đã được các hãng phim truyền hình đón về và giao phim.

Công nghệ làm phim lạc hậu.- Những đoàn khách nước ngoài khi đến Hãng phim Giải Phóng đều đã vô cùng khâm phục người làm điện ảnh VN vì ở xưởng in tráng hiện còn sử dụng những chiếc máy dựng có từ thời Ngô Đình Diệm. Những năm gần đây, qua chương trình “chấn hưng điện ảnh”, một số trang thiết bị hiện đại cũng được Nhà nước nhập về, song, do nhập theo ngân sách nên các vật dụng thiếu sự đồng bộ, không sử dụng được. Thế giới hiện đang sử dụng loại máy quay Ari 5, còn Ari 4 là hiện đại nhất ở VN và cũng chỉ duy nhất Điện ảnh Quân đội mới có, còn tất cả các đoàn phim vẫn đang dùng Ari 3. Mỗi thế hệ Ari cách nhau 15, 20 năm. Ở Trung tâm Kỹ thuật điện ảnh quốc gia hiện được coi là nơi tập trung các thiết bị kỹ thuật hiện đại nhất nước với các máy in tráng, kỹ xảo... nhưng khi làm Điện Biên Phủ trên không, đạo diễn Bùi Đình Hạc vẫn phải qua Úc làm kỹ xảo. Khi làm Giải phóng Sài Gòn, đạo diễn Long Vân cũng đem in tráng ở Thái Lan. Để làm hậu kỳ âm thanh surround cho Mùa ổi, đạo diễn Đặng Nhật Minh phải đem phim qua Pháp (hiện Mùa ổi là phim có âm thanh surround duy nhất ở VN) và sắp tới đây, bộ phim Mê Thảo - Thời vang bóng của đạo diễn Việt Linh cũng sẽ sang trời Tây làm hậu kỳ. Ngoài những phim thuộc dạng Nhà nước đặt hàng 100% như Điện Biên Phủ trên không, Giải phóng Sài Gòn... những phim còn lại đều do nỗ lực, những mối quan hệ riêng tư của từng nghệ sĩ, tìm kiếm con đường để cho tác phẩm “hưởng” được nền kỹ thuật hiện đại của thế giới. Không có điều này, những phim VN sẽ bị loại ngay vòng đầu trong các LHP quốc tế vì không đạt chất lượng kỹ thuật.

Mặt khác, bên cạnh sự lạc hậu về công nghệ làm phim, điện ảnh VN còn gặp một trở ngại lớn nữa là thiếu hẳn một đội ngũ kỹ thuật viên trẻ giỏi nghề. Một số máy móc hiện đại nhập về ở Trung tâm Kỹ thuật điện ảnh quốc gia hiện phải "trùm mền" vì không có người đủ trình độ sử dụng. Với tình hình “chợ chiều” như hiện nay, điện ảnh đã mất sức hấp dẫn đối với lực lượng trẻ tài năng. Họ, phần lớn đều nhắm đến những ngành có tương lai đảm bảo cuộc sống đang trải ra vô vàn trước mắt, chẳng ai dại gì “đâm đầu” vào một ngành “mù mịt” như điện ảnh! Đây cũng là điều tất yếu trong sự tác động hữu quan.

Để phim VN có trên màn ảnh VN.- Công chúng VN vẫn thích được xem phim VN, đó là điều thấy được rất rõ qua các kỳ LHP VN. Tuy nhiên, để xứng đáng với lòng kỳ vọng đó, để có khả năng cạnh tranh với phim nước ngoài đang chiếm lĩnh màn ảnh trong nước, điện ảnh VN, như nhiều người trong ngành tự nhận định, phải bắt đầu lại nhiều thứ, trong đó quan trọng nhất là đào tạo lại tay nghề cho tất cả các khâu, đồng thời phải dành cho công nghiệp điện ảnh một khoản ngân sách thích đáng để phát triển. Cứ trên dưới 10 phim/năm như hiện nay, khó có một nền điện ảnh nào đủ khả năng ghi tên mình vào bản đồ điện ảnh thế giới.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo