Những màn võ thuật đẹp mắt của các diễn viên, nhất là nhân vật nữ chính Nguyễn An An trong bộ phim “Truy sát” (do Trương Ngọc Ánh thủ vai), đã để lại nhiều ấn tượng với khán giả điện ảnh Việt gần đây. Đó là thành quả của đạo diễn hành động Trung Lý, người Úc gốc Việt. Đạo diễn này từng đảm nhận vai trò chỉ đạo võ thuật trong các phim “Enter the Dojo”, “Gaffa”, “Hit Girls”, “Fist of the Dragon”…
Hiệu quả như mong đợi
Diễn viên Trương Ngọc Ánh, kiêm nhà sản xuất của “Truy sát”, cho biết: “Chúng tôi nhắm đến thị trường quốc tế nên việc mời một đạo diễn võ thuật từ nước ngoài tham gia là lựa chọn tối ưu. Một triệu USD kinh phí sản xuất là một bài toán kinh tế nên việc tìm kiếm người đáng tin cậy để giao trọng trách này là điều dễ hiểu. Đạo diễn Cường Ngô đã giúp tôi có những lựa chọn tốt nhất khi giới thiệu Trung Lý vào vị trí đạo diễn võ thuật, còn ông Ross Clarkson đến từ Mỹ đảm nhận vai trò đạo diễn hình ảnh”.
Nếu Trung Lý là một trong những chuyên gia chỉ đạo võ thuật xuất sắc nhất của điện ảnh Úc, từng giành được nhiều giải thưởng danh giá qua các phim của Hollywood hay các kênh truyền hình nổi tiếng của Úc, thì Ross Clarkson có hơn 20 năm kinh nghiệm làm phim hành động ở Mỹ và Hồng Kông. Ông được xem là bậc thầy cân chỉnh màu sắc, ánh sáng, khuôn hình. Sự hợp tác của Trung Lý và Ross Clarkson đã tạo nên những thước phim thực sự kịch tính, những trường đoạn hồi hộp đúng nghĩa phim hành động chuẩn mực.
Theo giới làm phim, điện ảnh Việt đang thật sự cần những chuyên gia có tay nghề của thế giới tham gia nhiều hơn trong các khâu sáng tác. Chúng ta có nhiều đạo diễn trở về từ những nền điện ảnh phát triển nhưng thiếu các khâu khác trong thành phần chế tác và hậu kỳ để đáp ứng được yêu cầu đổi mới và nâng chất.
“Việc hợp tác này sẽ giúp điện ảnh Việt tiến gần đến quỹ đạo phát triển chung của điện ảnh thế giới” - Ngô Thanh Vân, nhà sản xuất phim “Tấm Cám”, nhìn nhận. Đó chính là lý do mà Ngô Thanh Vân đã mời Aaron Toronto tham gia nhóm biên kịch cả 2 bộ phim điện ảnh “Ngày nảy ngày nay” và “Tấm Cám” (chuẩn bị ra rạp) của mình. Aaron Toronto, một người Mỹ chính gốc, được biết đến với vai trò đạo diễn và biên kịch. Aaron Toronto từng làm phó đạo diễn các phim điện ảnh Việt như: “Chuyện tình xa xứ”, “Để Mai tính”, “Sài Gòn yo!”, “Trúng số”…
Tăng tính chuyên nghiệp
Không khó để bắt gặp những cái tên nước ngoài trong ê-kíp đoàn phim thời gian gần đây với các chức danh: đạo diễn, quay phim, thiết kế mỹ thuật, âm nhạc... Trong đó, quay phim, đạo diễn hình ảnh là 2 thành phần phổ biến nhất hiện nay.
Khán giả vẫn còn nhớ những cảnh quay đúng phong cách Hollywood trong “Để Mai tính” với hình ảnh đại sảnh, sân khấu, phòng dạ tiệc của các khách sạn 5 sao, khu resort cao cấp hay du thuyền sang trọng. Ấn tượng nhất vẫn là góc máy không thể đẹp hơn của dải bờ biển Nha Trang. Dominic Pereira, một nhà quay phim người Mỹ, đã làm nên những khung hình đẹp đẽ ấy. Ông cũng là người thực hiện những cảnh quay trong “Dòng máu anh hùng” hay “Bẫy rồng” trước đó.
Trong bộ phim “Vệ sĩ Sài Gòn” (tựa tiếng Anh là “Saigon bodyguard”) sắp ra mắt, đạo diễn là người Nhật Bản, ông Ken Ochiai (từng đạo diễn các phim “Tiger Mask”, “Uzumasa Limelight”); nhà sản xuất Niv Fichman - hãng phim Rhombus Media thì đảm nhận vai trò sản xuất cùng với diễn viên Kim Lý.
Trương Ngọc Ánh cho biết chị đang chuẩn bị cho một dự án điện ảnh khác có tên “I am wanted”, với kinh phí đầu tư lên đến 85 tỉ đồng. Nữ đạo diễn người Thụy Điển Beata Gardeler sẽ đảm trách vai trò đạo diễn của phim này.
“Khi nhiều người đang rơi vào tình trạng nhàm chán bởi sự cũ kỹ và lối mòn thì sự xuất hiện của các chuyên gia nước ngoài trong phim Việt được xem như những viện binh có mặt đúng lúc, mang đến một gia vị vừa vặn” - đạo diễn Đinh Anh Dũng nhận xét.
Điều đó không hề quá lời. Chẳng hạn, với bề dày thành tích - từng lọt vào vòng bầu chọn chính thức của Liên hoan Phim Cannes 2001 và Sundance 2002 với bộ phim “Tears of the black tiger”, đoạt giải Grand Jury của Cannes 2000 với “Devils on the doorstep” - chuyên gia dựng phim Folmer M. Wiesinger rõ ràng là “của báu”. “Cánh đồng bất tận” với sự tham gia của ông đã để lại nhiều ấn tượng với khán giả Việt bởi những cảnh quay được sắp xếp đầy tinh tế.
“Sự xuất hiện của các chuyên gia nước ngoài trong các khâu làm phim đã góp phần tạo nên nét mới lạ, giúp nâng cao chất lượng các tác phẩm phim Việt” - giới chuyên môn nhận định. Theo bà Ngô Thị Bích Hiền, Giám đốc BHD tại TP HCM, các đạo diễn dựng phim chuyên nghiệp như Folmer M.Wiesinger sẽ quyết liệt trong việc chọn hay bỏ tình tiết gì để phim tránh khỏi tình trạng lê thê, dài dòng kiểu “bỏ gì cũng tiếc” của phim Việt.
Đạo diễn Nhật Bản Ken Ochiai cho rằng bắt tay hợp tác với phim Việt là một công việc thú vị. “Nền điện ảnh Việt Nam rất tiềm năng và việc của chúng tôi là đi đến những mảnh đất mới lạ” - ông háo hức.
“Thực tế, mời các chuyên gia ngoại đến Việt Nam không quá tốn kém như nhiều người nghĩ, thậm chí chỉ bằng chi phí cho một ê-kíp người Việt, bởi họ luôn lấy đam mê làm chuẩn mực cho mọi sự hợp tác” - diễn viên Trương Ngọc Ánh khẳng định.
Ghi dấu ấn nghề nghiệp
Khán giả Việt Nam từng chứng kiến những cảnh quay đẹp đến mê hoặc, như nhận xét của diễn viên Kinh Quốc, của nhà quay phim người Úc Coordelia Beresford trong “Chuyện của Pao”.
Ngoài ra, khán giả còn nhận thấy dấu ấn của nhà quay phim Lee Woon Hak (Hàn Quốc) trong “Lối sống sai lầm”; đạo diễn hình ảnh Oh Seung Yuep trong “Mùi ngò gai”, “Lối sống sai lầm”, “Dòng sông huynh đệ”; đạo diễn hình ảnh đến từ Hollywood Joel Spezeski trong “Mưa thủy tinh”; nhạc sĩ Christopher Wong làm giám đốc âm nhạc cho “Dòng máu anh hùng”; chuyên gia người Mỹ Folmer M.Wiesinger với vai trò dựng phim cho “Cánh đồng bất tận”, đạo diễn của “2046”...
Nhiều chuyên gia điện ảnh đến từ các nước đã được tôn vinh tại các giải thưởng nghề nghiệp của Việt Nam. Trong đó, Coordelia Beresford đoạt giải Quay phim xuất sắc tại giải Cánh diều 2005, Dominic Pereira đoạt giải Quay phim xuất sắc nhất, Christopher Wong đoạt giải Nhạc sĩ xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 15...
Bình luận (0)